Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Đổi cách đánh vào giờ chót

60 năm về trước, chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ghi dấu những quyết định sáng suốt và bản lĩnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quân dân ta.

Nhờ thay đổi kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, tiến chắc” trước giờ nổ súng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân ta đã “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Ông Nguyễn Công Dinh (thứ hai từ trái sang) cùng một số thành viên gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Nguyễn Công Dinh (thứ hai từ trái sang) cùng một số thành viên gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Là trợ lý tác chiến của cơ quan đầu não thuộc Bộ Tổng tham mưu mặt trận Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Công Dinh, từng là cán bộ Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu chiến dịch Điện Biên Phủ, nhớ lại: “Nằm trong nhóm giúp việc, tổng hợp tin tức từ các đơn vị ngoài mặt trận để báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp hàng ngày tại sở chỉ huy đóng tại Mường Phăng, Điện Biên Phủ. Tôi hiểu được vì sao sau này Đại tướng luôn nhắc đi nhắc lại quyết định thay đổi phương châm tấn công từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là quyết định khó khăn nhất trong đời binh nghiệp của ông”.

Tướng quân tại ngoại

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Bộ Chính trị và Bác Hồ đặt mục tiêu giải phóng thị xã Lai Châu, mở rộng căn cứ của ta ở Tây Bắc. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội, được Bộ Chính trị cử lên làm Tư lệnh Mặt trận. Có mặt trong đoàn cán bộ của Cục Tác chiến lên Tây Bắc từ những tháng cuối năm 1953 để chuẩn bị mở chiến dịch giải phóng Lai Châu, ông Nguyễn Công Dinh nhớ: “Khi sở chỉ huy chiến dịch đứng chân ở Tuần Giáo (Lai Châu) được chưa lâu thì quân Pháp ồ ạt nhảy dù xuống vùng lòng chảo Điện Biên với 6 tiểu đoàn. Hai tiểu đoàn địch đang bị lực lượng của ta tấn công ở Lai Châu cũng chạy về Điện Biên”.

Ngay lúc này, những cán bộ của Cục Tác chiến như ông Dinh được lệnh tổng hợp tình hình và báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu để xin chỉ thị của Bác Hồ và Bộ Chính trị. “Tất cả các nhận định ban đầu của ta lẫn các cố vấn Trung Quốc đều cho rằng quân ta nên đánh nhanh thắng nhanh khi địch đứng chân chưa vững. Lúc này, quân Pháp vẫn liên tục tăng cường lực lượng xuống khu vực lòng chảo Điện Biên và trung tâm là cánh đồng Mường Thanh” - ông Dinh kể.

Ngày 1/1/1954, Bộ Chính trị họp ở Tỉn Keo thuộc An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên) quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác Hồ trao quyền Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sự tin tưởng tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tài thao lược của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi trao cầm quân trận Điện Biên Phủ được thể hiện qua lời dặn dò trước khi Đại tướng ra trận: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Đặc biệt là lời nhắc nhở của Bác về tầm quan trọng của chiến dịch: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Lời dặn đó như kim chỉ nam xuyên suốt giúp Đại tướng đưa ra được những quyết định sáng suốt và đầy bản lĩnh ở những thời khắc cực kỳ khó khăn.

Quyết định sáng suốt

Từ An toàn khu Định Hóa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có mặt ở sở chỉ huy Thẩm Púa (cách Điện Biên Phủ 15 km) và bắt tay vào triển khai kế hoạch tác chiến như đã xác định và thống nhất với các chuyên gia Trung Quốc từ ban đầu là đánh nhanh, thắng nhanh.

Ông Nguyễn Công Dinh còn nhớ rõ cuộc họp để triển khai các phương án đánh nhanh thắng nhanh gồm đầy đủ các tư lệnh và chính ủy đại đoàn như Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Lê Quảng Ba, Đào Văn Trường, Cao Văn Khánh, Chu Huy Mân, Phạm Ngọc Mậu… “Cuộc họp này diễn ra vào ngày 14/1/1954. Kế hoạch được viết thành mệnh lệnh chỉ thị để phổ biến xuống các đơn vị. Theo đó, ta sẽ đồng loạt nổ súng tấn công vào ngày 25/1. Nhưng một sự cố bất ngờ xảy ra là trước ngày nổ súng, một chiến sĩ trinh sát của Đại đoàn 312 không may bị địch bắt. Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định lùi thời gian nổ súng lại một ngày” - ông Dinh hồi tưởng.

Từ vài ngày trước khi nổ súng, Đại tướng lo lắng và suy nghĩ rất nhiều. “Chắc thắng mới đánh” - lời dặn ấy của Bác Hồ khiến anh Văn (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trăn trở không yên” - ông Dinh nói.

Đêm trước ngày nổ súng, Đại tướng thức trắng và sáng sớm 26/1, ông triệu tập cuộc họp Đảng ủy mặt trận cùng các tư lệnh, chính ủy đại đoàn và các cục trưởng. Trước đó, Đại tướng đã có cuộc trao đổi với trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh và lời khuyên của cố vấn Trung Quốc là “nên giữ phương án đánh nhanh, thắng nhanh” để giải quyết sớm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong cuộc họp Đảng ủy và chỉ huy các đại đoàn, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn vì kế hoạch đã được phổ biến đến bộ đội và cũng chỉ còn ít giờ nữa sẽ nổ súng. Cũng theo ông Dinh, khi ấy có ý kiến lo lắng nếu chuyển phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, việc chuẩn bị hậu cần sẽ rất khó khăn bởi gạo nuôi quân khi đó phải vận chuyển từ Thanh Hóa lên hoặc Việt Bắc sang đều phải trải qua quãng đường 500 km. 

Tuy vậy, sau khi nghe tất cả mọi người trình bày ý kiến, anh Văn đặt câu hỏi: “Ai có thể khẳng định chắc thắng nếu đánh nhanh?”, thì không vị nào đủ tự tin. Sau đó, Đại tướng kết luận cuộc họp lịch sử và cân não ấy bằng chỉ thị: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra”. Ngay sau đó, các cán bộ Cục Tác chiến phải gấp rút tỏa xuống các đơn vị để phổ biến phương án mới. 

 

Quyết định đúng đem lại thắng lợi

Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, quyết định chuyển phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện nhãn quan quân sự tuyệt vời cũng như bản lĩnh của “tướng quân tại ngoại” đúng như Bác Hồ đã tin tưởng. “Quyết định ấy chính là điểm mấu chốt đem đến thắng lợi của cuộc chiến, tránh cho quân ta rơi vào bẫy của quân Pháp, tiết kiệm rất nhiều xương máu của những người lính ở Điện Biên Phủ” - Thiếu tướng Lê Mã Lương nhận định. 

 

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/dien-bien-phu-lung-lay-nam-chau-doi-cach-danh-vao-gio-chot-20140503204536342.htm

Theo Người Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm