Những phận đời tật nguyền vì động đất lịch sử ở Nepal
Thứ năm, 21/4/2016 11:34 (GMT+7)
11:34 21/4/2016
Nhiều thanh niên trở thành người tàn tật trong trận động đất ở Nepal hồi tháng 4 năm ngoái. Cuộc sống đảo lộn hoàn toàn, nhưng họ không mất niềm tin.
Ngày 25/4/2015, Nepal rung chuyển bởi một trận động đất dữ dội với cường độ 7,8 độ Richter khiến hơn 8.000 người chết và hàng chục nghìn người mất nhà. Alison Baskerville, một nhiếp ảnh gia người Anh, tới Nepal để tìm những phận đời thay đổi vì cơn địa chấn lịch sử. Uma Silwal (người trong ảnh) là cô gái mất một cẳng chân bởi thảm họa. Động đất xảy ra khi cô sinh viên cơ khí đang ăn trưa cùng gia đình. Một bức tường đổ lên Silwal khi cô bỏ chạy.
Lực lượng cứu hộ tìm thấy Uma, nhưng bác sĩ phải cắt một chân của cô. Thay vì than thân trách phận, Uma quyết định thôi học và hoạt động xã hội. "Trước khi động đất xảy ra, tôi có vài lựa chọn. Nhưng sau thảm họa, tôi chỉ còn một con đường rõ ràng và duy nhất: Giúp những người cùng cảnh ngộ", Uma thổ lộ.
Amrit Magar đang ở nhà thuộc quận Pepsicola, thủ đô Kathmandu khi động đất xảy ra. Do cha, mẹ đều đi làm nên cậu chỉ có thể lao ra khỏi nhà. Nhưng ngôi nhà sập và đè lên cậu. Sau đó người ta cứu Magar, nhưng cậu mất chân trái.
Do không thể chi trả tiền taxi cho Amrit Magar tới bệnh viện mỗi ngày để tiếp tục điều trị, cha của cậu phải để con ở lại bệnh viện. Amish Magar, em trai của Amrit, sống cùng cậu trong bệnh viện 4 tuần.
Chandra Kala Magar
, mẹ của Amrit Magar, khoe tấm ảnh gia đình. Giờ đây họ làm thuê cho một cơ sở sản xuất và sống trong ngôi nhà tạm do chủ cơ sở cung cấp.
Ramesh Kitra nằm trong đống đổ nát của ngôi nhà trong 3 ngày sau khi động đất xảy ra ở Nepal. Khi người dân cứu được cậu, bệnh viện quá tải nên bác sĩ không thể điều trị ngay cho cậu. Chàng thanh niên 18 tuổi phải chịu đựng hai chân bầm dập trong 5 ngày. Sau đó, bác sĩ phải cắt cả hai chân của Kitra vì chúng đã hoại tử.
"Tôi phải chấp nhận thực tế rằng tôi không còn đôi chân trong quãng đời còn lại. Đó là một thực tế khắc nghiệt, nhưng tôi phải thích nghi với hoàn cảnh mới", chàng trai tâm sự. Anh tập đi với chân giả trong bệnh viện dành cho người tàn tật ở thủ đô Kathmandu.
Mặc dù sử dụng xe lăn thành thạo và từng tham gia một cuộc đua xe lăn dành cho người tàn tật, Kitra vẫn quyết tâm tập bước. "Tôi muốn học tập rồi trở thành nhà hoạt động xã hội để giúp những người cùng cảnh ngộ. Những biến cố xấu đã trở thành quá khứ. Tương lai của tôi bắt đầu từ đây. Tôi phải bắt đầu lại với đôi chân không lành lặn", anh tâm sự.
"Anh ấy là người lạc quan. Hàng ngày anh ấy vào bệnh viện dành cho người tàn tật để động viên và giúp đỡ những người khác",
Samrat Singh Basnet
, người chủ nhà trọ mà Kitra đang thuê, nói về anh.
Địa chấn ngày 25/4/2015 xảy ra khi Sandesh đang ăn trưa cùng những học viên khác trong trường Thiếu sinh quân Cảnh sát Nepal. Cậu và mọi người chạy ra ngoài, nhưng một bức tường sập và đè lên cậu. "Ban đầu chúng tôi định nấp dưới giường, nhưng sau đó mọi người lại chạy ra ngoài. Tôi ngất khi tường đè lên cơ thể và chỉ tỉnh lại ở bệnh viện", Sandesh kể. Một tin tồi tệ khác là người bạn thân của cậu chết vì động đất.
Bác sĩ phải cắt cả hai chân của Sandesh vì tình trạng chấn thương nghiêm trọng.
Sau khi ở nhà gần 9 tháng, Sandesh trở lại trường để tiếp tục học tập.
Mặc dù bạn bè và nhà trường tạo mọi điều kiện, Sandesh không thể di chuyển nhiều vì trường nằm trên khu đất khá mấp mô, với nhiều đoạn dốc giữa các khu nhà. Vì thế, cậu hầu như không ra khỏi lớp trong thời gian giải lao.
Phòng của Sandesh trong ký túc xá. Khi điều trị ở bệnh viện, cậu từng tuyệt vọng và mất hết niềm tin vào tương lai. Nhưng sự động viên của Ramesh Kitra và nhiều người khác đã giúp cậu có động lực để sống tiếp.
Ban đầu Sandesh di chuyển bằng xe lăn rồi dùng nạng. Sau khi một tổ chức từ thiện tặng cậu đôi chân giả, cậu quyết tâm tập bước. "Khi tôi đứng dậy lần đầu tiên từ khi mất chân, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng", cậu nói.
"Bất an” là cảm xúc chủ đạo của thế giới năm 2015 khi khủng bố Hồi giáo cực đoan bao trùm khắp châu Âu cùng "bóng ma khủng hoảng kinh tế" được dự báo xuất hiện ở Trung Quốc.
Một nhân chứng kể rằng mọi người đổ ra đường và bức tường tại ngôi nhà anh ở rung lắc mạnh như có thể đổ sập trong trận động đất mạnh 7,5 độ Richter xảy ra chiều nay.
Người dân Pakistan và nước láng giềng Ấn Độ đổ ra đường lánh nạn sau khi cảm nhận được rung lắc mạnh từ trận động đất 7,5 độ Richter ở Nam Á chiều 26/10.