Những tháng trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng, Trung Quốc rêu rao rằng nước này đã quy tụ được sự ủng hộ của rất nhiều quốc gia.
Hồi giữa tháng 6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định "gần 60 quốc gia ủng hộ lập trường của Trung Quốc, so với khoảng 7 - 8 nước đứng về 'phe bên kia' (ý nói Philippines). Tôi nghĩ tỷ lệ tương quan này đã thể hiện nhiều ý nghĩa".
Đến ngày 8/7, đồng nghiệp của ông Lục Khảng là ông Hồng Lỗi cho biết "hơn 30 quốc gia châu Phi đã công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc qua nhiều kênh khác nhau". Đó là các nước như Cộng hòa Trung Phi, Madagascar, Guinea-Bissau, Zimbabwe, Angola, Liberia...
Tuy nhiên, suốt giai đoạn này, Trung Quốc chỉ nêu những con số chung chung mà không đưa ra các bằng chứng để thể hiện sự ủng hộ từ các nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi năm 2015. Ảnh: QZ |
Những nước ủng hộ Trung Quốc
Dựa trên những thông tin công khai và tuyên bố chính thức, chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI, dự án thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, Mỹ) xác định khoảng 60 quốc gia mà Trung Quốc cho là "ủng hộ" họ.
Trong số này, 10 nước thực sự đã có tuyên bố xác nhận sự ủng hộ là Afghanistan, Gambia, Kenya, Lesotho, Liberia, Niger, Papua New Guinea, Sudan, Togo và Vanuatu.
4 nước đã lên tiếng phủ nhận việc Bắc Kinh nói họ đứng về phía Trung Quốc, đó là Campuchia, Fiji, Ba Lan và Slovenia.
Còn lại là khoảng 50 quốc gia đến nay vẫn giữ im lặng, hoặc ra tuyên bố mơ hồ chứ không đề cập đích danh đến Trung Quốc.
Trong khi đó, trái ngược với tuyên bố của ông Lục Khảng, đến 40 quốc gia công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với vụ kiện. Những nước này gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản... và phần lớn Liên minh châu Âu. Các nước cũng khẳng định phán quyết của tòa án mang tính ràng buộc pháp lý, và kêu gọi Philippines lẫn Trung Quốc đều phải tôn trọng phán quyết.
Từ danh sách của AMTI có thể thấy, phần lớn những nước ủng hộ Trung Quốc đều thuộc châu Phi và nằm sâu trong lục địa, bên cạnh các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương nhận hỗ trợ kinh tế đáng kể của Trung Quốc.
Số lượng dự án đầu tư của Trung Quốc vào từng quốc gia châu Phi giai đoạn 1998 - 2012. Ảnh: WEF |
Ủng hộ Trung Quốc để "trả nợ"?
Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, ông Antonio Carpio, khẳng định những nước ủng hộ Trung Quốc không có lợi ích từ Biển Đông; trong khi những nước đã ủng hộ việc Philippines nhờ trọng tài quốc tế phân xử đều là các cường quốc hải quân như Mỹ, Pháp, Australia.
Lionel Jensen, chuyên gia về châu Á tại Đại học Notre Dame (Mỹ), nói với báo Rappler rằng "các nước châu Phi ủng hộ Trung Quốc vì họ đang 'mắc nợ' đáng kể với quốc gia này trong những năm gần đây. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều ở châu Phi. Do vậy, nước này có thể sử dụng lợi thế đầu tư để đổi lại bằng sự ủng hộ".
Theo Diễn đàn kinh doanh châu Phi Wharton, đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi tăng vọt từ 7 tỷ USD hồi năm 2008 lên 26 tỷ vào năm 2013.
Gần đây nhất, trong chuyến công du châu Phi hồi tháng 12/2015 để dự Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố gói viện trợ và cho vay ưu đãi mới cho châu Phi trị giá đến 60 tỷ USD. Khoản tiền này nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện nông nghiệp và giảm đói nghèo ở châu lục.
Thương mại Trung Quốc - Châu Phi đạt 220 tỷ USD vào năm 2014 và dự kiến là 300 tỷ USD của năm 2015.
Những vũ công địa phương ở Papua New Guinea chào đón tàu bệnh viện Peace Ark của quân đội Trung Quốc đến đảo quốc này hồi tháng 11/2014. Ảnh: Xinhua |
Đối với các đảo quốc nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng dành sự quan tâm cho khu vực này và tăng cường hỗ trợ tài chính đáng kể những năm gần đây. Các nước nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh như Samoa, Tonga và Papua New Guinea (PNG)...
Theo Viện Iowy (Australia), PNG chính là nước được Trung Quốc hỗ trợ nhiều nhất trong khu vực. Tập đoàn luyện kim Trung Quốc đã đầu tư một dự án khai thác 1,8 tỷ USD ở đây. Ngày 8/7, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Thủ tướng Peter O'Neill của PNG và Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng ra tuyên bố chung nêu rõ "PNG tôn trọng quan điểm của Trung Quốc là giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình, trực tiếp giữa các bên liên quan".
Trong khi đó, Vanuatu là quốc gia đầu tiên trong khu vực công khai ủng hộ tuyên bố chủ quyền sai trái của Bắc Kinh. Hồi tháng 5, Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai đã ra thông báo chỉ trích phiên tòa do Philippines khởi xướng, cho rằng các tranh chấp lãnh thổ "phải được giải quyết dựa trên những bằng chứng văn hóa và lịch sử".
Một nhà ngoại giao nhận định việc Trung Quốc huy động sự ủng hộ từ các nước châu Phi và Nam Thái Bình Dương "là một phần nỗ lực của Bắc Kinh để củng cố những lập luận của họ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là nội dung của phán quyết".