"Bão tan rồi?", chị Hồ Thị Thim ló đầu ra khỏi căn nhà gỗ, nhìn về phía những người đàn ông trong xóm đang đứng bên bờ suối. Đồng hồ chỉ 2h chiều. Mưa tạnh sau cả buổi sáng tầm tã. Bão số 9 đã ngừng.
Bỗng những tiếng uỳnh uỳnh xuất hiện. Cả vách núi ập xuống "nuốt chửng" những người đàn ông đang đứng gần đó. Chị Thim hoảng sợ chạy lại vào nhà, lồng ngực thắt lại khi tiếng đất đá ầm ầm đổ đến.
Vụ sạt lở đất ngày 28/10 tại thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã vùi lấp 11 nóc nhà của 55 nhân khẩu. 33 người sống sót. Đến ngày 3/11, lực lượng chức năng xác định được 8 người tử vong và 14 người còn mất tích, trong đó có ông Lê Hoàng Việt, Bí thư xã Trà Leng.
Căn nhà gỗ bị đất đá quật sập, phần xà gồ đổ ập vào đầu người phụ nữ, để lại một vết rách sâu trên trán. Khi mở mắt ra, chị nhận thấy phần mái tam giác vẫn đủ khoảng không để bò dậy tìm lối thoát.
Một lỗ sáng chiếu xuống từ mái nhà. Chị Thim lấy hết sức bình sinh đạp thật mạnh. Đinh trên mái găm vào ngón chân tứa máu, nhưng một kẽ hở xuất hiện đủ cho người chui qua. Chị Thim trèo ra ngoài và lập tức gọi tên chồng con.
"Mình tưởng chồng con không sống được", người phụ nữ M'Nông kể lại. Chị gào khóc và đưa mắt nhìn tứ phía, thấy cả xóm đã ngập trong bùn đất.
Lội qua đống cột kèo gãy đổ, chị Thim nhìn thấy anh Lê Hoàng Lợi (chồng chị) co ro bám vào một thân cây. Thằng Hải (11 tuổi, con trai chị) chạy theo người hàng xóm, kịp thoát ra khỏi đống sạt lở. Người phụ nữ không nhìn thấy bé Hiếu, con gái lớn của mình ở đâu.
"Mẹ ơi, con ở đây, cứu con với", tiếng kêu yếu ớt phát ra từ dưới đống gỗ gần đó. Lê Thị Hiếu (13 tuổi) đang nằm sấp, bùn đất phủ kín khuôn mặt, thanh gỗ lớn kẹp ngay trên cổ khiến cô bé không thể nhúc nhích.
"Mình chạy vội đến bới con lên, có người nào đó bị kẹt dưới bùn còn với tay theo níu mình lại... cứu với... Họ kêu vậy đó", chị Thim nhớ lại.
Sau khi cứu sống được con gái, hai vợ chồng quay về phía những tiếng kêu cứu khác. Họ thấy chị Hồ Thị Siu bị thương nặng, máu chảy ròng ròng xuống chiếc áo rách tươm. Chị Siu chỉ nhìn thấy cô con gái gần 4 tuổi còn sống, không biết chồng mình và cậu con trai hơn 1 tuổi đang ở đâu.
Vợ chồng chị Thim cứu thêm được mẹ con chị Siu, chị Châu và 3 mẹ con chị Thúy khỏi đống đổ nát. Họ bị gãy chân, rách cằm, rách trán, vô số vết trầy xước. Bằng cách thần kỳ nào đó, Thần Chết đã bỏ qua họ.
Chồng chị Siu, anh Lê Công Tiên, khi đó đang chạy như bay về phía UBND xã Trà Leng, cách hiện trường sạt lở khoảng 4 km để gọi người đến cứu. Chân anh run cầm cập khi tận mắt chứng kiến căn nhà của Bí thư xã Lê Hoàng Việt bị đất đá đè sập. Hơn 10 đứa trẻ con đang ở trong đó trú bão, gồm cả con trai anh.
Ngày đầu tiên sau thảm kịch, khắp núi rừng Nam Trà My bừng nắng rát da, rát thịt. Mồ hôi ướt đầm lưng áo những người lính hành quân vào hiện trường.
Đêm hôm trước, chị Thim cùng những người sống sót dắt díu nhau leo lên một quả đồi. Mặt đất dậy lên mùi hăng hăng của cây keo và mùi thơm của quế. Họ tìm thấy một cái lán canh rừng và ngồi co cụm lại.
Suốt đêm hôm đó, những người thoát chết ôm bụng đói và những vết thương còn rỉ máu. "Lạnh và đói lắm, chẳng ai ngủ được", chị Thim hồi tưởng.
Sáng hôm sau, có thêm nhiều thanh niên xuất hiện. Họ lên đồi tìm những người sống sót. Có hơn 10 người bị thương. Thanh niên chia thành từng tốp, dùng võng gánh nạn nhân đi bệnh viện.
Ngoài những người may mắn thoát chết trong chiều 28/10, chẳng còn ai sống sót dưới đống đất đá của vụ sạt lở.
Ngồi thu lu trên giường bệnh tại Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My, chị Thim vẫn giữ nguyên nét mặt khắc khổ. Đầu tóc rối bời, hai chân mày chau lại. Vết rách trên trán đã khô máu, chỗ đinh đâm ở ngón chân cái se lại thành một chấm đen. Đêm đầu tiên được nằm trong chăn ấm, chị vẫn không ngủ được.
Anh Lê Công Tiên cũng ở luôn tại trạm xá để trông nom chị Siu và đứa con gái 3 tuổi. Vì không ở hiện trường, hai vợ chồng đã không phải chứng kiến cảnh tượng đau xót, ám ảnh nhất với họ.
Sáng 30/10, khi phá được một khối bê tông lớn, lực lượng công binh vớt từ bùn lên một thi thể trẻ con chừng hơn một tuổi. Đó là thi thể thứ 7 được tìm thấy. Người dân kéo đến và nhận ra cháu bé chính là con trai út của anh Tiên.
"Mấy đêm nay mình không ngủ được, cứ nhắm mắt là nghĩ đến con. Cháu được tìm thấy và chôn cất luôn, mình cũng không kịp về nhìn con lần cuối", anh Tiên nói, khuôn mặt đờ đẫn.
Huyện Nam Trà My có 2 sản vật đặc trưng nhất. Một là sâm Ngọc Linh được trồng nhiều ở xã Trà Linh. Thứ 2 là cây quế Trà My ở xã Trà Leng. Trên con đường dẫn vào xã, những đồi quế hàng chục năm tuổi vẫn xanh tươi sau bão.
Người M'Nông sống nhiều đời tại xã Trà Leng vẫn giữ phong tục “trồng quế cho con”. Sau khi đứa trẻ chào đời, bố mẹ sẽ trồng thêm một vườn quế làm của để dành. Khi con cái lớn lên, xây dựng gia đình sẽ có vườn quế đó để làm ăn.
Sau vụ sạt lở kinh hoàng, Hồ Văn Trung (sinh viên trường nghề tại Tam Kỳ) vội vã trở về nhà, tìm đến đồi quế của ba mẹ là ông Hồ Văn Thành và bà Hồ Thị Đức. Dân làng đã đưa thi thể 2 người khỏi đống đổ nát và an táng ngay trên ngọn đồi này. Không áo quan, cũng chẳng bia mộ.
Dưới tán quế, Trung ngồi bất động trước hai nấm mồ. Nhà cửa và tiền bạc của gia đình đã mất hết. Món quà thừa kế cuối cùng mà ba mẹ dành cho cậu là những cây quế Trà My.
Những nạn nhân còn sống mất ngủ suốt nhiều đêm, một phần vì ám ảnh, phần khác vì lo lắng cho tương lai của mình.
"Chỗ đó không ở được nữa rồi", anh Tiên nhắc đến nền nhà cũ đang bị bùn đất vùi lấp.
Người đàn ông M'Nông suy sụp và lo âu, nhưng lòng anh không gợn chút bức xúc hay mong muốn đi tìm nguyên nhân của thảm kịch. "Nó xảy ra đất lở thì mình nói là đất lở thôi chứ biết gì hơn đâu".
Ba người trong một gia đình nằm co trên chiếc giường bệnh tại Trung tâm Y tế Bắc Trà My. Khi được chữa trị xong và xuất viện, họ không còn nơi để trở về.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết vụ sạt lở không chỉ phá hủy nơi sinh sống mà còn cướp đi toàn bộ tài sản của người dân.
Theo ông Dũng sau khi việc tìm kiếm cứu nạn kết thúc, huyện có chủ trương chọn một khu đất an toàn hơn để lập lại làng mới, xây nhà cửa kiên cố, mua sắm lại vật dụng sinh hoạt cho những người dân còn sống sót.
"Chủ trương là vậy nhưng nguồn lực tài chính của huyện còn rất khó khăn. Trước mắt, chúng tôi có thể chi ngân sách để tạo một quỹ đất cho người dân. Huyện rất mong các nhà hảo tâm cùng đóng góp để có kinh phí xây dựng lại nhà cửa trên đất", ông chia sẻ.
Là địa bàn đồi núi với dân cư phân bố tự phát, từ năm 2016, huyện Nam Trà My đã bắt đầu quy hoạch, sáp nhập 224 khu dân cư cũ thành 115 khu mới. Một trong các tiêu chí quy hoạch lại dân cư là tránh những vùng có nguy cơ thiên tai, sạt lở.
"Chúng tôi đã sắp xếp được 45/115 khu dân cư, tương ứng 2.000 hộ dân. Đến nay, tại 45 khu dân cư này chưa phát sinh sạt lở", ông Dũng nói.
Địa điểm sạt lở vùi lấp 11 hộ dân vừa xảy ra tại Trà Leng, ngang trái thay, lại được đánh giá là an toàn, không cần quy hoạch hay di dời.
"Nền địa chất ở đó được đánh giá là ổn định, an toàn, thuận tiện cho việc sản xuất, sinh hoạt của người dân. Không ai ngờ lại xảy ra sạt lở", vị Chủ tịch huyện chia sẻ.
Khắp những xóm thôn của huyện Nam Trà My, còn vô số những sườn đồi hiện rõ vết nứt, chỉ đợi thêm vài trận mưa tới là tiếp tục sạt xuống mặt đường và nhà dân. Còn bao nhiêu điểm dân cư tưởng là an toàn nhưng không phải? Đó là câu hỏi mà lãnh đạo địa phương chưa có câu trả lời.