Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những nữ nhà văn viết truyện trinh thám không nên bỏ qua

Không chỉ nữ hoàng trinh thám Agatha Christie mới có những tác phẩm về hình sự, tội phạm để đời. Văn học trinh thám thế giới cũng ghi dấu rất nhiều nhà văn nữ xuất sắc.

Megan Abbott: Không quá chú trọng vào tính hàn lâm, sách của Megan Abbott luôn mang đến cho độc giả một sự gần gũi, dung dị pha trộn với một chút màu sắc huyền bí, ghê sợ. Xoáy sâu vào đề tài tuổi trẻ, đặc biệt là những cô gái, Megan Abbott khéo léo thể hiện tài cài cắm tình tiết của mình rất vừa phải, không quá phức tạp nhưng cũng đủ để đánh đố bất cứ người xem "yếu bóng vía" nào.
Để bắt đầu làm quen với Megan Abbott, bạn có thể "thử sức" với tác phẩm mới nhất của cô, The Fever (2014), hoặc hai tiểu thuyết trước đó cũng không kém phần gay cấn, hồi hộp là Dare Me (2012) và The End of Everything (2011). Chất 'trinh thám đen" (hardboiled) nổi trội trong phong cách của cô được kế thừa rất xuất sắc từ các tiền bối như Dashiell Hammett hay Raymond Chandler sẽ khiến bạn một khi đã đọc sẽ khó lòng có thể dứt ra được.
Daphne Du Maurier: Nếu là một người yêu thích cả sách lẫn phim, đặc biệt là phim kinh điển, hẳn bạn đã từng nghe qua tác phẩm đoạt giải Phim hay nhất tại Oscar 1941 là Rebecca của đạo diễn Alfred Hitchcock. Đây chính là sản phẩm điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học trinh thám nổi tiếng cùng tên của nhà văn Daphne Du Maurier.
Nổi tiếng trong khoảng thập niên 1930 -1950, nữ nhà văn Anh này được yêu thích bởi những tác phẩm giao thoa hài hòa giữa sự lãng mạn và chất gay cấn, hồi hộp. Những dòng văn mang phong cách Gothic ảnh hưởng đến toàn bộ cốt truyện trong các tác phẩm của Daphne Du Maurier và khiến người xem đôi khi phải "nổi da gà". Không chỉ thế, sách của bà còn có quyền lực gây ám ảnh cho người đọc mỗi khi khép lại. Đó chính là lý do vì sao Daphne Du Maurier dù ít viết sách trinh thám vẫn được tôn vinh là nữ nhà văn tiêu biểu của dòng văn học này.
Tana French: Sinh năm 1973, Tana French là một tên tuổi còn khá mới trong làng văn. Năm 2007, cô trình làng tiểu thuyết thần bí đầu tay In the Woods và gây được tiếng vang lớn. Tác phẩm sau đó đã giúp Tana French gom về hàng loạt giải thưởng danh giá như Edgar, Anthony, Barry...
Sau In the Woods, Tana French tiếp tục đà thành công cho ra hàng loạt quyển sách khác cũng xoay quanh dòng văn trinh thám, thần bí, khám phá những câu chuyện về tội phạm và kẻ giết người. Bằng giọng văn bình thản, tinh tế, Tana French đã khiến nhiều nhà phê bình phải ngả mũ thán phục, đồng thời suy nghĩ lại về việc có nên chia dòng văn nghệ thuật và dòng văn trinh thám ra làm hai thể loại tách biệt hay không.
Tess Gerritsen: Là nhà tâm lý giải nghệ nên khi chuyển sang viết lách, nữ nhà văn người Mỹ Tess Gerritsen tỏ ra rất thấu hiểu nội tâm của các nhân vật của mình. Văn phong của bà bị ảnh hưởng bởi xu hướng diễm tình trong những tiểu thuyết mà bà đọc khi còn trẻ, nhưng sau đó đã được chuyển hóa một cách vô cùng mượt mà, hiệu quả sang thể loại trinh thám đen tối hơn.
Dù vậy, Tess Gerritsen vẫn giữ được nhiều tình tiết rất ngọt ngào đậm chất phái nữ, giúp cho các tác phẩm như Call After Midnight (1987), Peggy Sue Got Murdered (1994), The Bone Garden (2007)... tạo được ấn tượng lâu dài trong lòng người đọc. Đặc biệt, những kiến thức về hình sự, tội phạm cũng được nữ nhà văn nghiên cứu rất kỹ và chuyển tải đầy đủ, trọn vẹn, hợp lý trong những cuốn sách của mình.
Camilla Läckberg: Dù chỉ mới hơn 40 tuổi nhưng nữ nhà văn người Thụy Điển đã nhanh chóng chiếm được cảm tình trong lòng công chúng với những tác phẩm được dịch ra 33 thứ tiếng khác nhau. Ngòi bút sắc sảo cùng tài kể chuyện tài tình đã giúp cô ghi danh vào danh sách những nhà văn trinh thám đáng đọc nhất của vùng Scandinavi. Thậm chí, nhiều chuyên trang văn học còn cho rằng các tiểu thuyết hình sự, kinh dị của cô còn xuất sắc và ấn tượng hơn nhiều so với loạt truyện Cô gái có hình xăm rồng nổi tiếng của Stieg Larsson (đồng hương người Thụy Điển).
Một số tác phẩm đáng chú ý của Camilla Läckberg có thể kể đến là Isprinsessan (The Ice Princess, 2003), Predikanten (The Preacher, 2004), Olycksfågeln (The Gallows Bird a.p.a. The Stranger, 2006).

Tuyết Tùng

Bạn có thể quan tâm