Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc viếng thăm của những đồng đội giữa hai thế giới

Ông Tuấn Linh - người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, từ Sài Gòn ra thăm những đồng đội nằm xuống ở Nghĩa trang đồi A1 đã không ngăn được dòng nước mắt.

Những ngày đầu tháng 4/2014, trong dịp chuẩn bị chào mừng lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hai người cựu chiến binh Điện Biên năm xưa và cũng là hai người bạn ông Tuấn Linh và ông Vũ Nga đã từ Sài Gòn về thăm lại chiến trường xưa và dâng hương các đồng đội tại Nghĩa trang đồi A1.
Ông Tuấn Linh 85 tuổi người gốc Hà Nội ( bên trái), là cán bộ tác chiến của sư 351 pháo binh, phụ trách đôn đốc trung đoàn 45 105 ly cơ giới đầu tiên, trung đoàn 675, 3 tiểu đoàn cối 106 120 ly và hoả tiễn chủ lực trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Ông Vũ Nga 86 tuổi người Sài Gòn, trong chiến dịch 60 năm trước ông làm nhiệm vụ an ninh, vệ tiền phương và sát cánh bên cạnh đồng chí Phạm Kiệt. Sau này ông chuyển sang ngành Công an, trở thành vận động viên bơi lội của ngành đại diện cho Việt Nam đi thi đấu quốc tế và đã giành nhiều danh hiệu, huy chương. Hiện nay ông còn rất khoẻ mạnh, là hội trưởng hội bơi lội người cao tuổi quận 10 thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi giải phóng Điện Biên, ông Linh và ông Nga vinh dự được trực tiếp Bác Hồ gắn huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên lên ngực áo. 10 năm trước, trong dịp lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, hai ông cũng đã được vinh dự cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm lại Điện Biên, đây là lần thứ hai trở lại thung lũng Mường Thanh của hai cụ. 
Họ là 2 trong số 6 Chiến sĩ Điện Biên sinh hoạt trong hội Cựu chiến binh quận 10 Tp Hồ Chí Minh được mời ra thăm lại Điện Biên dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng. Nhưng do tuổi cao sức yếu nên có bốn ông không ra được, chỉ có hai ông quay trở lại thăm được chiến trường xưa trong dịp này.
Người chiến sĩ Điện Biên đã không cầm được nước mắt khi đứng giữa các đồng đội vô vẫn còn nằm lại nơi đây. Các ông biết chắc rằng trong gần 1000 ngôi mộ có đồng đội cùng đơn vị nhưng không biết nằm nơi đâu nữa, rất nhiều đồng chí gia đình chưa nhận được hài cốt, nhiều ngôi mộ vô danh.
Mỗi nén nhang trước mộ các liệt sĩ vô danh như một sự tri ân, lời hỏi thăm và chia sẻ với các đồng chí đồng đội của hai ông.             
"Sau 60 năm, chúng tôi lên thăm các đồng chí đây! Các anh bây giờ là chiến sĩ vô danh, cũng không biết tên tuổi quê quán ở đâu, nhưng hãy vui lòng yên nghỉ nơi đây, tự hào là chiến sĩ Điện Biên Phủ". Người lính già nghẹn ngào nhắn nhủ tâm sự bên các đồng chí đồng đội đang yên nghỉ tại nghĩa trang đồi A1.
Ông còn là trưởng ban liên lạc hội Cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên 1954 tại thành phố Hồ Chí Minh. "Sau 10 năm kể từ dịp kỷ niệm 50 năm, hơn 500 chiến sĩ nay đã chỉ còn chưa được một nửa, các cụ đã ra đi vì tuổi cao sức yếu và nhiều căn bệnh chiến tranh để lại".
Ông Tuấn Linh vẫn còn lưu giữ bên mình bức ảnh kỷ niệm chụp ngày 10/10/1954 tại Hà Nội khi đoàn quân trở về Thủ đô, ông là thanh niên gốc Hà Nội và mới chỉ 23 tuổi. Hiện nay ông đã có 4 người con, hơn chục đứa cháu, ông cùng vợ chuyển vào Sài Gòn sống quây quần cùng hai vợ chồng người con trai út.
"Chúng tôi là những người may mắn còn sống, lên đây dịp này là hạnh phúc lắm rồi, tưởng rằng không còn sức đâu mà giải phóng năm 1975 nữa đâu…", ông Vũ Nga chia sẻ.
Thât tiếc khi hai ông không thể tham dự đúng dịp lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại đây, hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh trong dịp 7/5 này cũng tổ chức họp mặt. Các ông gửi gắm sự tri ân và tâm sự của các đồng đội đồng chí không thể lên Điện Biên được và sau đó quay về cùng tổ chức gặp mặt trong dịp lễ kỷ niệm trọng đại của dân tộc những ngày đầu tháng 5 này.

Tuấn Mark

Bạn có thể quan tâm