20 năm sau, Jack Grandcolas vẫn nhớ hôm 11/9/2001, ông thức dậy lúc 7h03.
Ông xem đồng hồ, nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy cảnh tượng trên bầu trời đập vào mắt, ngỡ như một thiên thần đang bay. Lúc ấy ông chưa hiểu điều gì, nhưng khoảnh khắc đó đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi.
Hoàn toàn sụp đổ
Lúc đó là 10h03 và Chuyến bay 93 của United Airlines vừa lao xuống cánh đồng Pennsylvania.
Ông bật tivi và chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng của thảm kịch 11/9/2001 đang diễn ra. Sau đó, máy trả lời tự động nhấp nháy thông báo có tin nhắn đến.
Vợ ông - bà Lauren - đáng lẽ không có mặt trên chuyến bay đó.
Sáng hôm đó, bà Lauren đã để lại hai tin nhắn, lúc ông còn đang ngủ với chiếc điện thoại tắt chuông trong phòng ngủ. Tin tốt là bà ấy đã đáp chuyến bay sớm từ New Jersey về San Francisco. Sau đó, bà gọi từ máy bay: "Có một vấn đề nhỏ", bà nói với giọng thoải mái. Ông nhớ lại, bà Lauren không dặn là sẽ gọi lại cho ông. Bà chỉ nói: “Anh chỉ cần biết rằng em yêu anh hơn tất cả. Hãy nói với gia đình em rằng em cũng rất yêu họ. Tạm biệt anh yêu".
“Tôi xem tivi và thấy đống tro tàn ở Pennsylvania. Họ nói đó là của Chuyến bay 93 thuộc hãng United Airlines. Khoảnh khắc đó đã khiến tôi gục ngã", người đàn ông 58 tuổi kể lại.
Tất cả 44 người trên máy bay đều thiệt mạng. Lauren, 38 tuổi và đang mang thai đứa con đầu lòng được 3 tháng. Bà về dự đám tang của bà mình ở New Jersey, rồi ở lại thêm vài ngày để thông báo tin vui mang thai "để vực dậy tinh thần cho cha mẹ và chị gái sau khi bà qua đời”, Grandcolas nói.
Một tấm bia vinh danh bà Lauren Grandcolas, người đã thiệt mạng trên Chuyến bay 93 của United Airlines tại thành phố Union, California, Mỹ. Ảnh: AP. |
Chuyến bay 93 là chiếc máy bay thứ tư và cũng là chiếc máy bay cuối cùng bị 4 tội phạm khủng bố Al-Qaeda tấn công liều chết nhằm vào Điện Capitol ở thủ đô Washington, D.C. vào hôm 11/9/2001.
Các hành khách và tổ bay đã sử dụng điện thoại trên ghế ngồi để gọi điện cho người thân và các nhà chức trách. Họ được biết rằng đã có 2 vụ tấn công đầu tiên vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York và Lầu Năm Góc ở thủ đô Washington, D.C.
Nhận thấy hành động của không tặc là một phần của cuộc tấn công quy mô lớn hơn, họ đã tổ chức chống trả và cố gắng giành quyền kiểm soát máy bay. Đó là một hành động anh hùng cứu sống được vô số sinh mạng khác.
Grandcolas cho biết: “Những gì họ đã làm thật đáng kinh ngạc. Đó là một hành động quên mình để chiến thắng sự thù địch".
Họ đã lên kế hoạch qua các cuộc gọi điện thoại trên máy bay, được ghi âm trong máy ghi âm của buồng lái. Khó ai biết được những hành khách này đã đảm nhiệm vai trò gì trong kế hoạch đó.
Ông Grandcolas tin rằng bà Lauren đã tham gia kế hoạch đó. Bà là một chuyên viên tư vấn quảng cáo đầy nhiệt huyết. Bà yêu thích thể thao, và được đào tạo để trở thành một kỹ thuật viên cấp cứu (EMT) vì bà luôn rộng lòng muốn giúp đỡ những người khó khăn.
“Lauren là một người chủ động, cô ấy sẽ không ngồi im một cách nhàn rỗi", ông kể. Grandcolas cho rằng vợ mình đã tham gia vào kế hoạch giành quyền điều khiển máy bay và thu thập thông tin tình báo.
"Cô ấy sẽ gõ vào đồng hồ của mình để nhắc nhở: "Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa"", ông kể.
Vết sẹo vẫn còn đó
Trong nhiều năm, Grandcolas vẫn cảm thấy rùng mình khi nhắc đến “sự kiện 11/9”. Kỷ niệm 20 năm là một dịp quan trọng, vậy nên ông có kế hoạch đến Pennsylvania để thăm Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93 lần đầu tiên kể từ năm 2003.
Ông Grandcolas đã tham dự hai lễ tưởng niệm đầu tiên tại địa điểm rơi máy bay Pennsylvania và không trở lại vì quá đau đớn.
Thay vào đó trong những năm tiếp theo, ông dành ngày 11/9 để làm những việc mà bà Lauren yêu thích, như đi xe đạp hoặc đi dạo yên tĩnh trên bãi biển.
Trong một cuộc phỏng vấn ở Pebble Beach, bang California ông nói rằng: “Mỗi năm trôi qua đi là nỗi đau thêm quặn thắt. Những nỗi đau thành sẹo sẽ theo chúng ta suốt phần đời còn lại".
Ông Jack Grandcolas đã mất người vợ đang mang thai trên Chuyến bay 93, đang ngồi đăm chiêu nhìn ra biển ở gần nhà ở Pebble Beach, California, hôm 18/8/2021. Ảnh: AP. |
Ông đã phải vật lộn với chứng trầm cảm và cảm giác tội lỗi của một người thân sau thảm kịch.
Bằng các liệu pháp điều trị tinh thần, ông đã đọc tin nhắn của Lauren từ máy bay như là một cách để trấn an bản thân và gia đình cô ấy, cũng như “để biết rằng cô ấy ổn với những gì đang diễn ra lúc đó”.
Hình ảnh sáng 11/9 mang một ý nghĩa chữa lành mới. Ông đã nghe thấy giọng nói của bà trong những lúc đau đớn nhất, khuyên ông hãy đứng lên và tiếp tục sống cuộc sống của mình.
Giờ đây, Grandcolas đã tái hôn và chuyển ra khỏi ngôi nhà mà ông và Lauren đã mua ở San Rafael, California.
Nay ông đã nghỉ hưu với vị trí chuyên viên quảng cáo. Ông đang viết một cuốn sách về kể về nỗi đau và tưởng nhớ đứa con chưa chào đời của mình. Cuốn sách sẽ được xuất bản vào tháng 4/2022, khi đứa trẻ đáng lẽ tròn 20 tuổi.
Vào ngày kỷ niệm 20 năm, Grandcolas thấy đất nước đã có thể đoàn kết sau thảm kịch 11/9, điều mà ông coi là trái ngược hoàn toàn với sự chia rẽ đang diễn ra ở nước Mỹ hiện nay.
Ông nói: “Nước Mỹ đã đoàn kết lại, và có lẽ là bây giờ, sẽ là thời điểm tốt để giảm bớt sự chia rẽ".