Những quốc gia béo nhất thế giới
Hai quốc gia Thái Bình Dương là American Samoa và Kiribati hiện đang dẫn đầu trong báo cáo về tình trạng béo phì toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Một người đàn ông béo phì đi ngang Trung tâm Giao dịch Chứng khoán New York hôm 17/8. Mỹ hiện xếp thứ 3 trong danh sách những nước béo nhất thếgiới. (Ảnh: Reuters) |
Báo cáo mới nhất WHO vừa công bố cho thấy 93,5% người American Samoa (Samoa thuộc Mỹ) bị quá cân hoặc béo phì. Với 81,5%, Kiribati xếp thứ hai trong danh sách những nước béo nhất.
Mỹ, Đức và Ai Cập lần lượt giữ ba vị trí tiếp theo với 66,7%, 66,5% và 66%. New Zealand cũng đứng thứ 7 với 62,7%, trong khi Anh giữ hạng 10 vì có 61% dân số “quá khổ”.
Giải thích về xu hướng béo phì ở khu vực Thái Bình Dương, WHO cho rằng cư dân ở các quốc đảo đã có những thay đổi mạnh mẽ trong thực đơn hàng ngày. Trước kia, chế độ ăn truyền thống của họ thường giàu carbohydrate phức hợp và ít chất béo như chuối, khoai lang, rễ khoai sọ, dừa và cá. Nhưng từ sau Thế chiến II, nhiều người di cư sang Mỹ, New Zealand, Pháp và Úc rồi giới thiệu về quê nhà các món ăn giàu chất béo.
Ở những nước nhỏ hơn và ít phát triển như Kiribati, gồm 33 đảo nhỏ, lượng đồ ăn nhập khẩu đã kích thích sự bùng nổ nạn béo phì.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, một cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc được thành lập để chống lại nạn đói nghèo trên thế giới, ước tính lượng nhập khẩu thức ăn vào những quốc gia trên đã tăng gấp 6 lần giữa năm 1964 và 2001.
Tuy nhiên, không chỉ có các nước thuộc Thái Bình Dương “chiến đấu” một mình. Nghiên cứu cho thấy thế giới đang đối mặt với nạn béo phì toàn cầu, khi cứ 3 người lớn thì có một bị dư cân và trong 10 người lại có một rơi vào tình trạng béo phì.
Đến năm 2015, WHO dự đoán số người trưởng thành quá cân sẽ vọt lên tới 2,3 tỉ - tương đương với tổng dân số của Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.
Ty
Theo Bưu điện Việt Nam