Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những quốc gia từng đốt tiền sưởi ấm, coi tiền như rác

Zimbabwe, Đức và Hungary là những nền kinh tế từng lạm phát cao nhất trong lịch sử. Người dân những nước này từng phải cầm rất rất nhiều tiền chỉ để có thể mua một ổ bánh mì.

Khi kể về thời kỳ khủng hoảng đen tối nhất trong lịch sử, người ta thường nhắc đến những câu chuyện như một người lơ đãng nên bị mất vali tiền song tên trộm chỉ lấy vali và vứt tiền ở lại, hay một gia đình bán toàn bộ gia sản để di cư sang Mỹ, nhưng khi tới bến cảng, họ nhận ra số tiền đó thậm chí không đủ để mua vé về nhà.

Tuy nhiên, những câu chuyện không tưởng đó lại vô cùng thực tế.

Sự thật đằng sau những câu chuyện không tưởng

Vào những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ I tại Đức, tỷ lệ lạm phát có lúc lên đến 3.250.000% mỗi tháng. 

Business Insider cho biết, năm 1913, tổng tiền tệ của Đức là 6 tỷ mark (đồng nội tệ của Đức khi đó). Khi đó, 1 USD đổi được 4,2 mark. Tuy nhiên, tháng 11/1923, một kg bơ tươi giá 6.000 tỷ mark và 1 USD đổi 4.200 tỷ mark. Như vậy, một kg bơ tươi trị giá gấp 1.000 lần so với tổng số tiền của nước này trong 10 năm trước đó, và tỷ giá hối đoái tăng lên gấp nghìn tỷ lần.

cam tien ty di mua banh my anh 1
1.783 máy in tại Đức được vận hành hết tốc lực những khi không thiếu giấy. Ảnh: Zuma Press.

Trước chiến tranh, một ổ bánh mì có giá khoảng 13 cent. Kết thúc chiến tranh, giá tăng gấp đôi. Giá cả leo thang theo từng ngày và dừng lại ở mức 250 mark vào tháng 1/1923. 10 tháng sau, giá một ổ bánh mì ở mức 200 tỷ mark. 

Các xí nghiệp phát lương cho công nhân theo ngày. Những bà vợ chờ trước cổng nhà máy để nhận tiền và vội vàng đi chợ. Người ta công bố mức giá mới chỉ sau một thời gian ngắn. 

Nhiều bác sĩ chỉ nhận tiền khám chữa bệnh bằng hàng xúc xích, trứng hoặc than. Giá tăng liên tục khiến các cửa hàng bỏ niêm yết. Thậm chí cái chết cũng trở thành bài toán khó khi giá hỏa táng gắn với giá than. 

Lạm phát cao buộc chính phủ Đức phải định giá lại đồng tiền. Tuy nhiên, siêu lạm phát và áp lực kinh tế dẫn đến việc nổi lên của đảng Nazi và Adolf Hitler.

Gần đây hơn, vào cuối những năm 1990 đến những năm đầu thế kỷ 21, cả thế giới biết đến một Zimbabwe với những "tỷ phú" cầm tiền tỷ trong tay chỉ để mua một ổ bánh mì. Mỗi ngày trôi qua, chi phí sinh hoạt đội lên theo cấp số nhân.

“Chính phủ công bố tờ 10 tỷ có thể mua 20 ổ bánh mì, nhưng sau đó 3 tuần, số tiền này chưa mua được nửa chiếc”, Richard Daughty viết trên Daily Reckoning.

Cơn đói lương thực và thiếu hụt hàng hóa tràn lan trên khắp đất nước. Những thị trấn du lịch sôi động và đầy sức sống trở nên hoang vu như một thành phố ma. Các cửa hàng trống rỗng. Một ổ bánh mì giá tới 75 tỷ đôla Zimbabwe.

Ngày 12/4/2009, chính phủ nước này quyết định khai tử đồng nội tệ và lưu hành ngoại tệ trên thị trường, nhưng nền kinh tế Zimbabwe vẫn chưa ổn định và luôn trong tình trạng "nghìn cân treo sợi tóc". 

Tồi tệ nhất trong lịch sử phải nhắc tới Hungary vào năm 1946, với tỷ lệ lạm phát theo tháng lên đến 13.600.000.000.000%. Giá cả tăng gấp đôi sau 15-16 giờ. Người ta đốt tiền để sưởi ấm thay củi khô. Những đứa trẻ nghĩ đủ trò để chơi với "núi" tiền gần như vô giá trị.

cam tien ty di mua banh my anh 2
Tiền giấy vứt la liệt trên đường không ai nhặt. Ảnh: CNBC.

"Ở thời kỳ đỉnh cao của lạm phát, giá tăng nhanh đến mức cứ nửa tiếng bồi bàn lại chỉnh mức giá mới một lần. Tiền giấy trở thành thứ vô dụng. Người lao động phải mang xe cút kít để chở lương hàng ngày về nhà", nhà sử học Carl Ludvig Holtfrerich chia sẻ.

Chẳng còn gì là chắc chắn. Mọi trật tự cũ bị phá hủy cùng với niềm tin. Người ta chẳng thể trông đợi điều gì khi một bộ phận lớn người dân nhìn thấy của cải mà bản thân dành dụm mất trong khi nhà nước có thể dễ dàng bỏ gánh nợ.

Nhà kinh tế học Joseph Schumpeter nhận xét việc đồng tiền mất giá khủng khiếp tác động mạnh tới tính cách và đạo đức của con người, cũng như mọi khía cạnh của đời sống văn hóa. Mọi giá trị bị đảo lộn, tội phạm hình sự nhỏ tăng vọt và người ta sống buông thả như không có ngày mai.

Tiền cứ thiếu lại in

Nguyên nhân của hầu hết thảm kịch lạm phát tồi tệ nhất trong lịch sử bắt nguồn từ sự quản lý yếu kém của chính phủ và quyết định in tiền hàng loạt trong bối cảnh nền kinh tế vốn không "khỏe".

Sau Chiến tranh Thế giới thứ I, Đức thua trận và chìm sâu trong nợ. Quốc gia này cần tiền để trả cho những người lính trở về từ cuộc chiến, trợ cấp cho vợ của những người tử trận cũng như bồi thường cho Anh và Pháp. Trong khi đó, chính quyền không đủ tín nhiệm để vay tiền của những nước khác. Vì vậy, ngân hàng trung ương quyết định in thêm tiền, mào đầu cho một trong những đợt lạm phát lớn nhất lịch sử. 

Mùa thu năm 1922, hệ thống tài chính của Đức suy sụp nghiêm trọng. Nền kinh tế ngập trong tiền giấy và các cuộc đình công xảy ra hàng loạt. Tình trạng thiếu thốn hàng hóa đẩy giá thành lên cao. Những điều này kết hợp với một nền kinh tế bị hủy hoại bởi chiến tranh, dẫn đến siêu lạm phát, giá cả mất kiểm soát.

Chính phủ cố gắng cứu vãn nhưng thất bại. Mùa hè năm 1931, hệ thống ngân hàng tại Đức vỡ trận, dẫn đến đóng cửa hàng loạt. Đức vỡ nợ.

Đồng mark mất cả 3 chức năng của một đồng tiền (đơn vị tính toán, phương tiện thanh toán và giá trị tài sản). Nhà sử học ở Bielefeld Helmut Kerstingjohaenner khẳng định: "Từ giữa tháng 10/1922, đồng mark đã chết". 

Trong khi đó, Hungary bước ra khỏi 2 cuộc chiến tranh thế giới đều là nước thua trận. Đặc biệt, sau Chiến tranh Thế giới thứ II, nền kinh tế nước này bị tàn phá nặng nề và trở nên kiệt quệ. Lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng bởi Đại suy thoái. Nợ công quá cao buộc chính phủ phải phá giá đồng tiền.

Khác Đức và Hungary, nguyên nhân suy thoái của Zimbabwe không xuất phát từ chiến tranh thế giới. Sau khi giành độc lập vào năm 1980, chính phủ quyết định đổi tiền. Vì mục đích trả nợ và thanh toán các khoản cần thiết nên quốc gia này đã in thêm hàng chục tỷ dollar Zimbabwe, khiến tình hình ngày càng nghiêm trọng.

Lạm phát phi mã buộc người dân nước này xếp hàng dài để mua bánh mì, kem đánh răng và các nhu yếu phẩm cơ bản khác. Họ thường vác theo những bao tải lớn đựng tiền chỉ để mua một số ít mặt hàng trong thời buổi mất giá.

Tại một thời điểm năm 2009, một xấp tiền trị giá hàng trăm nghìn tỷ dollar Zimbabwe không đủ để mua một vé xe bus tại thủ đô Harare.

Theo The Wall Street Journal, nước này in khoảng 5-7 triệu tờ 100.000 tỷ. Đồng tiền này lưu hành chỉ vài tháng trước khi chính phủ khai tử đồng nội tệ.

Nhật ký 30 ngày săn thực phẩm tại Venezuela

Fabiola Zerpa, một phóng viên của Bloomberg sống tại Venezuela, đã ghi lại hành trình tuyệt vọng của cô khi cố gắng "đưa đồ ăn lên bàn bếp".


Kim Ngân (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm