Việc các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Google, Intel, Qualcomm dừng bán phần cứng, phần mềm cho Huawei được dự đoán sẽ khiến công ty Trung Quốc thiệt hại nặng nề.
Ông chủ Huawei Nhậm Chính Phi ngày 18/5 thừa nhận doanh thu công ty sẽ tăng trưởng chậm hơn 20% vì sắc lệnh của Tổng thống Trump cấm các công ty Mỹ xuất khẩu công nghệ cho Huawei.
Ngay sau đó, ngày 20/5, Bộ Thương mại Mỹ lại quyết định tạm thời cho phép Huawei tiếp tục sử dụng phần mềm, thiết bị của Mỹ thêm ba tháng.
Huawei tuyên bố đã chuẩn bị cho việc bị Mỹ trừng phạt nhiều năm nay. Tháng tư, Peter Zhou, một giám đốc công ty, nói công ty đã dự đoán trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, và thay đổi chuỗi cung ứng để không chịu thiệt hại nhiều như đối thủ cạnh tranh ZTE. (Lệnh cấm vận tương tự đối với ZTE sau đó được Tổng thống Trump gỡ bỏ nhờ nỗ lực vận động của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.)
Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi của Huawei mới đây cho biết công ty này đã chuẩn bị sẵn cho viễn cảnh bị các hãng công nghệ Mỹ quay lưng. Ảnh: Kyodo. |
Dù vậy, lệnh cấm này cùng quyết định của Google, Intel, Qualcomm vẫn là đòn chí mạng đối với Huawei, công ty nhập một phần sáu nguồn linh kiện, phần mềm từ các hãng Mỹ.
Huawei đã tích trữ đủ linh kiện để tiếp tục bán điện thoại trong vài tháng tới, nhưng nếu lệnh cấm tiếp tục, kho hàng sẽ giảm dần, và Huawei cũng như toàn bộ thị trường công nghệ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Việc chuyển hướng nguồn cung để tách biệt với các nhà cung cấp Mỹ là điều khó khăn.
Vì vậy, lệnh cấm này sẽ là quân bài để Mỹ mang tới các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Song quân bài đó cũng sẽ như “đạn lạc” gây thiệt hại cho Mỹ và các đồng minh. Bắc Kinh sẽ đáp trả, có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc của các hãng Mỹ. Các công ty Mỹ cũng chịu thiệt hại vì không thể bán linh kiện cho một trong những khách hàng lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, về lâu dài, nó sẽ dần mất ảnh hưởng trong cuộc chiến thương mại đang leo thang. Sau mỗi lệnh cấm của Mỹ, các hãng Trung Quốc sẽ tăng cường tìm kiếm nhà cung cấp mới. Huawei đang thiết kế chip bán dẫn và hệ điều hành HongMeng OS của riêng mình.
“Lần tiếp theo Mỹ muốn tấn công vào chuỗi cung ứng, Mỹ sẽ nhận ra là đang có ít mục tiêu hơn”, Economist bình luận.