Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ Philippines kiện Trung Quốc: phán quyết lịch sử?

Tháng 1/2013, Philippines đưa tranh chấp biển Đông với Trung Quốc ra tòa quốc tế sau nhiều nỗ lực ngoại giao bất thành, động thái được sự ủng hộ của nhiều cường quốc, bao gồm Mỹ.

Sau nhiều năm nỗ lực đàm phán ngoại giao nhưng không đạt kết quả nào, chính phủ Philippines quyết định đưa vấn đề tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế vào tháng 1/2013. Bắc Kinh đã đe dọa đáp trả về kinh tế và ngoại giao, nhưng không ngăn được quyết tâm của Manila.

Bản chất vụ kiện là gì?

Trung Quốc chủ trương đàm phán trực tiếp với từng nước liên quan trong tranh chấp Biển Đông, bao gồm Philippines, do nước này tự tin vào ảnh hưởng và quy mô của mình có nhiều lợi thế trong đàm phán. Bắc Kinh luôn phản đối mọi nỗ lực quốc tế hoá vấn đề. Các nước nhỏ thì mong muốn đàm phán đa phương vì họ sẽ thất thế khi đàm phán song phương với Bắc Kinh.

vu kien Bien Dong anh 1
Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hà Lan. Ảnh: PhilStar

Khi khởi kiện, Philippines đề nghị các trọng tài viên của tòa xem xét và kết luận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, thể hiện qua đường 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra và chiếm gần trọn Biển Đông, là vô giá trị theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hơn 160 quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Philippines, đã phê chuẩn UNCLOS 1982, được cho là "bản hiến pháp" quy định và quản lý quyền của các quốc gia trên các đại dương của thế giới.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, ông Antonio Carpio, nói tham vọng của Trung Quốc là mối đe doạ lớn với nước này: "Sự gây hấn từ Trung Quốc là mối đe dọa từ bên ngoài nghiêm trọng nhất đối với Philippines kể từ Thế chiến 2".

Philippines cũng đề nghị tòa trọng tài xác định rõ, liệu những thực thể trong vùng tranh chấp là các đảo, các bãi cạn nửa chìm nửa nổi, hay là các bãi đá chìm, qua đó xác định phạm vi vùng lãnh hải xung quanh mà nó được hưởng theo UNCLOS.

Manila cũng muốn tòa tuyên bố rằng Bắc Kinh vi phạm UNCLOS khi tiến hành đánh bắt hải sản và các hoạt động xây dựng xâm phạm quyền hàng hải. Philippines không đề nghị tòa phân xử các vấn đề về chủ quyền của ai, do UNCLOS không có thẩm quyền giải quyết vấn đề này.

Vụ kiện bắt đầu thế nào?

Mặc dù các tranh chấp diễn ra trong nhiều thập kỷ, tình hình leo thang dưới thời cựu tổng thống Philippines Benigno Aquino và đạt đỉnh điểm vào năm 2012  khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough do Philippines chiếm giữ.  

Khi đó, Mỹ đứng ra làm trung gian để các tàu chính phủ Philippines và tàu hải giám lớn của Trung Quốc cùng rút khỏi bãi cạn này. Philippines tuân thủ thỏa thuận, nhưng tàu Trung Quốc trên thực tế không tuân thủ thoả thuận và không rút.

Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc còn vây quanh một khu vực khác là Bãi Cỏ Mây. Tàu Trung Quốc cản trở việc tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm của Philippines cho các binh sĩ đồn trú ở một tàu chiến cũ gần đó.

Sau những diễn biến này, Manila tuyên bố không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa vấn đề ra tòa trọng tài quốc tế.  

vu kien Bien Dong anh 2
Philippines tố Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough và ngăn cản ngư dân nước này đánh bắt. Ảnh: Reuters

Phán quyết của tòa trọng tài sẽ thay đổi điều gì?  

Mọi phán quyết cuối cùng của tòa án đều mang tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tuyên bố làm ngơ phán quyết, cùng với việc tòa án không có cơ chế thực thi có thể làm giảm bớt ý nghĩa thay đổi cục diện theo kỳ vọng của Philippines.  

Cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, người đi đầu trong việc nộp đơn kiện chống Trung Quốc, nói rằng một phán quyết có lợi trên bất kỳ nội dung nào từ 15 vấn đề Philippines đặt ra, đặc biệt là tính pháp lý của "đường lưỡi bò", sẽ là đòn giáng mạnh với Bắc Kinh mà Philippines có thể tận dụng.

Các nhà ngoại giao Philippines cho biết sẽ làm việc với Mỹ cùng nhiều nước khác, ở những diễn đàn ngoại giao trên toàn thế giới, kể cả Liên Hợp Quốc, để yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ phán quyết.  

Nếu Trung Quốc kiên quyết không tuân thủ, nước này sẽ bị xem như một quốc gia bất hảo giữa lúc Bắc Kinh đang muốn mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình trên vũ đài thế giới.  

Trong trường hợp xấu hơn, nếu toà không coi "đường lưỡi bò" cùng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là vô giá trị (bất lợi cho Manila), theo ông Carpio, Bắc Kinh sẽ tìm cách đẩy đường lưỡi bò thành biên giới quốc gia.

Khi đó, Mỹ sẽ tìm cách tăng tuần tra để thúc đẩy tự do hàng hải còn Trung Quốc thì tìm cách đáp trả lại trong khi các bên liên quan khác sẽ tìm cách chạy đua vũ trang.

"Cách duy nhất để phòng vệ của các quốc gia ven biển là mua tàu chiến, máy bay chiến đấu và tên lửa chống hạm. Căng thẳng sẽ gia tăng, gây ra tình trạng hỗn loạn ở Biển Đông", ông Carpio nói.  

Vì sao Trung Quốc không tham gia?

Bắc Kinh lập luận rằng tòa án trọng tài không có thẩm quyền để xử lý vụ kiện do Philippines khởi xướng vì các nội dung chính liên quan đến chủ quyền, vốn nằm ngoài phạm vi pháp lý của UNCLOS.

 Bắc Kinh cũng khẳng định tranh chấp ở Biển Đông thuần túy là vấn đề của các nước châu Á, và những "người ngoài" như Mỹ không có quyền can thiệp.

Trong khi đó, Manila phản hồi rằng, việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện vì nước này biết rằng những cơ sở lịch sử cho các tuyên bố chủ quyền như vậy không còn được công nhận trong những hiệp ước quốc tế hiện đại như UNCLOS.

Điều gì xảy ra nếu tòa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc?

Bắc Kinh đã khẳng định sẽ "không chấp nhận, không công nhận và không thực thi" phán quyết. Dù phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý, tòa trọng tài không có cơ chế để thực thi. Cũng không thể lạc quan trông đợi Trung Quốc tự nguyện ngưng việc xây đảo nhân tạo hoặc dừng các hoạt động mở rộng, xây dựng khác mà nước này đang tiến hành.

Tuy nhiên, Mỹ có thể tận dụng phán quyết của tòa án để củng cố ý nghĩa của hoạt động tuần tra hàng hải trong khu vực, xây dựng thêm những liên minh mới và tăng cường hỗ trợ thêm cho những đồng minh cũ, vận động dư luận thế giới chống lại các hành động của Bắc Kinh.

Một mặt vẫn công khai bác bỏ phán quyết, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể tỏ ra nhượng bộ và bắt đầu làm giảm căng thẳng với những quốc gia láng giềng. Nước này có thể bắt đầu ngay với lãnh đạo mới của Philippines là Tổng thống Rodrigo Duterte. Sau khi nhậm chức, ông đã tuyên bố muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, và đề xuất đối thoại về hợp tác hàng hải.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng lo ngại Bắc Kinh có thể phản ứng một cách thách thức, theo hướng tiêu cực. Nhiều quan chức ngoại giao Trung Quốc đã đe dọa nước này thậm chí có thể rút khỏi UNCLOS.

Giới chức Mỹ cũng nhiều lần cảnh báo Trung Quốc có thể bắt đầu ngay việc bồi lấp và cải tạo ở bãi Scarborough của Philippines thành một đồn quân sự; qua đó dấy lên nguy cơ đụng độ với đồng minh của Mỹ.

Dư luận quốc tế nói gì về vụ kiện?

Việc đưa ra quan điểm về vụ kiện phần nào phản ánh lập trường của các nước là chọn về phe Trung Quốc hoặc Mỹ. Cuộc chiến ngoại giao này đặt nhiều quốc gia và các khối nhỏ hơn vào thế khó khăn, điển hình như ASEAN có 4 quốc gia liên quan trực tiếp trong tranh chấp.

Philippines nỗ lực kêu gọi ASEAN ra tuyên bố chung để yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài, nhưng gặp cản trở từ một số nước như Campuchia và Lào. Nguyên tắc cơ bản của ASEAN là ra quyết định dựa trên đồng thuận, nên chỉ cần một nước không đồng tình thì vấn đề không thể thông qua.

Ngoài ra, nhiều nước khác như Malaysia, Indonesia và Singapore cũng thận trọng khi đối phó với Trung Quốc.

Mỹ, Anh và phần lớn Liên minh châu Âu ủng hộ việc sử dụng cơ chế luật pháp quốc tế như tòa trọng tài để giải quyết tranh chấp.

Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố khoảng 60 quốc gia đã ủng hộ quan điểm của Trung Quốc. Phần lớn những nước này là thuộc châu Phi nằm sâu trong lục địa, và các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương nhận hỗ trợ kinh tế đáng kể của Trung Quốc.

Việt Nam mong đợi phán quyết công bằng ở vụ kiện Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay nêu rõ, Việt Nam luôn theo sát diễn biến vụ kiện Biển Đông và mong muốn Tòa Trọng tài sẽ đưa ra phán quyết công bằng, khách quan.

Những nội dung quan trọng trong phán quyết Tòa Trọng tài

Đâu là đá, đâu là đảo và ý nghĩa thực sự của đường lưỡi bò mà Trung Quốc vạch ra trên Biển Đông sẽ được làm sáng tỏ sau phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông.

Minh Anh (Theo AP, NYT)

Bạn có thể quan tâm