Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những phụ nữ nghị lực

Mỗi người phải đối diện một hoàn cảnh, số phận khắc nghiệt khác nhau, nhưng ở họ - những người phụ nữ mang vóc dáng bé nhỏ - toát lên nghị lực phi thường.

Tối 6/5, trong khuôn khổ “Những ngày văn học châu Âu”, Viện Goethe (Hà Nội) phối hợp Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức buổi giao lưu về cuốn Trái tim mù lòa - tác phẩm được dịch ra 40 thứ tiếng và bán được hơn một triệu bản trên toàn cầu.

Cuốn tiểu thuyết nêu bật hình ảnh Helene - người phụ nữ kiên cường và đầy mê hoặc. Cùng viết về chủ đề này, một số tác phẩm cũng đề cập sự vươn lên của người phụ nữ châu Âu trong mọi hoàn cảnh éo le như Con gái của chim phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi hay Là người phụ nữ như tôi mong muốn.

Phu nu chau Au anh 1

Sách của tác giả người Đức Juila Franck. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Bản cáo trạng của người phụ nữ

Juila Franck là cây bút nổi bật của Đức, tác giả của nhiều tiểu thuyết đồ sộ với những giải thưởng danh giá, được chuyển thể thành phim.

Với cuốn Trái tim mù lòa, bà kể về nhân vật chính là Helene - cô gái đầy mộng mơ nhưng phải sống với một bà mẹ kỳ dị và người chị áp đảo.

Helene yêu một triết gia người Do Thái, song số phận nghiệt ngã đưa cô vào cuộc hôn nhân với một kỹ sư tài năng và nhiệt thành với chủ nghĩa quốc xã. Câu chuyện sẽ diễn biến như thế nào với những bi kịch gia đình giữa hai thế chiến? Liệu tình yêu và tâm hồn của một người có còn được vẹn nguyên?

Bám theo nhân vật Helene từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành, tác giả Julia Franck đã khắc họa hình tượng người phụ nữ nằm giữa hai cuộc chiến.

Cuốn sách như một bản cáo trạng về tình trạng yếm thế của phụ nữ, cũng như những gì mà họ phải chịu trong một thời kỳ đầy đau khổ.

Từ một người bị từ chối được giáo dục như bao trẻ em gái khác, khi có cơ hội được đến Berlin để học ngành Y và hòa mình vào xã hội tiến bộ, Helene đã không bỏ qua cơ hội này và vươn lên khỏi số phận.

Phu nu chau Au anh 2

Cuốn sách của tác giả mang hai dòng máu Á - Âu. Ảnh: Thanh Nga.

Người phụ nữ mang hai dòng máu Á - Âu

Isabelle Müller là nữ nhà văn người Đức. Bà là con út trong một gia đình có 5 anh chị em; mẹ là người Việt, bố là người Pháp. Sau khi tốt nghiệp, bà theo học và làm việc tại Đức.

Cùng mẹ là bà Đậu Thị Cúc (tự là Loan), Isabelle Müller đã có những chuyến đi sang Đông Nam Á vào những năm 1990 để tìm hiểu về cội nguồn Việt Nam của mình.

Tác phẩm Con gái của chim phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi của Isabelle Müller kể lại câu chuyện về một người phụ nữ xuất chúng, có dòng máu Việt đang chảy trong huyết quản và không bao giờ cho phép bản thân bị bất hạnh lấn át.

Truyện viết về cuộc đời, số phận và sự vươn lên của 2 người phụ nữ: Tác giả Isabelle Müller và mẹ của bà (bà Loan). Ở họ có một điểm chung là biết vươn lên làm chủ cuộc đời, bất chấp mọi ràng buộc của số phận.

Với phương châm sống đầy thách thức: “Từ mỗi hòn đá họ ném xuống trước chân chúng ta, chúng ta sẽ xây nên một con đường”, có thể trong những hoàn cảnh mà người khác sẽ gục ngã, thì Isabelle và cả mẹ bà đã không bỏ cuộc.

Tuy có một người bố tàn bạo và môi trường sống mang nặng tinh thần phân biệt chủng tộc, Isabelle lại được thừa hưởng nghị lực sống và dũng khí hướng về tương lai từ người mẹ của mình.

Câu chuyện không chỉ nói về việc tìm kiếm hạnh phúc mà còn về con đường để tìm thấy nó. Đó là cách con người ta biến bất hạnh thành hạnh phúc, biến vòng xoáy tiêu cực thành tích cực.

Trải qua những năm tháng tồi tệ nhất, bị chính người thân của mình lạm dụng tình dục, phải chịu đựng, câm nín, không thể nói với một ai, sống trong nỗi tuyệt vọng nhiều năm trời, thế nhưng Isabelle Müller đã không đầu hàng nghịch cảnh, cố gắng vươn lên và truyền cảm hứng cho mọi người.

Qua câu chuyện này, tác giả khuyến khích các nạn nhân bạo lực tình dục phá vỡ sự im lặng để đứng lên vạch trần tội ác của thủ phạm.

Bên cạnh đó, tác phẩm còn mang đến cho người đọc sức mạnh, hy vọng, nghị lực sống tích cực và dũng khí để chinh phục nỗi sợ hãi của chính mình, từ đó phát triển sự tự tin của bản thân.

Phu nu chau Au anh 3

Cuốn tự truyện của Diane von Furstenberg lọt danh sách best-seller của New York Times. Ảnh: Stylory.

Nữ cường nhân đình đám trong làng thời trang

Diane von Furstenberg được biết đến là một nhà thiết kế có tầm ảnh hưởng nhất định trong làng thời trang đương đại. Bà đã có những mẫu thời trang từng làm say mê biết bao phụ nữ trong suốt vài thập kỷ qua.

Diane sinh ra trong một gia đình có đầy đủ điều kiện kinh tế và tình yêu thương của cha mẹ. Những tưởng cuộc đời người phụ nữ này sẽ chỉ sống trong nhung lụa và hạnh phúc, nhất là khi bà chính thức bước chân vào hoàng tộc Đức. Thế nhưng, bà lại có một suy nghĩ đầy táo bạo là không muốn mình mãi sống trong vỏ bọc của một nàng công chúa châu Âu.

Điều bà muốn chỉ đơn giản là tự quyết định cuôc đời mình và truyền cảm hứng về sự nghiệp cũng như lẽ sống tới những người phụ nữa khác. Tất cả câu chuyện đó là nội dung chính được bà ghi lại trong cuốn tự truyện Là người phụ nữ như tôi mong muốn.

Đọc cuốn sách, độc giả sẽ thấy được cuộc đời của một người phụ nữ trải dài từ thuở ấu thơ, tuổi trẻ, khi trở thành nàng công chúa châu Âu cho đến khi trở thành một trong những biểu tượng của làng thời trang thế giới.

Trong đó, Diane còn tiết lộ những góc tối của cuộc đời mình, chẳng hạn như quá trình vượt lên căn bệnh ung thư hay những khó khăn gặp phải khi gây dựng nên một thương hiệu thời trang mang tính toàn cầu. Câu chuyện của bà đã truyền cảm hứng cho nhiều phái yếu khác.

Giúp phụ nữ thời hiện đại mạnh mẽ trong tình yêu

Dù là người chủ động tiến tới trong một mối quan hệ, phái đẹp vẫn cần nâng cao giá trị bản thân, mạnh mẽ trước mọi thử thách.

Khác biệt giữa phụ nữ và đàn ông

“Vượt qua chuyện Sao Hỏa, Sao Kim”, “Bí ẩn nữ tính”, “Cách đàn ông nghĩ” giúp độc giả hiểu rõ hơn về những đặc tính của cả nam và nữ, để từ đó chung sống hòa hợp.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm