"Proọc!!!" (chạy - tiếng M'Nông), anh Sơn trừng mắt hét lên khi thấy vạt đồi phía trước bị xé toạc. Cùng với nhiều tiếng nổ lớn, bùn đất đổ dồn về phía những mái nhà của thôn nhỏ ở Trà Leng nằm giữa các ngọn núi. Mưa mù trời, gió rít từng cơn.
Chiều hôm đó, đất đá vùi lấp 11 hộ dân, trong đó có căn nhà của ông Lê Hoàng Việt, Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng.
"Không ai đáp lời"
12h ngày 28/10, những hộ dân ở thôn 1, xã Trà Leng, nghe thấy những tiếng nổ lớn từ trên sườn đồi. Sau những đợt mưa lớn, nước lũ bắt đầu đổ xuống qua khe suối Pranh.
Phụ nữ và người già bắt đầu lo sợ. Họ vẫn phải trú trong nhà vì bão số 9 đang quần thảo.
Lực lượng chức năng tìm kiếm những người còn mất tích. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chỉ có một vài người đàn ông đứng ngoài đường, trong đó có ông Lê Hoàng Việt (Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng), ông Nguyễn Thành Sơn (hàng xóm của ông Việt) và ông Nguyễn Văn Mười, một người dân thôn khác.
Ông Việt khi đó đang giơ điện thoại ghi lại hình ảnh khe suối đổ nước ồ ạt từ trên đồi xuống khu dân cư của mình. Những người đàn ông đứng trước con suối đã cảm thấy có gì đó không ổn sau nhiều tiếng nổ lớn, nhưng họ chưa biết phải xử lý ra sao.
Khoảng 14h, ông Sơn nghe thấy một tiếng nổ dữ dội. Trong chớp mắt, bùn đất từ trên đồi đổ thẳng xuống 11 nóc nhà bên dưới.
Ông Việt và ông Mười bị bùn đất trùm qua đầu ngay trước mắt ông Sơn. Người đàn ông hô mọi người bỏ chạy nhưng chưa được 3 bước thì đất đá đã dồn đến. Bùn đất không vùi lấp ông Sơn mà đẩy ông lên một nóc nhà.
"Khi tôi ngoảnh lại thì thôn xóm không còn gì hết. Tôi kêu bà con ai còn sống thì nói nhưng không ai đáp lời. Lát sau, tôi mới thấy những tiếng kêu rất yếu. Chúng tôi kéo được vài người còn sống ra khỏi bùn đất. Đến 5h chiều, không còn tìm thêm được ai nữa", ông Sơn kể.
Khi phóng viên tiếp cận hiện trường vào sáng 29/10, thi thể ông Mười được đặt tạm bên một quán cóc ven đường. Ông Việt vẫn mất tích trong đống đổ nát. Ông Sơn còn sống sót nhưng vợ ông đã nằm dưới đất bùn.
Ông Nguyễn Thành Sơn kể lại khoảnh khắc bùn đất ập xuống nơi ở của mình. Ảnh: Ngọc Tân. |
Đêm 28/10, Hồ Thị Phiêng, người dân tại nóc Ông Việt, cùng những người sống sót dắt díu nhau trèo lên những khu đất cao xung quanh, tìm những chòi lán để ngủ tạm qua đêm. Đến sáng hôm sau, người khỏe mạnh hợp sức khiêng những nạn nhân bị thương đi cấp cứu.
Người M'Nông ở xã Trà Leng vẫn giữ những ý niệm sống từ lâu đời. Họ dùng từ "nóc" để gọi một vùng dân cư nhỏ hơn làng. Họ chọn một người có uy tín trong nóc để tin theo, thậm chí lấy tên người đó làm tên nóc như nóc Ông Nục, nóc Ông Lý... Cái tên nóc Ông Việt có từ khi bí thư xã Lê Hoàng Việt nhận được sự tín nhiệm của bà con.
"Ông ấy sống thương bà con lắm, tôi chứng kiến từ ngày mới lên đây mở quán. Ông ấy thấy bà con mua hàng thiếu tiền còn trả đỡ cho họ luôn", chị Tạ Thị Bích Hạnh, một chủ hàng tạp hóa ở xã kể.
Bí thư Việt có căn nhà xây bằng gạch kiên cố. Từ đêm 27 đến sáng 28/10, hàng chục người dân xung quanh đã đến ở nhà ông, coi đó như nơi trú ẩn trước cơn bão số 9. Khi bão đổ bộ, nóc Ông Việt được xác định là khu vực an toàn hơn nhiều nơi khác.
Cả nóc có 53 nhân khẩu. Khi vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra, chính quyền xác định được 33 người còn sống, gồm cả một số người may mắn vắng nhà. Những người còn lại đã kịp chạy thoát hoặc bị thương do va đập vào cây cối, đất đá.
20 người được xác định mất tích. Đến sáng 30/10, thi thể thứ 9 được đưa ra ngoài.
Những ngôi mộ đắp vội
Trưa 29/10, trên con đường bùn lầy dẫn vào hiện trường, phóng viên gặp những nạn nhân sống sót được khiêng, cõng đi cấp cứu. Ánh mắt họ thẫn thờ sau khi chứng kiến cảnh sạt lở kinh hoàng vừa qua. Người mất hết cha mẹ, người đau đớn khi con cái vẫn nằm dưới đống đất đá.
Khi vụ sạt lở xảy ra, vợ chồng chị Trần Thị Diệu may mắn thoát chết. Nhưng 3 đứa con của họ đã nằm lại dưới đất bùn, cô con gái út bị thương, được chị đưa đi bệnh viện. Tại hiện trường, chồng chị vẫn đang tìm thi thể các con.
Hồ Văn Trung ngồi bên 2 ngôi mộ mới đắp của cha mẹ. Ảnh: Ngọc Tân. |
Trên một ngọn đồi rợp bóng quế nằm gần điểm sạt lở, người dân xã Trà Leng vừa đắp xong 2 nấm mộ. Đó là nơi yên nghỉ của 2 vợ chồng chủ vườn quế, ông Hồ Văn Thành và bà Hồ Thị Đức.
Hồ Văn Trung, con trai thứ 2 của ông Thành, nhận được tin xã Trà Leng có nhiều người gặp nạn khi đang đi học trường nghề ở Tam Kỳ (Quảng Nam). Không thể gọi về cho gia đình vì mất sóng điện thoại, Trung vội bắt xe về nhà.
Sau hàng cây số lội bùn đất, người con trai về đến nhà khi thi thể bố mẹ chuẩn bị được bà con làng xóm hạ huyệt. Họ không có nổi một cỗ quan tài cho người xấu số, cũng không dựng nổi một ngôi mộ bằng đá theo truyền thống của người dân địa phương.
Dưới những tán quế chỉ có 2 nấm đất và người con trai ngồi thất thần, đôi mắt nhìn vô định.
Trên đường đi ra khỏi hiện trường, phóng viên chứng kiến thêm nhiều đoàn người lội bùn vào bên trong.
Nóc Ông Việt không có sóng điện thoại. Người Trà Leng đi học hay đi làm xa phải về tận nơi để biết số phận người thân của mình. Nhiều người đã gục xuống cạnh những ngôi mộ đắp vội, chưa được nhìn mặt cha mẹ lần cuối.