Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những sự kiện của ngành xuất bản năm 2015

2015 là năm ngành xuất bản có nhiều vui buồn với câu chuyện về đường sách, hội sách hay ồn ào đạo thơ của tác giả Phan Huyền Thư.

Sự ra đời của đường sách Nguyễn Văn Bình - TP HCM

Ý tưởng xây dựng đường sách được Hội Xuất bản đưa ra từ hơn một năm trước với mong muốn có một không gian văn hóa, tri thức cho người dân và cũng là địa điểm kinh doanh, tổ chức sự kiện của giới xuất bản, phát hành sách. Ngày 15/10, đường sách chính thức được khởi công.

Triển lãm đầu tiên tại đường sách Nguyễn Văn Bình - TP HCM được tổ chức vào ngày 20/10. Triển lãm giới thiệu sách, tư liệu chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ X và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ảnh: Hải An
Triển lãm đầu tiên tại đường sách Nguyễn Văn Bình - TP HCM được tổ chức vào ngày 20/10. Triển lãm giới thiệu sách, tư liệu chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ X và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ảnh: Hải An

Trong một cuộc trò chuyện cùng Zing.vn, ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam chia sẻ, trước khi trình ủy ban kế hoạch về đường sách, Hội đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và tìm hiểu địa điểm: "Đường Nguyễn Văn Bình ở trung tâm, cạnh nhà thờ Đức Bà, bưu điện, UBND thành phố, có chiều dài ngắn chỉ hơn 100 m. Nơi đây từng có các hoạt động văn hóa như bán tem, bưu thiếp, không có nhà dân nên không vướng mắc khâu giải tỏa".

Hội sách được mùa

Có lẽ chưa năm nào hội sách được tổ chức liên tiếp và rầm rộ như năm 2015. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, những người yêu sách đã được tham gia Hội sách Quốc tế, Hội sách Hoàng Thành rồi Hội sách Mùa xuân, Hội sách Mùa thu do 3 nhà xuất bản là Trẻ, Phụ nữ và Kim Đồng cùng chung tay tổ chức. Hầu hết các hội chợ sách này đều thu hút sự chú ý của độc giả và nhiều đơn vị trong ngành xuất bản. Điển hình như Hội sách Quốc tế có hơn 200 gian hàng với sự tham gia của 20 đơn vị xuất bản nước ngoài. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh trống khai mạc Ngày sách Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh trống khai mạc Ngày sách Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Trước đó, nhân Ngày sách Việt Nam, các hội sách cũng được tổ chức ở khắp ba miền. Riêng hội sách tổ chức tại công viên Thống Nhất - Hà Nội đã bán được 3 triệu bản và đạt doanh thu khoảng 12 tỷ đồng

Những hội chợ sách cũ, như Đại hội sách cũ mà Alpha Books tổ chức vào dịp cuối tháng 8 hay Chợ phiên sách cũ ở TP HCM được tổ chức với mục đích từ thiện cũng trở thành hoạt động văn hóa thú vị với nhiều người. 


Nhà thơ Ý Nhi giành giải thưởng văn học Thụy Điển

Thông tin nhà thơ Ý Nhi đoạt giải Cikada là niềm vui với nhiều người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản. Từ khi thành lập, giải thưởng Cikada thường được trao cho các nhà thơ Đông Á với các bài thơ viết bằng tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đã có 3 nhà thơ Nhật, 3 nhà thơ Hàn và 1 tác giả Trung Quốc được trao giải Cikada. 

Nhà thơ Ý Nhi nhận giải thưởng Cikada 2015 từ tay bà Camilla Mellander, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam.
Nhà thơ Ý Nhi nhận giải thưởng Cikada 2015 từ tay bà Camilla Mellander, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam. Ảnh: Hiếu Vân

Năm nay, biên độ giải mở rộng sang khu vực Đông Nam Á và tác giả Hoàng Thị Ý Nhi là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng này.

Trước vinh dự này, tác phẩm của Ý Nhi từng được dịch sang tiếng Anh. Năm 2009, thơ của bà cũng được dịch sang tiếng Thụy Điển cùng thơ của 11 nhà thơ Việt Nam khác (Hoàng Hưng, Nguyễn Duy, Nguyễn Lương Ngọc, Phan Huyền Thư, Ngô Tự Lập, Nguyễn Quang Thiều, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Mai Văn Phấn, Vi Thùy Linh, Nguyễn Bình Phương) trong tập Till: igar do NXB Tranan tại Stockholm in ấn.

Nhà văn Trang Thế Hy qua đời

Giới nghiên cứu nhận định, Trang Thế Hy là một trong những cây viết góp phần tạo nên phong cách riêng của văn chương Nam Bộ.

Vừa làm báo, vừa viết văn, ông là cây bút nổi tiếng từ trong chiến tranh, từng tham gia Cách mạng tháng tám 1945 tại Bến Tre, hoạt động cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.  Sau 1975 ông sinh hoạt văn nghệ tại TP HCM, làm biên tập viên Văn tại báo Văn nghệ TP HCM.

Trang Thế Hy là cây bút tạo nên nét riêng cho văn học Nam Bộ. Ảnh: Ngày Nay.
Trang Thế Hy là cây bút tạo nên nét riêng cho văn học Nam Bộ. Ảnh: Ngày Nay

Với giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu, được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn tên thật là Võ Trọng Cảnh để lại một di sản văn chương khá đồ sộ. Trong danh mục tác phẩm mà NXB Trẻ ký hợp đồng độc quyền với ông hồi tháng 7/2014, có 65 truyện ngắn, 2 tiểu thuyết, chưa kể thơ và cả tác phẩm dịch.

Nhà văn Trang Thế Hy qua đời tại nhà riêng hôm 8/12, hưởng thọ 91 tuổi.

Những câu chuyện đạo thơ ồn ào

Nếu sự ra đi của nhà văn Trang Thế Hy khiến nhiều người tiếc nuối, những ồn ào về chuyện đạo thơ giữa các tác giả đương đại lại làm cho văn đàn xôn xao và cả thất vọng. Đáng nói nhất là vụ việc Bạch lộ trong tập thơ Độc lập của Phan Huyền Thư bị nghi ngờ đạo bài Buổi sáng của tác giả Phan Ngọc Thường Đoan. 

Những vụ đạo thơ vẫn là câu chuyện không hồi kết của làng văn.
Những vụ đạo thơ vẫn là câu chuyện không hồi kết của làng văn.

Phan Huyền Thư bị thu hồi giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 với tập thơ Sẹo độc lập. Sau đó, tập thơ cũng bị dừng phát hành. Phan Huyền Thư phải lên tiếng xin lỗi Phan Ngọc Thường Đoan 2 lần.

Trước đó, vụ tranh cãi quyền tác giả quanh bài Tổ quốc gọi tên mình cũng tiêu tốn nhiều giấy mực của truyền thông. Tác phẩm vốn nằm trong tập thơ cùng tên của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai. Nhưng cuối tháng 9, một người tên là Ngô Xuân Phúc lại nhận bài thơ được mình sáng tác từ năm 2008. 

Hiện tranh chấp về quyền tác giả và việc ai đạo thơ ai vẫn chưa đi tới hồi kết. 

Tranh cãi về bìa sách Truyện Thúy Kiều

Cuốn Truyện Thúy Kiều do Nhã Nam kết hợp với NXB Thế giới ấn hành gây phản ứng trái chiều từ khi vừa ra mắt bởi phần bìa là bức tranh của họa sĩ Lê Văn Đệ. Có người khen ấn tượng nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng bìa sách dung tục, phản cảm. Nhà văn Đoàn Minh Phượng tỏ ra thất vọng với "bộ mặt" của một tác phẩm nhằm kỷ niệm 250 năm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du. 

Bìa cuốn Truyện Thuý Kiều tái bản năm 2015 gây tranh cãi.
Bìa cuốn Truyện Thuý Kiều tái bản năm 2015 gây tranh cãi.

Trước những ý kiến tương tự, ông Dương Thanh Hoài - giám đốc Nhã Nam TP HCM cho biết bức vẽ của họa sĩ Lê Văn Đệ "không hề có chút tả chân" và "càng không nhuốm điều gì gọi là dung tục". Ông cũng chia sẻ thêm: "Họa sĩ thiết kế đã rất thận trọng với bìa sách. Chúng tôi tin rằng khi mọi người cầm sách cụ thể trên tay sẽ thấy rõ điều đó và thấy là một cái bìa đẹp và hợp lý". 

Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch - chủ nhiệm khoa Văn học, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng: "Việc dùng lại một bức tranh cũ có giá trị làm bìa cho một ấn bản Kiều tái bản do hai nhà học giả uyên thâm khảo đính là điều rất đáng quý. Nó gợi lại cái không khí một thời, “nhất khí” cho toàn bộ ấn phẩm. Đó là chưa kể tới những phụ lục được đưa vào cuốn sách này cũng đều của những họa sư có tiếng thời trước".

Sách tô màu lên ngôi

Năm 2015 chứng kiến sự lên ngôi của một trào lưu mới trong ngành xuất bản: sách tô màu cho người trưởng thành.

Các nhà xuất bản Việt rất nhanh nhạy trong việc mua bản quyền xuất bản từ những họa sĩ tên tuổi trên thế giới. Bên cạnh đó, một vài ấn phẩm made in Vietnam 100% cũng được phát hành và tạo hiệu ứng khá tốt. Đó là Giấc mơ đưa em về và Tay trong tay của tác giả Thiên Nhã do NXB Trẻ phát hành.

Sách tô màu ra đời với mục đích giúp người đọc thư giãn và học hỏi sự kiên trì trong quá trình biến những bức tranh trắng - xám tẻ nhạt thành những tác phẩm sống động, rực rỡ theo sở thích. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nó trở thành ấn phẩm được cả thế giới yêu thích và giúp nhiều đơn vị xuất bản thắng lớn. Một đại diện của Nhã Nam từng chia sẻ cùng Zing.vn: "Chúng tôi không thể cung cấp con số cụ thể về doanh số nhưng có thể khẳng định STM là dòng sách bán chạy nhất năm 2015 của Nhã Nam".


G.A.

Bạn có thể quan tâm