Ông Năm Nhã tên thật là Dương Xuân Quả, sinh năm 1957, quê gốc ở xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, An Giang. Ngay từ thuở nhỏ ông đã bộc lộ năng khiếu về kỹ thuật điện và máy móc. Nhưng gốc nông dân nên sau khi học hết lớp 9, như nhiều thanh niên quê, ông nghỉ học về nhà làm ruộng. Nhưng ruộng vườn không đủ nuôi gia đình, ông chuyển sang nghề nấu rượu và mở lò ấp trứng vịt.
Từ làm thủ công, ông một mình mày mò nghiên cứu, tự lắp ráp các thiết bị cơ điện áp dụng thành công tại cơ sở của mình như lò ấp vịt, lò nướng bánh mì... nhờ vậy mà năng suất cao hơn hẳn các lò thủ công trong vùng tại thời điểm đó.
Ông Năm Nhã bên lò sấy cải tiến do ông tự lắp đặt. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Say mê khoa học, muốn nâng cao hơn nữa tay nghề, ông đã lên TP. HCM làm thợ hàn cho một công ty Đài Loan. Thời gian làm thợ hàn giúp ông học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, nhất là kỹ thuật hàn và thiết kế cửa sắt, cầu thang, điện nước... Sau khi nắm bắt được những kiến thức cơ bản về động nhiệt học, ông quay về quê làm thợ hàn. Sự nghiệp của ông cũng bắt đầu chuyển hướng từ đây.
Xuất phát từ nông dân, hiểu nỗi khổ của nông dân, nhất là những thời điểm phải thu hoạch lúa trong mùa mưa, nên ông quyết tâm phải lắp ráp, hòan thiện cho được thiết bị sấy chuyên dụng để phục vụ bà con trong vùng. Bao lần thử nghiệm, thất bại với những vất vả của một người vừa phải làm thợ vừa làm thầy, năm 2002, ông đã tìm được thông số kỹ thuật của một lò sấy lúa vừa tiết kiệm điện vừa sấy lúa khô mà hạt gạo không nứt, gãy, đạt chuẩn xuất khẩu mà tỷ lệ hao hụt không đáng kể.
Niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời làm thợ máy của ông là lần đầu tiên thử nghiệm lò sấy với lớp lúa dầy 1 m mà vẫn khô đều, khô nhanh và đạt hiệu quả như ý muốn. "Lúc đó tôi vui không thể nào diễn tả được. Nếu có ai cho 5 cây vàng tôi cũng không vui bằng sự thành công khi chế được lò sấy này", ông Nhã kể.
Không bao lâu sau đó, ông tiếp tục cải tiến thành công lò sấy tĩnh, vỉ ngang. Nét độc đáo của lò sấy cải tiến này là kỹ thuật lắp đặt cánh quạt nhanh chóng sinh nhiệt, tạo được độ nóng đều và duy trì được nhiệt độ thích hợp.
Có sản phẩm, có thị trường, năm 2007, ông thành lập Doanh nghiệp tư nhân Năm Nhã, chuyên sản xuất, lấp ráp lò sấy cải tiến từ 10 đến 30 tấn. Hiện DN của ông ngoài trên 20 công nhân sửa chữa, lấp ráp tại chỗ còn có 5 đội lưu động chuyên đi thiết kế và xây dựng các lò sấy cho nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên.
Ông Năm Nhã và những máy quạt cải tiến dùng cho lò sấy. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Hiện nay, sản phẩm lò sấy cải tiến không trở mẻ (lúa nằm yên một chỗ) của ông đã được bà con nông dân và thương lái lúa gạo tin tưởng và đầu tư lắp đặt ngày càng nhiều. Tuy thị trường mới phát triển chưa đầy 2 năm, song sản phẩm của ông đã được nông dân nhiều tỉnh thành trong nước chọn sử dụng. Từ năm 2011 đến nay, ông cũng đã xuất sang Campuchia hơn 200 bộ cánh quạt và lò sấy, đưa công nhân qua tận nơi lắp ráp.
Ông Năm Nhã cho biết, từ năm 2005 đến nay, ông đã lắp đặt trên 3.000 lò sấy ở 20 tỉnh thành trong nước, gồm loại lò 10 tấn có diện tích 50 m2; loại 20 tấn diện tích 100 m2 và loại 30 tấn 150 m2. Nhưng theo ông, thông dụng nhất là loại công suất 20 tấn/mẻ. Giá bán các loại lò sấy này dao động từ 130 triệu đến 1 tỷ đồng/lò. Doanh thu của DN sản xuất lò sấy này đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Từ năm 2013, ông Năm Nhã đã hợp đồng với Nông trường Cờ Đỏ và Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) lắp đặt trên 100 máy sấy cho vùng sản xuất rộng lớn này. Ngoài ra, ông còn ký hợp đồng sản xuất với quy mô lớn theo các dự án hỗ trợ nông nghiệp ở ĐBSCL. Ngày 17/12/2014, doanh nghiệp Năm Nhã đã đạt giải nhất cuộc thi nhà nông sáng chế năm 2014 của Bộ Khoa học và công nghệ.
Lò sấy của ông Năm Nhã hiện nay không những làm khô lúa, nếp mà còn cả bắp, đậu, khoai mì, mè, cà phê, tiêu…Đặc biệt là lúa sấy không cần trở mẻ mà hạt lúa vẫn đạt ẩm độ xuất khẩu. Với lúa giống có thể bảo quản trên 12 tháng.
Lò sấy của nông dân Năm Nhã có khả năng vận hành từ 10 đến 30 tấn/mẻ chỉ với thời gian 8-10 giờ. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Luôn học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, ông Năm Nhã đã nghiên cứu thành công thêm hệ thống băng tải lúa từ dưới ghe lên lò sấy. Thay vì trước kia các lò sấy truyền thống phải thuê nhân công vát lúa bao từ ghe lên lò, nay có thể giảm được 5-7 nhân công phục vụ cho 1 mẻ sấy lúa.
Lò sấy nổi lưu động trên sông có thể phục vụ sấy lúa tận nhà cho nông dân trong mùa mưa bão cũng đã được ông hoàn thiện. Nét độc đáo của lò sấy nổi này này là có thể sấy từ 10 đến 15 tấn lúa/mẻ. Lò được thiết kế khung sườn bằng gỗ nằm trên chiếc chẹt, mặt sàn hình chiếc nón lá nhô lên được lót lưới cước trên mặt gỗ, giúp việc di chuyển rất thuận lợi đến từng hộ gia đình.
Lò sấy nổi ra đời là bước tiến bộ KHKT, giúp nông dân giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm chi phí, tăng lợi nhuận…Hiện giá bán trên thị trường với loại lò này từ 80 triệu đến 1 tỷ đồng/lò, đảm bảo độ bền từ 7-8 năm. Không dừng ở đó, ông đang tiếp tục thử nghiệm lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời, để giảm chi phí sử dụng điện, giảm chi phí cho nông dân.
Ông Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc Trung tâm khuyến nông An Giang, cho biết, An Giang là tỉnh có số lượng lò sấy lúa nhiều nhất đồng bằng sông Cửu Long, với 2.327 máy, mỗi năm sấy được 903.000/1,3 triệu tấn lúa, có thể đáp ứng 70-80% lượng lúa trong tỉnh. Trong đó góp phần lớn nhất là doanh nghiệp Năm Nhã, doanh nghiệp đã sáng chế thành công lò sấy cải tiến mang lại hiệu quả cao, giảm thất thoát nông sản sau thu hoạch cho nông dân trong vùng và cả nước.