Những sản phẩm công nghệ Mỹ đang bị chặn tại Trung Quốc
Thứ năm, 30/5/2019 21:08 (GMT+7)
21:08 30/5/2019
Trước khi Mỹ ra lệnh cấm Huawei, có hàng chục dịch vụ, sản phẩm công nghệ của nước này bị Trung Quốc chặn.
Facebook (bao gồm: Instagram, WhatsApp, Messenger): Kể từ 2009, mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã bị chặn tại Trung Quốc. Tình cảnh tương tự xảy ra với Instargram (2014) và WhatsApp (2017).
Google: Cùng với hàng loạt dịch vụ YouTube, Gmail, Google Play, Google Maps, Google Drive, Hangouts, Blogger đều không khả dụng tại Trung Quốc. Cột mốc quan trọng nhất là năm 2010, khi đồng sáng lập Sergey Brin chỉ trích chính phủ, rút công cụ tìm kiếm khỏi quốc gia này.
Twitter: Mạng xã hội được Tổng thống Mỹ Donald Trump và các chính trị gia, người nổi tiếng ở phương Tây ưa chuộng bị chặn từ 2009. Tuy nhiên, vẫn có 10 triệu người Trung Quốc dùng Twitter thông qua mạng VPN.
Snapchat: Không rõ ứng dụng này bị cấm tại Trung Quốc từ khi nào. Họ vẫn duy trì một văn phòng đại diện nhỏ chuyên phát triển sản phẩm kính thông minh Spectacles.
Reddit: Diễn đàn nổi tiếng thế giới bị chặn từ tháng 8/2018. Không có lý do nào được cơ quan quản lý Trung Quốc công bố.
Tumblr: Từ tháng 5/2016 người dùng tại Trung Quốc không thể truy cập vào Tumblr. Trước đó trang web này đã bị kiểm duyệt nội dung gắt gao.
Wikipedia: Phiên bản tiếng Hoa của bách khoa toàn thư mở bị chặn từ năm 2015. Từ giữa tháng 5, Trung Quốc quyết định cấm tất cả trang web Wikipedia.
Dropbox: Dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây bị chặn lần đầu từ năm 2010, sau đó được khôi phục tạm thời vào tháng 2/2014. Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau, chính quyền Trung Quốc quyêt định tiếp tục chặn Dropbox.
Pinterest: Mạng xã hội ảnh do tỷ phú Mỹ Ben Silbermann điều hành bị chặn từ tháng 3/2017, trong thời gian diễn ra một sự kiện chính trị tại Trung Quốc.
Flickr: Dịch vụ lưu trữ ảnh này bị chặn bởi "Great Firewall" từ 2007, vài năm sau khi về tay Yahoo!. Hiện tại Flickr thuộc sở hữu của SmugMug nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
Dailymotion: Tương tự như YouTube, trang web chia sẻ video Dailymotion bị chặn tại Trung Quốc không rõ từ thời điểm nào.
DuckDuckGo: Công cụ tìm kiếm có tính bảo mật cao và bảo vệ quyền riêng tư này không khả dụng tại Trung Quốc từ tháng 9/2014.
Twitch: Dịch vụ livestream thuộc sở hữu của Amazon đã bị chặn từ 2018 sau khi lượt tải xuống ứng dụng này tăng vọt trong thời gian diễn ra Đại hội thể thao châu Á.
Slack, Discord, Quora, Medium, Vimeo, SoundCloud là những sản phẩm công nghệ nổi tiếng khác bị chặn bởi "Vạn lý trường thành" trên Internet của Trung Quốc.
Là nước xuất khẩu đất hiếm nhiều nhất thế giới, Trung Quốc có thể cấm vận mặt hàng này và gây ảnh hưởng lớn lên nền kinh tế thế giới, theo nhận định từ chuyên gia.
Khi căng thẳng thương mại leo thang, một doanh nghiệp Trung Quốc ra lệnh cấm nhân viên sử dụng hàng hóa, dịch vụ Mỹ. Ngay cả ăn gà rán thương hiệu Mỹ cũng có nguy cơ bị sa thải.