Kể từ ngày 1/1/2022, nhiều chính sách mới liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ chính thức có hiệu lực.
Ngày 31/12 cũng là “hạn chót” để xe kinh doanh vận tải phải chuyển biển số có nền màu vàng; sang tên xe qua nhiều đời chủ khi thiếu giấy tờ; lắp camera trên xe kinh doanh...
Cá nhân vi phạm giao thông có thể bị phạt tới 75 triệu đồng
Ngày 13/11/2020, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1/1/2022.
Tại khoản 10 Điều 4 bộ luật này quy định: Phạt tiền đến 75 triệu đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân là 40 triệu đồng.
Cơ quan chức năng đề xuất chủ xe quá tải trên 50% có thể bị phạt 70-75 triệu đồng. Ảnh: L.H. |
Để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính mới, cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT đã trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 100 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Theo dự thảo, mức phạt 70-75 triệu đồng được đề nghị áp dụng đối với cá nhân là chủ ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô thực hiện giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển vượt quá tải trọng của cầu, đường trên 50%. Ngoài ra nhiều vi phạm khác cũng được đề nghị tăng mức xử phạt gấp 5-10 lần.
Xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát
Nghị định 10/2020 quy định trước ngày 1/7, ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Tuy nhiên, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tại Nghị quyết 66 ngày 1/7, Chính phủ quyết định lùi thời hạn xử phạt hành chính đến hết ngày 31/12/2021 đối với xe kinh doanh vận tải chưa hoàn thành lắp camera.
31/12 là hạn cuối để xe kinh doanh vận tải lắp camera giám sát. Ảnh: Việt Linh. |
Cả nước hiện có trên 200.000 phương tiện sẽ phải lắp camera theo Nghị định 10. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ không lùi thời hạn sau ngày 31/12. Đơn vị nào không lắp camera sẽ bị xử phạt nghiêm bởi trong bối cảnh hiện nay việc lắp đặt camera còn giúp cơ quan chức năng giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Mức phạt:
Nghị định 100 quy định: Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa:
- Không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera).
- Có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
Phạt tiền 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức:
- Sử dụng ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera).
- Sử dụng ôtô kinh doanh vận tải có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
- Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên ôtô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 đến 3 tháng đối với xe vi phạm.
Tất cả ghế trên xe khách phải có dây an toàn
Điều 36 Nghị định 10 quy định trước 31/12, ôtô kinh doanh vận tải hành khách phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm (trừ xe buýt nội tỉnh).
Mức phạt: Khoản 3, Điều 23 Nghị định 100 quy định phạt 600.000-800.000 đồng đối với các trường hợp điều khiển ôtô kinh doanh vận tải không có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm theo quy định (trừ xe buýt nội tỉnh).
Xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển số vàng
Thông tư 58 của Bộ Công an quy định biển số ôtô kinh doanh vận tải sẽ có nền màu vàng, chữ và số màu đen, seri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z.
Ngoài ra, các xe kinh doanh vận tải đăng ký mới sẽ được cấp biển màu vàng từ ngày 1/8. Đối với các phương tiện kinh doanh đã hoạt động trước đó sẽ phải chuyển đổi sang biển vàng trước ngày 31/12.
Hà Nội đã đổi biển số nền vàng cho trên 82.000 ôtô kinh doanh vận tải. Ảnh minh họa: H.Q. |
Để tạo thuận lợi cho các chủ xe, Thông tư mới cũng quy định việc đăng ký xe được rút ngắn thời gian thay vì tối đa 7 ngày như hiện nay, người dân có thể đăng ký trực tuyến trên mạng sau đó hẹn giờ, ngày đến làm thủ tục và lấy biển số.
Ngoài ra, chủ xe khi đi đổi biển số chỉ cần mang một trong những giấy tờ như chứng minh thư, thẻ căn cước, hộ chiếu hoặc hộ khẩu, không cần mang xe đến trụ sở đăng ký, sau đó điền tờ khai (không phải cà số khung, số máy) và sẽ được cấp biển mới ngay nếu đủ điều kiện.
Mức phạt: Nghị định 100 quy định phạt tiền từ 2 đến 4 triệu đồng đối với cá nhân và 4-8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ôtô không thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe.
Hạn cuối sang tên cho xe không giấy tờ
Khoản 3 Điều 28 Thông tư 58/2020 của Bộ Công an quy định: Xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên theo quy định đến hết ngày 31/12.
Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 19 của thông tư này cũng quy định: Người đang sử dụng xe không chính chủ chỉ cần có giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe thì có thể làm thủ tục sang tên, đổi chủ cho xe.
Do vậy, nếu không thực hiện sang tên xe theo thời hạn nói trên, từ ngày 1/1/2022, xe không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu sẽ không được giải quyết sang tên.
Mức phạt: Nghị định 100 quy định:
Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe máy: Cá nhân sẽ bị phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng; tổ chức bị phạt tiền 800.000-1 triệu đồng.
Không làm thủ tục đăng ký sang tên ôtô: Cá nhân bị phạt 2-4 triệu đồng; tổ chức bị phạt 4-8 triệu đồng.
Hết thời hạn giảm phí đường bộ
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thông tư 47/2021 của Bộ Tài chính quy định giảm nhiều mức lệ phí từ 1/7 đến 31/12.
Ngày 31/12 là hạn cuối giảm phí sử dụng đường bộ đối với một số loại hình vận tải. Ảnh: H.Q. |
Trong đó, cơ quan chức năng quyết định giảm 30% phí sử dụng đường bộ đối với ôtô kinh doanh vận tải hành khách (gồm ôtô chở người và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng); giảm 10% phí sử dụng đường bộ đối với xe tải, ôtô chuyên dùng, xe đầu kéo.
Từ 1/1/2022, mức phí sử dụng đường bộ đối với ôtô kinh doanh vận tải trở lại mức cũ theo quy định tại Thông tư 293/2016.