Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khủng hoảng Venezuela: ‘Tôi bay đến Mỹ để mua giấy vệ sinh’

Theo CNN, khoảng nửa triệu người Venezuela đến Mỹ vào năm ngoái để mua nhu yếu phẩm và thăm người thân. Con số này ngày càng tăng.

Carmen Mendoza, 66 tuổi, đến thành phố New York để thăm con gái và mua giấy vệ sinh, xà phòng, kem đánh răng, đậu, bột ngô, cá ngừ, mayonnaise và aspirin - những thứ mà bà không thể tìm thấy tại quê nhà.

Khủng hoảng kinh tế tại Venezuela kéo theo khủng hoảng nhân đạo. Người dân nước này đang phải sống trong tình trạng thiếu thực phẩm và y tế trầm trọng trong khi tỷ lệ tội phạm và các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Nicolas Maduro từ chức gia tăng.

Theo CNN, Mendoza sống tại thành phố New York với con gái suốt một tháng và nhận ra bản thân đánh mất ý thức về những gì bình thường. Khi con gái rủ bà đi mua đồ tại một siêu thị thực phẩm mới mở gần nhà, bà bật khóc khi nhìn thấy thực phẩm chất đầy trên các kệ - cảnh hiếm gặp ở Venezuela hiện tại.

“Tôi đã khóc”, Mendoza nói. Tại Venezuela, “bạn hạnh phúc khi tìm thấy một thứ gì đó cơ bản như sữa”.

khung hoang Venezuela anh 1
Những kệ hàng trong các siêu thị tại Venezuela gần như trống rỗng. Ảnh: Reuters.

Bà không phải là người duy nhất. Khoảng nửa triệu người Venezuela đến Mỹ vào năm ngoái. Những người Venezuela đang sống tại Mỹ nói rằng bạn bè và gia đình của họ đến Mỹ để mua nhu yếu phẩm.

"Đó là một minh chứng cho thấy tình trạng quản lý tồi tệ tại Venezuela. Tình trạng ngày càng xấu", Beatriz Ramos, một doanh nhân công nghệ người Venezuela sống tại thành phố New York, nói. Ông đã đón 6 người bạn tới từ quê hương vào năm nay.

Ramos, Mendoza và những người khác tin rằng cuộc sống ở Venezuela sẽ không mãi như hiện tại nhưng họ không nghĩ tình hình sẽ sớm được cải thiện. Tuy nhiên, sự thay đổi có thể đang đến.

Ủy ban bầu cử quốc gia Venezuela vừa công bố sẽ cho các nhà lãnh đạo đối lập 3 ngày vào cuối tháng 10 để thu thập đủ chữ ký cần thiết cho một cuộc trưng cầu bầu cử tổng thống – một cuộc bỏ phiếu nhằm loại bỏ ông Maduro.

Các đối thủ của ông cần 20% cử tri ký vào thỉnh nguyện thư và sau đó cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào năm 2017.

Một số người Venezuela như Ernesto Chang, chủ một nhà hàng, tin rằng cuộc sống sẽ không khá hơn trong ít nhất 5 năm nữa. Ông đã đưa vợ và 4 con đến Mỹ vào tháng 9 để tránh tình trạng thiếu thốn. Để thực hiện hành trình này, ông phải tiết kiệm trong 2 năm.

Gia đình Chang bay tới thành phố Miami và mất 28 tiếng đi tàu tới thành phố New York, mua sắm trong một vài giờ ở thành phố Orlando để cho những đứa trẻ thấy Disney World. Ở với những người anh tại Mỹ, Chang nhận ra cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng tới những đứa trẻ.

“Dù những đứa trẻ rất ngây thơ, chúng liên tục hỏi tôi mỗi khi chúng tôi tới siêu thị: Tại sao các siêu thị tại Venezuela không giống ở đây?”, Chang kể.

Ông nói thêm: “Tôi ước tôi có thể mang mọi thứ về nhà, từ thực phẩm đến dược phẩm”.

Trước chuyến đi, con trai 2 tuổi của Chang bị ốm. Ông đến 7 hiệu thuốc chỉ để tìm thuốc kháng sinh. Cuối cùng, một người hàng xóm đã đưa ông thứ thuốc đó.

khung hoang Venezuela anh 2
Bà Carmen Mendoza. Ảnh: CNN.

Cả Chang và Mendoza đều thuộc tầng lớp trung lưu. Họ diện quần áo đẹp, nói tiếng anh và dùng iPhone. Người chồng quá cố của Mendoza là một nhà ngoại giao trong những năm 1970 và cặp vợ chồng đã sống ở thủ đô London (Anh) trong 3 năm. Trong khi đó, Chang tốt nghiệp Đại học Baruch tại thành phố New York vào năm 1994 và định cư ở Venezuela vào năm 2000.

Tuy nhiên, ngay cả cuộc sống của tầng lớp trung lưu tại Venezuela cũng chẳng thoát khỏi tầm ảnh hưởng của cơn khủng hoảng.

Bay đến Mỹ là một cơn ác mộng, những người Venezuela này nói. Ngoài ra, không chuyến bay trực tiếp, không hãng hàng không nào tới Mỹ chấp nhận tiền của Venezuela bởi tình trạng mất giá. Họ phải sử dụng tiền tiết kiệm hoặc dựa vào những người thân ở Mỹ.

Mendoza làm gia sư cho những học sinh cấp 3 và kiếm khoảng 150 USD/tháng. Bà từng dạy 7-8 học sinh mỗi ngày. Tuy nhiên, tình hình thay đổi, bà hiện chỉ dạy 3-4 học sinh và một số gia đình không thể trả tiền học đúng hạn.

Trong khi đó, Chang kiếm khoảng 60 USD/tháng từ những công việc như quản lý nhà hàng gia đình, làm việc tại một ngân hàng và giúp một nhà nhập khẩu lương thực địa phương. 5 năm trước, khi nền kinh tế Venezuela không khốn khó như hiện tại, Chang kiếm khoảng 200 USD/tháng.

Tuy nhiên, giá trị thu nhập của họ hao hụt do lạm phát tăng vọt tại Venezuela. Riêng trong năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát sẽ tăng 700% tại đất nước này. Chính phủ không cung cấp dữ liệu đáng tin. Dù tiền lương tăng bao nhiêu, giá cả còn tăng nhanh hơn.

Mendoza từng ước bà sẽ nghỉ hưu. Tuy nhiên, sau 2 lần cướp ghé thăm nhà và tiền tiết kiệm cạn kiệt, bà phải tiếp tục làm việc. Con gái của bà giúp chi trả một số chi phí của chuyến bay.

Trong thời gian rảnh, Mendoza thường cùng con trai 25 tuổi biểu tình trên phố chống lại chính phủ và tránh hơi cay của cảnh sát.

“Không nơi nào ở Caracas khiến bạn cảm thấy an toàn”, bà nói.

Người phụ nữ này cho biết bà sẽ nhớ những cuộc đi bộ trên đường phố ở New York, điều mà bà chẳng thể làm tại Venezuela.

Nhật ký 30 ngày săn thực phẩm tại Venezuela

Fabiola Zerpa, một phóng viên của Bloomberg sống tại Venezuela, đã ghi lại hành trình tuyệt vọng của cô khi cố gắng "đưa đồ ăn lên bàn bếp".


Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm