Black Friday với nhiều người là những đêm thức trắng để săn được khuyến mãi khủng, giá hời. Với một số người khác, đây là dịp phải làm việc căng thẳng để phục vụ những người đang hào hứng mua sắm nói trên.
Thức trắng đêm
Tống Lương Đức Minh (28 tuổi) hiện là quản lý và phân tích nghiệp vụ ở Công ty Spiraledge Vietnam - một nhà bán lẻ có trụ sở tại San Joe (Mỹ) cho biết Black Friday và Cyber Monday là hai dịp khuyến mãi quan trọng nhất trong năm tại thị trường Mỹ. Vì vậy, công việc của anh trong giai đoạn này căng thẳng hơn nhiều vì các chương trình phức tạp, nhiều công đoạn với nhiều chương trình cần lên sóng trong cùng một khoảng thời gian ngắn.
Chia sẻ với Zing, Đức Minh cho biết vì các chương trình khuyến mãi tại Mỹ hay lên sóng lúc 12h đêm theo giờ PST nên việc theo dõi các quá trình này từ Việt Nam không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để xử lý được những yêu cầu bất chợt như thiết lập giá mới, thêm logic khuyến mãi phức tạp nhưng gấp rút từ bộ phận sale và marketing bên Mỹ, nhân sự ở Việt Nam phải dồn nhân lực để trực đêm, gửi báo cáo từng giờ và làm việc 24/24 trong 2 dịp khuyến mãi này.
Đức Minh (áo trắng) bận rộn hơn nhiều trong mùa khuyến mãi cuối năm. Ảnh: NVCC. |
Dù được phép làm việc tại nhà, nhân viên công ty Đức Minh trong giai đoạn này đến văn phòng nhiều hơn để tập trung cao độ, mọi người nhắc nhau cẩn thận và họp hành đầy đủ trước khi chạy chương trình khuyến mãi từng món hàng để tránh xung đột với các chương trình diễn ra. Các nhân sự cũng chuẩn bị kế hoạch để làm thêm giờ và ở lại công ty qua đêm.
Tương tự, Minh Trang (27 tuổi) cũng có tháng 11 bận rộn từ Lễ độc thân (11/11) cho đến Black Friday. Nhiều ngày nay, cô luôn về nhà trong trạng thái kiệt sức nhưng vẫn thấy lo lắng vì nhiều công việc chưa giải quyết xong.
Là nhân viên phát triển kinh doanh (Business Development - BD) tại một sàn thương mại điện tử, Minh Trang có nhiệm vụ làm việc với khách hàng, đối tác về các chương trình marketing, khuyến mãi. Cô cũng phải xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành và phát triển gian hàng của khách hàng, đối tác.
Ngoài ra, nhiệm vụ của Minh Trang còn là theo dõi các dữ liệu, báo cáo về hiệu quả hoạt động của gian hàng hàng ngày như số lượng đặt hàng, tỷ lệ chuyển đổi (CR). Khi CR giảm đột ngột dù đang trong dịp sale mạnh, BD sẽ phải phân tích, tìm ra nguyên nhân và cùng với khách hàng đưa ra giải pháp để khắc phục vấn đề.
“Nửa đêm, điện thoại của tôi liên tục nhảy hàng loạt tin nhắn từ phía khách hàng và sếp. Nhiều chương trình sale theo khung giờ cố định nên khi có sự cố, tôi phải tìm cách xử lý ngay lập tức", Minh Trang nói với Zing.
Dù căng thẳng và mệt mỏi liên tục, cô coi đó là một phần yêu cầu của công việc và cho biết mình sẽ sắp xếp thời gian nghỉ ngơi khi giai đoạn này qua đi.
Chuẩn bị trước 3 tháng
Là founder của thương hiệu thời trang monásaigon - Kiều Trang (TP.HCM) - cũng có khoảng thời gian tất bật. Mùa Black Friday năm nay, cô kỳ vọng đạt 4.000 đơn cho 7 ngày khuyến mãi.
“Với các nhà bán hàng, Black Friday chính là dịp sale trọng điểm nhất trong năm, chạy nước rút để đạt KPI doanh số kỳ vọng. Người kinh doanh thời trang hay gọi đùa đây là thời điểm vào mùa vì sức mua quần áo vào dịp này mạnh nhất trong năm. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để thanh lý các mẫu cũ, huy động lại nguồn vốn để chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh trong năm sau”, vị founder này chia sẻ.
"Black Friday là thời điểm vào mùa của các thương hiệu thời trang vì sức mua vào dịp này mạnh nhất trong năm"
Kiều Trang - Founder monásaigon
Thương hiệu này đã lên kế hoạch sản xuất trước đó 3 tháng, kế hoạch truyền thông cũng được đẩy mạnh trước 2 tháng để đến Black Friday, số lượng đơn hàng sẽ đổ về đạt đỉnh.
Những ngày này, nhân viên của Kiều Trang liên tục phải gói hàng từ sáng sớm đến tối muộn vì số lượng đơn rất lớn. Đơn vị vận chuyển cũng đến lấy hàng 3-4 lượt/ngày thay vì chỉ một lượt như thông thường để đảm bảo thời gian giao đến tay người tiêu dùng.
Các thương hiệu thời trang tranh thủ thanh lý các mẫu cũ, huy động lại nguồn vốn. Ảnh: monásaigon, OLV. |
Bà Nguyễn Hoàng Thanh Nga - Giám đốc kinh doanh của OLV Boutique - thương hiệu thời trang có 21 cửa hàng cho biết tất cả bộ phận của công ty đều phải chuẩn bị hàng hóa, nhân sự từ nhiều tháng trước. Năm nào, nhân viên cũng phải làm hết công suất. Ví dụ nhân viên bán hàng phải tăng ca tại cửa hàng, nhân viên đóng gói phải làm thêm để xử lý đơn hàng và cả kênh chăm sóc khách hàng của đơn vị đều trong tình trạng quá tải.
Thương hiệu này sẽ sale lên đến 70% cho cả các sản phẩm bán chạy và sản phẩm mới.
Vị này cũng chia sẻ thêm theo kế hoạch đầu năm, thương hiệu này đặt mức kỳ vọng khá cao cho mùa Black Friday 2022. Tuy nhiên những tháng cuối năm 2022 này lại chứng kiến tình hình kinh tế khá biến động do vậy, OLV cũng có vài lo ngại khi sức mua sẽ không như kỳ vọng.
Ban lãnh đạo công ty đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh để có một mức doanh số kỳ vọng khả thi hơn với mức tăng trưởng chừng 30% so với 2021.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...