Việc Mỹ công bố liên minh AUKUS nhằm đối phó với Trung Quốc buộc châu Âu phải đối mặt với một câu hỏi khó nhưng không mới, đó là châu lục này phải lựa chọn ủng hộ bên nào, theo New York Times.
Các lãnh đạo châu Âu cố gắng lảng tránh câu hỏi này kể từ khi cựu Tổng thống Barack Obama bày tỏ ý định tập trung vào châu Á, để đối đầu với Trung Quốc. Họ hy vọng mối quan hệ giữa hai cường quốc này sẽ ổn định, để có thể thu lợi từ cả hai.
Tuy nhiên, việc chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt nhiều lệnh cấm vận thương mại với Trung Quốc khiến mối quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Giờ đây, liên minh AUKUS được thành lập để bổ sung nhiều tàu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, khiến nước này hủy bỏ thỏa thuận mua tàu chạy bằng dầu diesel từ Pháp trị giá 66 tỷ USD.
"Châu Âu không muốn phải lựa chọn giữa hai phía", ông Thomas Gomart, giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) nói. "Nhưng chính quyền Biden, cũng như chính quyền Trump, muốn họ (châu Âu) đưa ra quyết định".
Nghi ngờ về độ tin cậy của Mỹ
Pháp phản ứng mạnh mẽ trước việc công bố liên minh AUKUS, nhưng nước này có thể được lợi về mặt lâu dài. Tổng thống Emmanuel Macron là người đề xướng việc châu Âu thực hiện "tự chủ chiến lược". Điều này có nghĩa châu Âu cần phải giữ vững cách tiếp cận cân bằng đối với Mỹ và Trung Quốc.
"Châu Âu phải tự lực cánh sinh như các nơi khác", theo ông Josep Borrell Fontelles, đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Macron đề xướng thúc đẩy châu Âu xây dựng tự chủ chiến lược. Ảnh: AP. |
Pháp cảm thấy thất vọng với Mỹ sau thất bại thê thảm tại Afghanistan. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu chỉ trích chính quyền của Tổng thống Biden, cho rằng Mỹ hành động đơn phương. Họ ủng hộ quan điểm của ông Macron rằng Mỹ không còn là một đối tác an ninh đáng tin cậy.
"Sự kiện ở Afghanistan và thỏa thuận mua tàu ngầm đã chứng minh quan điểm của Pháp rằng Mỹ không đáng tin cậy", ông Ulrich Speck từ Quỹ Marshall Đức.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn chưa rõ liệu Pháp có thể biến thất bại này thành một bước đệm để đạt được tự chủ chiến lược hay không.
"Các nước sẽ xem đây là cơ hội để Pháp thực hiện mục đích của riêng mình", theo ông Robin Niblett, giám đốc Viện Nghiên cứu Chatham.
Nhiều người cho rằng việc châu Âu cố giữ vị trí trung lập sẽ dần trở nên khó khăn hơn. "Châu Âu cần phải nghĩ kĩ về vị thế và động thái của mình", bà Rosa Balfour, giám đốc của Quỹ Carnegie châu Âu.
Theo bà, để châu Âu có thể đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng, khu vực này cần các đồng minh như Anh và Mỹ. Khi châu Âu tự phát triển được năng lực an ninh, "tiếng nói của châu Âu sẽ có giá trị hơn với các nước đối tác".
Tương lai của Mỹ - Châu Âu
Theo các chuyên gia, liên minh AUKUS sẽ giúp Australia nhiều hơn trong việc ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, so với thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp.
"Liên minh AUKUS là một lời cảnh báo đến Bắc Kinh. Điều này có lợi cho Mỹ và Australia", theo ông Ian Lesser, quyền qiám đốc tại Quỹ Marshall Đức tại Berlin.
"Tôi không nghĩ Mỹ sẽ thôi tập trung vào an ninh ở châu Âu sau sự kiện ở Afghanistan và động thái của nước này ở châu Á", ông nói thêm.
Vấn đề lớn nhất đối với EU là tìm được ý chí chính trị để xây dựng tự chủ chiến lược, theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Tuy Pháp mong muốn được tự chủ chiến lược, vẫn chưa rõ các nước châu Âu còn lại có muốn tạo khoảng cách với Washington hay không.
"Pháp có thể sẽ tự cô lập chính mình", ông Speck cho biết, chỉ ra rằng Mỹ vẫn là một đối tác quan trọng tại những nơi Pháp lo ngại, như Nga, vùng Sahel và Ấn Độ Dương.
Ông Ulrich Speck cho rằng Pháp sẽ có thể tự cô lập chính mình. Ảnh: Tuukka Niemi. |
Ông Lesser thừa nhận vẫn còn nhiều nghi vấn về độ tin cậy của Mỹ với tư cách là đối tác an ninh của châu Âu.
Ba Lan, một đồng minh bền vững của Mỹ tại EU và NATO, phản ứng tích cực hơn với liên minh AUKUS. Thay vì cho rằng Mỹ tạo khoảng cách với châu Âu, Ba Lan tập trung vào việc Mỹ, cùng Anh và Australia, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, theo ông Michal Baranowski, lãnh đạo văn phòng của Quỹ Marshall Đức ở Ba Lan.
Tuy vậy, ông Baranowski cho biết Ba Lan chỉ trích chính quyền Biden "hành động đơn phương và phản bội các nước đồng minh ở châu Âu". Chẳng hạn, chính quyền Biden ra quyết định cho phép xây dựng đường dẫn ống khí Nord Stream 2 từ Nga đến Đức, băng qua Ukraine và Ba Lan.
Bên cạnh đó, bà Balfour cho biết châu Âu không muốn khiến Bắc Kinh giận dữ.
"Các nước đồng minh châu Âu không muốn áp dụng các chính sách đối ngoại thắt chặt với Trung Quốc" và "nhận thức được nhu cầu đàm phán với nước này về khí hậu và thương mại", bà nói.
Nếu châu Âu có thể tiếp tục đàm phán với Bắc Kinh mà không bị nước này xem là một phần của liên minh đối đầu, khối này sẽ nhận được nhiều lợi ích.
"Nếu EU áp dụng chính sách đối ngoại đúng đắn và tránh bộc lộ quan điểm về Trung Quốc như Bắc Kinh muốn, châu Âu sẽ có lợi", theo bà Balfour.