Hình tượng anh hùng phải là những người chiến đấu cho chính nghĩa hoặc sống theo lý tưởng lẽ phải. Họ được xây dựng thành những nhân vật có tâm hồn cao thượng để trở thành hình mẫu hướng tới cho mọi người.
Phản anh hùng lại khác, họ không chiến đấu cho lẽ phải mà ưu tiên lợi ích cá nhân. Họ không bị gò bó bởi những quy củ đạo đức mà hành xử bất chấp, miễn sao đạt được kết quả.
Nhưng dù ngổ ngáo, bất cần thế nào, các phản anh hùng luôn có giới hạn của chính bản thân họ và tính đến cuối cùng, hành động của những nhân vật này vẫn đem lại kết quả tốt, thậm chí đậm tính nhân văn.
Edward Rochester - "Jane Eyre"
Edward Rochester là một nhân vật - có tính cách cộc cằn và không dễ gần, thậm chí từng nhốt vợ mình trên gác xép - trong tác phẩm Jane Eyre (1847 - Charlotte Bronte).
Nói như vậy để biết rằng anh ta không phải nhân vật thuộc mẫu “soái ca” điển hình. Thế nhưng Rochester chỉ không tốt chứ người đàn ông đó không hề xấu xa.
Rochester nhốt vợ mình trên gác mái vì cô ấy bị điên và bản thân anh ta bị lừa vào cuộc hôn nhân của họ; Rochester vẫn chăm sóc và an ủi vợ thường xuyên chứ không nhốt rồi bỏ mặc cô ấy ở một xó nhà.
Rochester tôn trọng Jane, ngưỡng mộ sự thông minh và tài năng của Jane và quan trọng, anh ấy đối xử với cô ấy một cách bình đẳng. Tuy nhiên, mối tình của hai người vấp phải vô vàn cản trở từ định kiến xã hội trước khi có thể đến với nhau và có một cái kết có hậu.
Rochester (Jane Eyre) là nhân vật văn học lãng mạn nhất theo cuộc bình chọn của Mills & Boon. Ảnh: Parade. |
Holden Caulfield - "Bắt trẻ đồng xanh"
Holden Caulfield là cậu bé đang ở tuổi trưởng thành và cũng là nhân vật chính của truyện. Bắt trẻ đồng xanh sẽ được kể theo ngôi thứ nhất của chính Holden, một học sinh mới nhận tin sẽ bị đuổi học tại trường nội trú Pencey.
Rời khỏi ngôi trường trong đêm, Holden không về nhà mà lang bạt khắp New York và tìm cách bắt chuyện với mọi người, từ những đứa bạn "tệ" cho đến người lạ chưa từng quen.
Thực tế, Holden của Bắt trẻ đồng xanh là chàng thanh niên ghét cay ghét đắng sự giả tạo, dối trá và cả cái vẻ hào nhoáng bên ngoài của mấy kẻ đạo đức giả ngoài xã hội.
Góc nhìn của cậu về mọi thứ xung quanh dường như quá nhạy cảm, cực đoan. Holden hoài nghi và xa cách với mọi người như thể cậu đang căm ghét cả thế giới vậy. Trái với những cảm xúc đó, Holden lại được nhiều người yêu quý, thấu hiểu.
Ở một góc nhìn khác, việc Holden liên tục bị đuổi học rồi lang thang khắp New York không phải là để trốn chạy cơn thịnh nộ của cha mẹ. Đau lòng hơn, những hành động quậy phá đó của chàng trai trẻ lại là để tìm kiếm sự sẻ chia, thấu hiểu và phần nào đó đồng cảm với những suy nghĩ của cậu.
Holden vẫn đang trên con đường trưởng thành, cậu cố gắng tìm kiếm xem bản thân mình thực sự là ai. Holden Caulfield thể hiện mình là một thanh niên cục cằn, ngỗ ngược và cay độc nhưng bên trong tâm hồn cậu là một nỗi sợ đầy bất an: Sợ trưởng thành.
Holden Caulfield luôn xuất hiện với chiếc màu cam đặc trưng của mình. Ảnh: PandemicDiaries. |
Jay Gatsby - "Đại gia Gatsby"
Jay Gatsby sở hữu sự quyến rũ, giàu sang; người ta thấy toát lên từ anh là sức hút lớn và quyền lực. Nhưng thành công của Gatsby lại được xây dựng trên sự dối trá khổng lồ; anh ta là kẻ lừa đảo, kẻ mạo danh.
Thực chất, Gatsby khi sinh ra chỉ là James Gatz nghèo khó. Rất nhiều bi kịch của cuốn tiểu thuyết xảy ra là do sự thiếu trung thực của Gatsby, nhưng độc giả lại không thể ghét Gatsby, cũng không thể đổ lỗi cho anh ta vì những lời nói dối ấy; mà phảng phất đâu đó là sự thương hại, đau xót.
Jay Gatsby qua lời kể của Nick Carraway là một người giàu có, thường xuyên tổ chức những buổi tiệc xa hoa, đắt tiền. Nhưng phía sau sự bóng bẩy ấy là sự nỗ lực không ngừng của một người đàn ông cố gắng hết mình vì tình yêu.
Gatsby yêu say đắm Daisy nhưng khi đó anh chỉ là một chàng trai tay trắng. Đến khi giàu sang rồi, Daisy đã là vợ người ta. Những bi kịch cứ nối tiếp nhau trong vòng quay của yêu hận tình thù.
Cho đến cuối cùng, Gatsby vẫn chết đi mà vĩnh viễn không có được tình yêu của đời mình. Ảnh: Netflix. |
Michael Corleone - "Bố già"
Michael Corleone là con trai của Vito Corleone - ông trùm quyền lực trong tác phẩm Bố già (1969) của nhà văn Mario Puzo. Trong đế chế hùng mạnh của bố mình, Michael khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại bởi cá tính chính trực, dũng cảm và không khoan nhượng trước việc xấu.
Chắc chắn, đó là hình mẫu anh hùng kinh điển trong các tác phẩm văn học. Nhưng nếu Michael mãi mãi sống trong tạo hình đó, Bố già cũng chưa chắc đã thành công tới vậy.
Bước ngoặt diễn ra khi bố anh - Vito Corleone bị ám sát. Cả đế chế hùng mạnh bị đặt trong tình huống hiểm nghèo khi vừa phải đối đầu với các băng nhóm đối địch lại vừa phải đề phòng kẻ phản bội ở bên trong.
Sau sự kiện này, Michael buộc phải nhúng chàm - tự tay giết chết kẻ thù - để có thể giữ an toàn cho cả đế chế. Cuối cùng, khi mọi việc lắng xuống, Michael chính thức tiếp nhận vị trí của Vito Corleone và điều hành băng đảng.
Từ một thanh niên sống đầy lý tưởng, Michael nhận ra sự khốc liệt của cuộc đời. Ảnh: WallpaperAccess. |