Những ‘ông lớn’ công nghệ đang mất khách
Yahoo, Motorola hay các hãng điện tử Nhật như Sony, Sharp hay Panasonic đều đang đối mặt với không ít khó khăn trong năm 2012.
Thế giới đang thay đổi. Những sản phẩm và dịch vụ đã từng gắn liền với một thế hệ người dùng đang dần bị thay thế. Những công ty như Samsung, Apple, với khả năng thích ứng tốt đang vươn lên mạnh mẽ. Những hãng còn lại, không đủ sức cạnh tranh buộc phải đóng cửa, bị thâu tóm bởi hãng khác hoặc bắt buộc phải tái cơ cấu để tạo ra những sản phẩm thu hút khách hàng.
Dưới đây là những “ông lớn” đã từng có những thành công vang dội trong quá khứ nhưng đang dần mất khách, hoặc nghiêm trọng hơn, đứng trước nguy cơ phá sản trong năm 2012 này.
Hewlett-Packard
Trong năm 2012, HP vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ những quyết định sai lầm của cựu CEO Leo Apotheker, mặc dù ông này đã bị sa thải từ tháng 9/2011. Mới đây nhất, hãng máy tính Mỹ đã mất toi 8,8 tỉ USD sau vụ bê bối liên quan đến việc mua lại công ty phần mềm của Anh là Autonomy. Với khoản mất mát này, toàn bộ lợi nhuận của hãng coi như bị thổi bay. Trong quý gần nhất, HP báo cáo lỗ ròng 6,9 tỷ USD, so với lợi nhuận 200 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
Yahoo
Yahoo vẫn chưa thoát khỏi cảnh “giật gấu vá vai” trên thị trường web. Công cụ tìm kiếm của hãng giờ chỉ là sự lựa chọn thứ yếu so với Google và Bing, trong khi lợi nhuận quảng cáo của Yahoo thua rất xa so với đối thủ Google. Trừ khi CEO Marissa Mayer có khả năng làm được một điều thần kỳ, nếu không rất khó để Yahoo lấy lại được vị thế trước đó.
Nokia
10 năm trước, không ai dám nghĩ đến việc vị thế thống trị trên thị trường điện thoại di động của Nokia sẽ bị thay thế. Vậy nhưng ở thời điểm hiện tại, hãng đang phải ngậm ngùi đứng sau Samsung, còn nếu xét về smartphone, Nokia thậm chí chỉ ngấp nghé trong top 5. Sự rối loạn của Nokia thể hiện ở chỗ, hãng này đã phải nhanh chóng cho ra mắt chiếc Lumia 920 chỉ 7 tháng sau khi dòng Lumia 900 được giới thiệu, gây phản ứng khá gay gắt trong cộng đồng người dùng Nokia. Nếu Lumia 920 thất bại, rất có thể, Nokia cũng sẽ không còn cơ hội sửa sai.
RIM
Tương tự như Nokia, RIM cũng đang phải đối mặt với nguy cơ giải tán tập thể. Hứa hẹn cho ra mắt một model BlackBerry mới trong suốt 2 năm qua nhưng RIM lần lượt để các đối thủ iOS, Android và bây giờ là Windows Phone qua mặt. Đã có một số dấu hiệu tích cực khi giá cổ phiếu của hãng liên tục tăng trong thời gian qua, khi RIM công bố chính xác thời điểm ra mắt điện thoại chạy BlackBerry 10 (30/1/2013). Tuy nhiên, trong thời buổi “đất chật người đông” như hiện nay, không dễ để dòng sản phẩm này ghi điểm trong mắt người dùng khi họ có rất nhiều những lựa chọn khác, an toàn hơn.
Sony
Sony đã trải qua một cuộc suy thoái chưa từng có trong vài năm qua. Thị phần HDTV giảm thê thảm, ngành kinh doanh thiết bị di động không tạo được dấu ấn, hàng loạt “quan chức” kỳ cựu của hãng lần lượt bị thay thế dưới thời CEO Kazuo Hirai. Vị CEO này khẳng định, Sony đang trên đà trở lại nhờ việc cắt giảm hàng loạt công nhân và chính sách tập trung vào mảng di động, hình ảnh số và chơi game. Thời gian sẽ trả lời xem chiến lược đó có đúng hay không.
Panasonic
Panasonic có tất cả 88 công ty con. Một nửa trong số đó không kiếm nổi 5% doanh thu để duy trì hoạt động trong khi 20% đang có dấu hiệu làm ăn thua lỗ. Panasonic đang kỳ vọng sẽ cắt giảm thêm 10.000 nhân công. Trước đó, hãng này cũng đã mạnh tay sa thải 36.000 công nhân. Có thể nói, hãng công nghệ Nhật đang ở trong tâm bão, một cơn bão có cường độ vô cùng lớn.
Sharp
Sharp là một công ty lớn khác, không kịp thay đổi để thích ứng với thời đại. Theo số liệu do hãng tự công bố, nhiều lĩnh vực kinh doanh chủ chốt trong đó có lĩnh vực camera, đang đi xuống nghiêm trọng. Cùng với đó, ngành sản xuất TV cũng trong tình trạng làm ăn bết bát và chìm trong những khoản nợ.
Motorola
Nếu không được “cứu vớt” bởi Google, nhiều khả năng Motorola đã phải đệ đơn xin phá sản thời điểm hiện tại. Mặc dù luôn cho ra mắt những sản phẩm với thiết kế đẹp mắt và rất chắc chắn, Motorola vẫn không đáp ứng được thị hiếu của người dùng. Hiện tại, Motorola vẫn đang là gánh nặng của Google. Có những thông tin cho rằng, Google thâu tóm Motorola chỉ vì lượng bằng sáng chế khổng lồ (17.000 bằng) chứ không phải vì tiềm năng của hãng.
Mozilla
Sẽ là hơi quá nếu nói một công ty đang đứng thứ 2 trong thị phần trình duyệt web đang gặp khó khăn nhưng quả thực, Firefox của Mozilla đang ngày càng thể hiện sự yếu kém so với Chrome của Google. Firefox ngốn RAM, chậm và thường xuyên gặp lỗi. Ngoài ra, việc cập nhật các bản Firefox mới với tốc độ chóng mặt như hiện tại cũng khiến người dùng tỏ ra rối loạn trong khi họ chưa thấy được những tính năng đột phá của trình duyệt này.
AMD
Trong một thời gian dài, Advanced Micro Devices được xem là đối thủ chính, cạnh tranh với Intel về giá cả cũng như hiệu suất các dòng chip trên PC và máy chủ. Hiện tại, họ đang có dấu hiệu hụt hơi so với đối thủ sừng sỏ của mình. AMD sau đó xoay sang tập trung sản xuất những chip hiệu suất cực cao nhưng phải ít nhất vài năm nữa, điều đó mới phát huy tác dụng.
Thành Duy
Theo Infonet