Kể từ khi hiệp ước an ninh mới giữa Mỹ, Anh và Australia - hay hiệp ước AUKUS - được công bố khiến Pháp mất đi thỏa thuận tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD với Australia, Pháp không ngừng trút những chỉ trích gay gắt nhằm vào Mỹ.
Paris nói rằng Washington không thông tin minh bạch với các đồng minh về những sáng kiến chính sách đối ngoại có tầm ảnh hưởng sâu rộng, theo Wall Street Journal.
Ngày 19/9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã thảo luận về “những hậu quả chiến lược của cuộc khủng hoảng hiện tại” với các đại sứ của họ ở Mỹ và Australia vừa được triệu hồi về nước.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến có cuộc nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong những ngày tới, các quan chức hai nước cho biết. Đây được cho là một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng sâu sắc của Pháp đối với hiệp ước an ninh mới.
“Họ đang đảo ngược một số cam kết ở cấp độ toàn cầu”, ông Le Drian nói về Mỹ vào ngày 18/9.
“Nếu là đồng minh thật sự, chúng tôi nói chuyện với nhau. Chúng tôi không giấu giếm, chúng tôi tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi tôn trọng chủ quyền của nhau. Tuy nhiên, trường hợp này không như vậy, và đó là lý do khủng hoảng xảy ra”, ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh.
Khi Mỹ thúc đẩy chính sách đối ngoại chống lại Trung Quốc, Tổng thống Biden đã hứa hẹn một chiến dịch chung tay cùng với các đồng minh có cùng chí hướng. Tuy nhiên, sự rạn nứt ngoại giao với Pháp do hiệp ước AUKUS cho thấy chính quyền Mỹ đang phải vật lộn để duy trì sự thống nhất đó.
Tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến cùng với Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái), và Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 15/9. Ảnh: CNN. |
Rạn nứt có thể hàn gắn?
Một số quan chức châu Âu lo lắng rằng Mỹ đang hành động một cách gấp gáp và không thông báo cho họ.
Josep Borrell, người đứng đầu vấn đề chính sách của Liên minh châu Âu (EU), tuần trước nói rằng ông “tiếc” vì EU đã bị loại khỏi các cuộc đàm phán về AUKUS.
Trong khi đó, mối quan hệ ngoại giao rạn nứt với Pháp tiếp tục nhấn mạnh những rủi ro gia tăng đối với Tổng thống Biden. Dù được lòng nhiều đồng minh lâu năm của Mỹ hơn so với cựu Tổng thống Trump, ông Biden đã làm tổn hại các mối quan hệ đối ngoại quan trọng, cũng như bộc lộ những khác biệt rõ rệt về cách đối đầu với Trung Quốc.
“Chúng tôi nhận thấy sự trỗi dậy của một chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ đưa ra mang tính đối đầu quân sự. Đó không phải là quan điểm của chúng tôi”, Ngoại trưởng Le Drian nói. "Chúng tôi không tin vào logic của cuộc đối đầu quân sự có hệ thống, dù đôi khi chúng tôi vẫn phải sử dụng các phương tiện quân sự”.
Các quan chức Mỹ nói rằng sự sụp đổ ngoại giao là hậu quả có thể dự đoán được của một chính sách đối ngoại xoay quanh Trung Quốc. Tuy nhiên, họ tin rằng rạn nứt với Pháp sẽ sớm được hàn gắn.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Chúng tôi tin tưởng vào sự bền vững trong các liên minh của chúng tôi, bao gồm cả với Pháp. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các đối tác châu Âu về những thách thức lớn nhất mà cộng đồng toàn cầu phải đối mặt, bao gồm mối đe dọa Covid-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Trong bối cảnh Pháp thất vọng với thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân, ông Biden dự kiến điện đàm với Tổng thống Macron trong những ngày tới.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn kiên quyết phản đối những nỗ lực của Mỹ nhằm thu hút một liên minh an ninh rộng lớn hơn, đồng thời cảnh báo rằng họ sẽ không xoa dịu căng thẳng ở Thái Bình Dương.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu vào ngày 17/9 tại Athens, bày tỏ sự thất vọng về hiệp ước AUKUS. Ảnh: Reuters. |
Liệu các hành động của Mỹ có tạo ra các vấn đề lâu dài hay không sẽ sớm sáng tỏ khi Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc triệu tập tại New York trong tuần này.
Ông Biden cũng sẽ tiếp người đồng cấp từ Australia, Ấn Độ và Nhật Bản tại Nhà Trắng vào ngày 24/9 tới. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Macron dự kiến không tham dự, thay vào đó là Ngoại trưởng Le Drian.
“Cú đâm sau lưng”
Ngoại trưởng Pháp Le Drian đã ví hiệp ước an ninh ba bên AUKUS - bao gồm thỏa thuận tàu ngầm - như một "cú đâm sau lưng".
Các quan chức Mỹ cho biết họ không chủ động đàm phán với Australia về công nghệ tàu ngầm trước khi Canberra đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng với Pháp.
Chính phủ Australia đã bắt tay vào đại tu quân đội trong bối cảnh lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng họ lại lo ngại rằng các tàu ngầm do Pháp thiết kế sẽ không phù hợp với tình hình an ninh ngày càng bất ổn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Đầu năm 2020, khi Australia bắt đầu xem xét công nghệ tàu ngầm thay thế, quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19.
Sau khi biết được mối bận tâm của Australia, Ngoại trưởng Pháp Le Drian đã hỏi Ngoại trưởng Australia Marise Payne trong một cuộc gọi ngày 23/6 rằng liệu họ có muốn tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thay vì tàu ngầm động cơ diesel hay không.
Pháp chưa bao giờ chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho nước khác, nhưng các quan chức coi đây là điều khả thi vì hai nước đang bắt tay vào quan hệ đối tác an ninh được cho là sẽ kéo dài hàng thập kỷ.
Australia không phản hồi đề nghị, các quan chức Pháp cho biết.
Vài ngày trước khi ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Australia công khai tái khẳng định tầm quan trọng của chương trình tàu ngầm thông thường trị giá 38,6 tỷ USD trong một cuộc họp vào ngày 30/8, một quan chức Hải quân Australia đã hoàn thành chuyến đi tới Washington để thảo luận về chương trình tàu ngầm an ninh trong bí mật.
Anh coi mối quan hệ đối tác AUKUS là một cách để mở rộng nguồn lực quân sự nhằm cố gắng đi trước Trung Quốc trong cuộc chạy đua vũ trang công nghệ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ hai bên trái) và thủ tướng Australia lúc bấy giờ Malcolm Turnbull (thứ hai bên phải) trên một chiếc tàu ngầm ở Sydney vào năm 2018. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, Pháp dường như không hề biết gì và vẫn tiếp tục làm việc về các dự án tàu ngầm. Chỉ đến tuần trước, Pháp mới bất ngờ khi báo chí Australia đưa tin rằng Thủ tướng Australia Morrison sẽ hủy hợp đồng với Pháp và mua tàu ngầm do Mỹ sản xuất để thay thế.
Ngoại trưởng Le Drian và các quan chức Pháp khác đã liên hệ với những người đồng cấp ở Mỹ nhưng không nhận được phản hồi ngay lập tức.
Một quan chức Nhà Trắng nói rằng thỏa thuận đã được thảo luận từ tháng 6 giữa các nhà lãnh đạo của ba nước tại hội nghị G7, nhấn mạnh rằng AUKUS là kết quả của việc Australia quan tâm đến tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân khi căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.
Thủ tướng Australia Morrison được cho là đã cố gọi điện cho Tổng thống Macron vào đầu tuần trước, nhưng tổng thống Pháp khi đó không có mặt ở văn phòng. Đến sáng 15/9, ông Morrison đã gửi thư cho ông Macron xác nhận việc hủy hợp đồng.
Tổng thống Pháp nhận nó khi đang trên đường đến Château de Fontainebleau ở phía nam Paris để ăn trưa với thái tử của Abu Dhabi, vài giờ trước khi ông Biden, Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố hiệp ước an ninh mới.
Quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền Biden đã lường trước rằng chính phủ Pháp có thể phản ứng gay gắt, nhưng Mỹ phải đưa ra quyết định dựa trên lợi ích của đất nước và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, và ông Biden cảm thấy đây là bước đi đúng đắn.