Trong văn bản được Văn phòng Chính phủ truyền đạt, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông; Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông đẩy mạnh kiểm soát và xử lý nghiêm đối với chủ ôtô kinh doanh vận tải không lắp đặt camera, không đổi biển số sang nền màu vàng và phương tiện không đủ điều kiện đi vào cửa thu phí điện tử không dừng gây mất an ninh trật tự và ùn tắc giao thông.
Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương cũng được yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp chuyển sang sử dụng dịch vụ thu phí không dừng, khẩn trương lắp camera và đổi biển kiểm soát ôtô kinh doanh vận tải sang nền màu vàng.
Nghị định 10/2020 quy định trước ngày 1/7, ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Tuy nhiên, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tại Nghị quyết 66 ngày 1/7, Chính phủ quyết định lùi thời hạn xử phạt hành chính đến hết ngày 31/12/2021 đối với xe kinh doanh vận tải chưa hoàn thành lắp camera.
Cả nước hiện có trên 200.000 phương tiện sẽ phải lắp camera theo Nghị định 10. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ không lùi thời hạn sau ngày 31/12. Đơn vị nào không lắp camera sẽ bị xử phạt nghiêm bởi trong bối cảnh hiện nay việc lắp đặt camera còn giúp quan chức năng giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, tại Thông tư số 58 của Bộ Công an, các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải bắt buộc phải đổi sang biển số nền màu vàng trước ngày 31/12/2021.
Từ ngày 1/1/2022, các trường hợp xe kinh doanh vận tải chưa thực hiện việc chuyển đổi biển số và lắp camera sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 100.
Nghị định 100 quy định:
Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa:
- Không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera);
- Có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
Phạt tiền 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức:
- Sử dụng ôtô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera);
- Sử dụng ôtô kinh doanh vận tải có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
- Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên ôtô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 đến 3 tháng đối với xe vi phạm.
Phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng đối với cá nhân và 4-8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ôtô không thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe.
Hà Nội còn gần 70% ôtô kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát
Theo quy định, xe vận tải hành khách có sức chứa từ 9 người trở lên, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera giám sát trước 31/12.
CSGT cả nước đồng loạt ra quân đợt cao điểm dịp Tết
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT yêu cầu lực lượng CSGT toàn quốc tập trung cao nhất về lực lượng và trang thiết bị trong 2 tháng ra quân cao điểm từ 15/12.
CSGT đường thủy xuất quân tuần tra cao điểm dịp Tết
Tàu tuần tra cùng nhiều xuồng cơ động được Thủy đoàn I thuộc Cục CSGT xuất quân trong sáng 15/12, trên tuyến sông Đuống đoạn qua huyện Tiên Du, Bắc Ninh.