Trong dòng người đi xếp hàng chờ mua đồ H&M nhân ngày thương hiệu thời trang này có cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM, Thuỳ Linh, một nhân viên ngân hàng, cho hay cô hoà vào đám đông chỉ vì... tò mò.
Linh đến cửa hàng không phải để mua một món gì đó, mà đơn giản là nhìn ngắm và so sánh giá của các sản phẩm, so với hàng H&M mà cô trực tiếp order từ nước khác về.
Lựa chọn quá đa dạng, không H&M thì có nhiều thương hiệu khác
3-4 năm nay, Linh bỏ luôn thói quen mua sắm ở các cửa hàng. Thay vào đó, cô tìm các dịch vụ đặt hàng thuê từ các nước về Việt Nam vì theo cô, mua hàng theo cách này, vừa đỡ mất thời gian, vừa rẻ.
“Trước đây, các hãng ít giảm giá và thường giảm theo đợt. Nhưng bây giờ thì hàng sale có quanh năm. Thỉnh thoảng, các hãng cũng giảm giá hàng trong bộ sưu tập mới”, Linh chia sẻ.
Linh là một trong số khách hàng không quá sốt sắng với việc Zara hay H&M có cửa hàng ở Việt Nam.
Chị Thu Hiền, một tín đồ của hàng hiệu bình dân xách tay từ 3-4 năm nay, chia sẻ chị thường xuyên mua hàng H&M thời gian đầu mới “bập” vào đặt hàng và biết đến dịch vụ đặt hàng. Sau này, khi biết đến nhiều thương hiệu hơn thì chị gần như không còn hào hứng với đồ H&M nữa.
Cửa hàng H&M ở TP.HCM chật cứng trong ngày khai trương. Ảnh: Lê Quân. |
Các thương hiệu được lòng những khách hàng trên 30 tuổi như chị Hiền hiện nay là ASOS, Oasis, Warehouse... bên cạnh Zara hay Mango. Những khách hàng trẻ trung hơn thì thường nhắm đến một số thương hiệu như Topshop, Adidas, F21. Hầu hết thương hiệu này đều có thể về Việt Nam thông qua con đường xách tay qua dịch vụ nhận order.
Thực tế, cộng đồng những người chuyên order hàng xách tay online tại Việt Nam hiện nay được cho là rất lớn.
Chưa thống kê nào về số người làm dịch vụ này. Tuy nhiên, trên mạng xã hội hay các website chuyên về bán hàng online, số lượng hội nhóm gom mua hàng xách tay, thanh lý hàng hiệu bình dân hay các nhà làm dịch vụ này có thể lên tới cả nghìn.
Mục nhận hàng order tại một diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh có đến hơn 4.200 cửa hàng nhận đặt hàng từ các nước khác về Việt Nam. Còn trên Facebook, những hội, nhóm rủ nhau gom mua, thanh lý hàng hiệu bình dân từ các nước Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... ngày một xuất hiện nhiều.
Lần Zara mở cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM, bên cạnh một bộ phận khách hàng hào hứng đến xếp hàng, cũng có không ít người “ngó lơ”. Họ phần lớn là những người thuộc cộng đồng mua hàng online xuyên biên giới như Linh, chị Thu Hiền.
Chị Hồng Ngân, một tín đồ Zara cho hay khi thương hiệu này vào Việt Nam thì chị cũng đã có hẳn bộ sưu tập váy, quần áo của hãng. Do đó, chị không mấy hào hứng với đợt xuất hiện tại TP.HCM của thương hiệu này.
“Khảo sát thì cho thấy giá bán ở thị trường Việt Nam vẫn đắt hơn một số thị trường khác. Các đợt sale cũng không nhiều bằng. Tuy nhiên, bất tiện của việc đi order là phải chờ, thông thường khoảng 10 ngày đến 2 tuần với hàng từ châu Âu, Mỹ và một tuần với hàng Trung Quốc. Nhưng bù lại, giá lại thường rẻ hơn”, chị Ngân chia sẻ.
Với H&M, dòng sản phẩm có chất lượng tốt hơn, phân thành hạng Premium tại thị trường nước ngoài cũng có giá rẻ hơn Việt Nam. Hiện tại, một số sản phẩm cho nam tại cửa hàng H&M mới khai trương ở TP.HCM có mức giá lên đến 6 triệu đồng. Mức giá này được cho là khá cao so với định hướng thời trang bình dân mà H&M đặt ra. Tại Đức, Mỹ, trong bộ sưu tập mới, áo dạ nam dòng Premium có giá cao nhất khoảng 4 triệu đồng khi quy ra tiền Việt.
Thờ ơ vì đâu?
Theo những tín đồ order hàng hiệu bình dân kiểu xách tay, họ không mấy hào hứng với chuyện Zara hay H&M về Việt Nam, đơn giản vì các thương hiệu bình dân này thường xuyên có các đợt giảm giá cực lớn ở thị trường các nước.
Tuần trước, Nguyễn Linh mua một cái váy Mango tại thị trường Tây Ban Nha với giá 10 euro, về tay khoảng 350.000-400.000 đồng. Cô xuýt xoa khen rẻ, vì tại một số cửa hàng Mango trong trung tâm thương mại ở Việt Nam, chiếc váy trên vẫn có giá khoảng 900.000 đồng.
Váy chưa kịp về đến tay thì sang tuần này, Mango có đợt giảm sâu đến 85% đối với nhiều mẫu. Chiếc váy Linh mới mua giảm thêm một nấc còn 6 euro, tức giá về tay chỉ chưa đến 300.000 đồng.
Tại các nước, những đợt giảm giá với hàng Zara, H&M, Mango... hầu như diễn ra quanh năm. Ảnh minh hoạ: Lê Quân. |
“Thật sự ‘choáng’. Không chỉ Mango, nhiều nhãn hàng khác như H&M, Uniqlo, F21 cũng giảm sâu. F21 còn thậm chí mua 1 tặng 1. Hãng xa xỉ hơn như Adidas cũng có đợt giảm giá 70% tại thị trường Trung Quốc. Săn hàng sale luôn bị hớ vì những mức giảm sốc như thế này”, Linh chia sẻ.
Còn với H&M, nếu mua tại thị trường Mỹ, giá về tay đối với nhiều món chỉ khoảng 100.000-200.000 đồng.
Thực tế, tại thị trường Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Anh, Trung Quốc... các nhãn hàng thời trang bình dân như Zara, Mango, H&M, Forever21 (F21), Berska, Stradivarius... luôn có đợt giảm giá mạnh hầu hết các tháng trong năm. Mức giảm phổ biến lên đến 70-80%, thậm chí kèm thêm “mua 1 tặng 1” hoặc “mua 3 tính tiền 2”... khiến tín đồ săn hàng xách tay bình dân luôn lo bị “hớ”.
Tại Mỹ, H&M thường xuyên có đợt sale 70% cho các mặt hàng, thỉnh thoảng giảm thêm 10-30% cho hàng mới. Hiện tại, H&M giảm giá 80% nhiều mặt hàng ở Mỹ và áp dụng mức giảm 40% đối với một số mặt hàng công sở, sang trọng.
Còn ở thị trường Anh, ngay thời điểm hiện tại, ngoài các mặt hàng giảm giá 70%, thương hiệu này còn giảm 25% cho hàng trẻ em, kèm thêm freeship (miễn phí vận chuyển). Mức giảm giá cho các sản phẩm của thương hiệu Thuỵ Điển này tại thị trường Đức cũng đang là 70% với hơn 7.000 sản phẩm.