Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những người phải trả giá đắt vì 'Zero Covid-19' ở Trung Quốc

Những người lao động nhập cư và sinh viên mới tốt nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề khi lệnh phong tỏa khiến các doanh nghiệp cũng như nhà máy, công trường xây dựng đóng cửa.

mat viec vi phong toa anh 1

Sau hơn một tháng, Zeng Jialin cuối cùng cũng có thể quay trở lại nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô Thượng Hải, nơi ông từng làm việc. Ông đã hồi phục sau khi mắc Covid-19 và sắp được ra khỏi cơ sở cách ly.

Nhưng vào hôm 3/5 - đúng ngày ông dự kiến rời đi, một người trong cơ sở cách ly đông đúc có kết quả xét nghiệm dương tính một lần nữa. Ông Zeng, 48 tuổi, được yêu cầu phải ở lại thêm 14 ngày.

“Tôi có ba đứa con. Một đang học đại học, một học trung học cơ sở và đứa còn lại học tiểu học. Áp lực là rất lớn”, ông nói với New York Times.

Phần lớn mức lương 30 USD mỗi ngày của ông đều dùng để chi trả cho các con. “Tôi cũng đang nợ ngân hàng nên rất lo lắng”, ông cho biết.

Khi Trung Quốc đối mặt với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất, quyết tâm theo đuổi chính sách “Zero Covid-19” đã khiến hàng triệu người rơi vào cảnh mất việc. Các vụ phong tỏa nghiêm trọng, kéo dài từ thành phố này sang thành phố khác, đang buộc các nhà máy và doanh nghiệp ở những trung tâm kinh tế quan trọng nhất cả nước phải đóng cửa suốt nhiều tuần.

mat viec vi phong toa anh 2

Một dây chuyền lắp ráp ở tỉnh An Huy, Trung Quốc trước đợt dịch. Ảnh: AFP.

Nguy cơ lớn

Hai nhóm đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch lần này là lao động nhập cư và những người mới tốt nghiệp đại học. Tại Trung Quốc, theo ước tính, khoảng 280 triệu lao động từ nông thôn đã lên thành phố để làm việc trong các lĩnh vực như sản xuất và xây dựng. Trong khi đó, gần 11 triệu sinh viên đại học dự kiến ​​tốt nghiệp trong năm nay.

Thế nhưng, chiến lược chống Covid-19 của Bắc Kinh đã gây chao đảo về mặt kinh tế trên khắp thế giới, không chỉ làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng mà còn vạch ra bài toán khó về vấn đề việc làm.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gần đây đã tuyên bố động thái khác thường của chính phủ là trợ cấp sinh hoạt cho những người lao động nhập cư thất nghiệp và trợ cấp các công ty thuê người trẻ.

“Đợt bùng phát mới của Covid-19 đã ảnh hưởng khá nhiều đến việc làm", ông Lý cho biết vào ngày 27/4. “Chúng ta phải làm bất cứ điều gì có thể để thúc đẩy tạo việc làm, đặc biệt là đối với những nhóm chính như sinh viên tốt nghiệp đại học”.

Theo New York Times, rất khó để đánh giá quy mô thực sự của vấn đề. Về mặt số liệu chính thức, theo chỉ số chính của chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp thành thị chỉ tăng 0,3% trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3, ngay cả khi các vụ phong tỏa làm tê liệt các “đầu tàu" kinh tế như Thâm Quyến và Thượng Hải.

Nhưng số liệu này có thể quá thấp. Các nhà chức trách có thể không nắm được hết số lượng lao động nhập cư, và họ cũng không tính đến số lượng ngày càng tăng của những người trẻ tuổi đang phải trì hoãn tìm kiếm việc làm.

mat viec vi phong toa anh 3

Một con phố ở Bắc Kinh nơi tập trung những người lao động nhập cư để tìm việc làm. Ảnh: Reuters.

Stephen Roach, cựu Chủ tịch ngân hàng Morgan Stanley chi nhánh châu Á và hiện là giảng viên cao cấp của Đại học Yale về các vấn đề toàn cầu, cho biết biện pháp hỗ trợ mới của chính phủ cho thấy vấn đề nghiêm trọng hơn mức các nhà chức trách tiết lộ.

Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Bắc Kinh cũng từng tăng chi trả thất nghiệp cho lao động nhập cư.

“Bản thân thông báo này là một gợi ý rằng có điều gì đó lớn hơn rất nhiều đang xảy ra trong thị trường lao động đầy tiềm năng này”, ông Roach nói.

Cuộc sống bấp bênh

Mặc dù là “xương sống" của nền kinh tế Trung Quốc, những người lao động nhập cư luôn phải kiếm sống một cách bấp bênh. Họ kiếm được đồng lương ít ỏi và hầu như không có bất cứ phúc lợi lao động nào. Hoàn cảnh của họ càng trở nên tồi tệ hơn bởi đại dịch.

Người lao động thường sống trong khu ký túc xá của công ty hoặc những nơi ở tạm rẻ tiền. Kết quả là khi các nhà máy đóng cửa, nhiều người không còn đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà hoặc bị mắc kẹt tại địa điểm làm việc của họ, theo các bản tin và bài đăng trên mạng xã hội của Trung Quốc. Một số đã phải ngủ dưới gầm cầu hoặc trong bốt điện thoại.

Yang Jiwei, 21 tuổi đến từ tỉnh An Huy, làm bồi bàn ở Thượng Hải giữa lúc thành phố bị phong tỏa. Anh ở chung với 4 người khác và nơi anh ở không có đồ dùng nhà bếp, vì vậy họ không thể nấu được thực phẩm mà chính quyền đã cung cấp.

“Tôi thức dậy, ăn uống và sau đó đi ngủ”, anh Yang nói và cho biết đống mì gói của anh sắp hết. "Ngoài thức ăn, tôi không thể nghĩ về bất cứ điều gì khác".

Trong khi đó, nhân viên giao hàng, một trong số lực lượng lao động được phép tiếp tục làm việc, đã phải lựa chọn giữa thu nhập giảm sút hoặc nguy cơ không thể trở về nhà sau khi giao hàng bởi các khu dân cư bị rào chắn.

Một số khác cũng chấp nhận làm những công việc có nguy cơ cao là xây dựng hoặc phục vụ tại các cơ sở cách ly để kiếm thêm.

mat viec vi phong toa anh 4

Nhân viên giao thực phẩm bên cạnh hàng rào bao quanh một khu dân cư ở Thượng Hải. Ảnh: New York Times.

Các quan chức ở Thượng Hải thừa nhận rằng số lượng người vô gia cư đã tăng lên trong thời gian diễn ra cuộc phong tỏa. Chính quyền địa phương và trung ương đã cam kết hỗ trợ, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi.

Khi Thủ tướng Lý Khắc Cường thông báo về việc mở rộng trợ cấp thất nghiệp, ông không nói rõ người lao động sẽ được hưởng bao nhiêu.

Kế hoạch nhận được khoản tiền này như thế nào cũng chưa rõ ràng. Mặc dù Trung Quốc có bảo hiểm thất nghiệp, nhiều lao động nhập cư không đủ điều kiện hoặc không biết để yêu cầu nhận nó.

Không tìm được việc làm

Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tăng vọt của Trung Quốc là nỗi lo ngại khác.

Trong nhiều năm, các nhà hoạch định chính sách đã đau đầu về việc làm thế nào để đảm bảo đủ việc làm cho họ. Nhưng sự thiếu hụt đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong năm nay, khi lệnh phong tỏa ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Giáo viên phụ trách các vấn đề sinh viên của một trường đại học ở quận Tùng Giang, Thượng Hải, cho biết tháng 3 và 4 là giai đoạn cao điểm để sinh viên sắp tốt nghiệp tìm việc làm.

Theo thầy giáo này, vì dịch bệnh, các hội chợ giới thiệu việc làm, vốn được tổ chức tại khuôn viên trường, bị hủy bỏ, các công ty cũng cắt giảm số lượng nhân sự tuyển dụng mới.

Cứ 100 ứng viên mới tốt nghiệp thì chỉ có 71 việc làm trong quý đầu tiên năm nay, theo báo cáo của Đại học Renmin ở Bắc Kinh và Zhaopin - trang web việc làm.

“Đối với một đất nước luôn chú trọng đến sự ổn định xã hội, để những người trẻ tuổi phải vật lộn kiếm việc làm sau khi họ ra trường không phải là điều mong muốn”, ông Roach cho biết.

mat viec vi phong toa anh 5

Sinh viên mới tốt nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề khi lệnh phong tỏa và biện pháp chống dịch khiến các doanh nghiệp đóng cửa. Ảnh: AP.

Những lời hứa hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp đại học của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào tháng 4 bao gồm kế hoạch giúp họ khởi nghiệp và trợ cấp các công ty tuyển thêm thực tập.

Thế nhưng, giờ đây, ngay cả công việc thực tập cũng khó có được. Để tăng khả năng trúng tuyển, Xu Yixing, sinh viên trường dạy nghề ở Thượng Hải, đã đề nghị làm việc không công nhưng vẫn bị nhiều nơi từ chối. Một công ty dược phẩm cuối cùng đã thuê anh nhưng cuối cùng anh vẫn bị sa thải khi Thượng Hải phong tỏa.

“Với dịch bệnh, có việc làm hay không phụ thuộc vào số phận”, anh Xu nói. "Bạn làm việc chăm chỉ như thế nào không quan trọng".

Nhiều cư dân Thượng Hải gào thét từ ban công Một đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy nhiều cư dân Thượng Hải gào thét từ ban công. Họ đã quá mệt mỏi với cảnh phong tỏa nghiêm ngặt, người quay video khẳng định.

Bí ẩn khó giải thích trong đợt bùng dịch ở Thượng Hải

Việc nhiều người mắc Covid-19 dù không ra khỏi khu phong tỏa, và nơi ở cũng không ghi nhận ca nhiễm trong nhiều ngày đã nêu bật khó khăn trong nỗ lực chống dịch của Thượng Hải.

Nhiều người tìm cách 'tháo chạy' khỏi Thượng Hải

Theo nhiều số liệu thống kê, các từ khóa tìm kiếm cách di cư tăng đột biến khi Trung Quốc thắt chặt biện pháp chống dịch, khiến cho nhiều người dân lâm vào cảnh khó khăn, bức bối.

Minh An

Bạn có thể quan tâm