Chiến cục tiến công Đông Xuân năm 1953 - 1954 của ta vừa diễn ra, sợ mất địa bàn chiến lược quan trọng Tây Bắc và vùng bắc Đông Dương, đại tướng Nava vội vã đưa quân lên Điện Biên Phủ. Quân Pháp chiếm giữ toàn bộ cánh đồng Mường Thanh và các điểm cao xung quanh.
Chúng xây dựng Điện Biên thành tập đoàn cứ điểm phòng ngự lớn, dài 17 km, rộng 8 km. Người Pháp đưa lên hàng chục tiểu đoàn bộ binh và lính dù, là những đơn vị thiện chiến nhất, cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại. Tập đoàn cứ điểm được tổ chức thành 3 phân khu, 8 cụm cứ điểm với 49 cứ điểm lớn nhỏ. Quân Pháp xây dựng công sự và bố trí vật cản, cùng hệ thống giao thông hào nối liền các lô cốt và ụ súng, nối thông các cứ điểm và cụm cứ điểm, làm tăng tính liên hoàn và vững chắc.
Từng cứ điểm và cụm cứ điểm có khả năng tác chiến độc lập, hoặc chi viện và hỗ trợ cho nhau trong quá trình bị tấn công. Đây là tập đoàn cứ điểm phòng ngự lớn và mạnh nhất của quân Pháp trên chiến trường Đông Dương và sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đánh giá về khả năng tác chiến của tập đoàn, nhiều sĩ quan và chính khách của cả Pháp và Mỹ đều cho rằng: đây là nơi bất khả xâm phạm, cỗ máy khổng lồ để nghiền nát các đại đoàn chủ lực của Việt Minh, cơ hội để kết thúc chiến tranh có lợi cho Pháp...
Nhận rõ khó khăn phải tấn công vào tập đoàn phòng ngự chiến lược lớn của kẻ thù, chúng bố trí lực lượng mạnh, có công sự và vật cản vững chắc, thế trận liên hoàn, chi viện và phản kích nhanh, có hỏa lực không quân và pháo binh chi viện mạnh với cường độ cao. Trên đường ra trận, Đại tướng Tổng tư lệnh đã tìm hiểu những khó khăn và khả năng vận chuyển của thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, giúp họ tìm ra giải pháp khắc phục.
Đại tướng gặp bộ đội công binh, nắm chắc số lượng cầu phà và bến vượt phải xây dựng, công tác bảo đảm giao thông, phòng chống không quân và pháo binh địch, nhất là ở các trọng điểm quan trọng. Tới sở chỉ huy, Tư lệnh làm việc với cơ quan, bàn về kế hoạch và phương án tác chiến.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). |
Trên cơ sở đánh giá tình hình, Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: địch mới đổ quân, công sự trận địa xây dựng chưa thật vững chắc, bố trí còn nhiều sơ hở, nhất là ở hướng tây. Vì vậy ta cần tận dụng thời cơ có lợi, tiến công địch ngay. Phương châm chỉ đạo tác chiến: đánh nhanh, thắng nhanh. Cách đánh: ta sẽ tập trung lực lượng và phương tiện, tiêu diệt một số cứ điểm và cụm cứ điểm quan trọng vòng ngoài, sau đó đánh thẳng vào bên trong, phát triển tiêu diệt quân địch còn lại giành thắng lợi.
Phương châm và cách đánh được Đảng ủy và Hội nghị cán bộ toàn chiến dịch dân chủ thảo luận kỹ. Nhiều khó khăn và vướng mắc được nêu ra, nhất là thời gian chuẩn bị ngắn, bộ đội chưa quen tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, tiến công vào tập đoàn phòng ngự mạnh, bố trí liên hoàn, công sự và vật cản vững chắc, tăng viện và phản kích nhanh sẽ có nhiều khó khăn...
Cuối cùng Tư lệnh kết luận: "Từ nay đến ngày nổ súng thời gian còn dài, địch đang tăng quân, ra sức củng cố trận địa, ta cần nắm chắc tình hình để đưa ra quyết định chính xác hơn. Bên cạnh đó các lực lượng cần đẩy nhanh tốc độ làm công tác chuẩn bị. Các đồng chí trong Bộ tư lệnh luân phiên xuống các đơn vị kiểm tra, tìm ra phương án giúp các lực lượng nâng hiệu suất và rút ngắn thời gian chuẩn bị".
Qua hơn 50 ngày đêm chuẩn bị, giờ nổ súng đã đến. Tuy nhiên Tư lệnh kiêm Chính ủy Võ Nguyên Giáp đưa ra đề nghị: "Tạm dừng chưa nổ súng, thay đổi phương châm, chuyển sang đánh chắc tiến chắc". Đây là quyết định rất táo bạo, trên cơ sở tư duy sáng tạo, được tính toán rất kỹ qua nhiều ngày, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị và trách nhiệm cao, cùng ý chí quyết thắng của Đại tướng. Nó cũng thể hiện tình cảm yêu thương, quý trọng xương máu của người chỉ huy và lãnh đạo, với cán bộ và chiến sĩ của mình.
Để làm tăng niềm tin và tính thống nhất cao, trong Hội nghị Đảng ủy và Hội nghị cán bộ, Tư lệnh kiêm Chính ủy đã phân tích rất kỹ tình hình. Ông nhấn mạnh: "Hiện nay địch đã thêm 4 tiểu đoàn bộ binh và 2 đại đội dù, 4 khẩu pháo 105, cùng nhiều phương tiện chiến đấu khác, công sự trận địa được củng cố vững chắc hơn. Nâng tổng quân số của Pháp ở Điện Biên Phủ lên 16.200 tên. Quân địch có 16 tiểu đoàn và 9 đại đội bộ binh và lính dù, 2 tiểu đoàn pháo 105 mm/28 khẩu, 1 đại đội pháo 155 mm/4 khẩu, 2 đại đội cối 120 mm/20 khẩu; 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội tăng M24/10 xe, 1 đại đội vận tải/200 ôtô, 1 phi đội không quân/7 máy bay khu trục, 6 máy bay trinh sát, 1 máy bay trực thăng...
Quân địch ở Điện Biên Phủ còn được không quân của Pháp và Mỹ, ở các sân bay Bạch Mai và Gia Lâm, Cát Bi, Luông Phra Băng và Viên Chăn chi viện. Trong khi đó thời gian chuẩn bị của ta đã kéo dài thêm 5 ngày, pháo binh vẫn chưa vào chiếm lĩnh xong, công tác bảo đảm hậu cần và kỹ thuật cho các đơn vị ở xa chưa đủ".
Quyết định của Tư lệnh được Đảng ủy và Hội nghị cán bộ dân chủ thảo luận, nhiều khó khăn và vướng mắc được nêu ra, các phương án giải quyết được xây dựng. Tư tưởng được khơi thông, lo lắng được giải quyết, niềm tin chiến thắng được nhân lên, toàn chiến dịch gấp rút bước vào chuẩn bị theo phương châm tác chiến mới. Tư lệnh chiến dịch trực tiếp cùng cơ quan điều tra nắm địch, xuống tận các đơn vị động viên, nghiên cứu tìm ra biện pháp xây dựng trận địa tiến công, kéo pháo ra và đưa pháo vào chiếm lĩnh... Công tác chuẩn bị được hoàn thành, yếu tố chắc thắng đã đến, 17h ngày 13/3 bộ đội ta bất ngờ nổ súng tiến công địch.
Qua từng đợt chiến đấu, Bộ tư lệnh tổ chức rút kinh nghiệm, chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục, nâng cao sức mạnh đánh địch. Bên cạnh đó Đại tướng Tổng tư lệnh còn chỉ đạo các chiến trường đẩy mạnh tác chiến phối hợp. Trải qua 56 ngày đêm kiên cường chiến đấu, có sự chi viện và phối hợp của cả nước, quân và dân Điện Biên đã giành thắng lợi. Chiến thắng vang dội non sông, chấn động địa cầu, có sự đóng góp rất to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.