Giữa chiều nắng gắt của Singapore, Raj, một lao động nhập cư người Ấn Độ, chợt thấy choáng váng khi phải vác những bao xi măng nặng trịch. Raj cố gắng tiếp tục nhưng chỉ vài phút sau, anh gục ngã và nôn mửa ngay giữa công trường.
“Tôi thấy cơ thể lịm đi. Đầu óc tôi quay quay, chân tôi cứ thế gục xuống”, Raj kể lại.
Một người lao động nhập cư ở Singapore. Ảnh: Nurphoto. |
Raj - ông bố có hai con - nằm trong số hàng triệu lao động nhập cư châu Á phải bán sức kiếm sống ở các công trường xây dựng, xưởng đóng tàu, mỏ khai khoáng, nông trại hay nhà máy. Họ phải chịu rủi ro lớn vì thường lao động nặng trong nhiều giờ dưới cái nóng và sự ẩm thấp, theo chuyên gia.
“Cái nóng làm tôi phát sợ nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi phải làm việc để nuôi gia đình”, Raj nói. Anh không dám tiết lộ cả họ tên vì sợ bị công ty và nhà chức trách Singapore gây khó dễ sau khi lên tiếng về điều kiện làm việc.
Lời khuyến cáo bất khả thi
Ngày càng nhiều nơi trên thế giới đang phải trải qua cái nóng chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Đối mặt với những đợt nóng ấy, chính phủ các nước cùng những tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc từng khuyến cáo người dân ở trong nhà và bật điều hòa để tránh đổ bệnh.
Nhưng lời khuyến cáo ấy là bất khả thi đối với những lao động nhập cư và những người lao động khác.
“Lao động nhập cư thường xuyên bị gạt ra khỏi các cuộc trao đổi về khủng hoảng khí hậu, dù rõ ràng họ là một trong những nhóm gặp rủi ro nhất”, Andy Hall, nhà nghiên cứu và chuyên gia về quyền lợi lao động nhập cư người Anh, nói.
Ông Hall nêu bật nỗi lo của nhiều lao động nhập cư đang làm việc tại công trường ở các nước như Singapore và Malaysia, trong đó có việc bị buộc phải làm việc ngoài trời bất chấp cái nóng cực đoan.
Người lao động nhập cư còn nói họ không được phép bước vào không gian công cộng có điều hòa như trung tâm mua sắm và những tòa nhà khác vì quy định cấm của chủ tòa nhà, ông Hall cho biết.
Thay vào đó, người lao động nhập cư phải tránh nóng ở các công viên, dưới tán cây hoặc gầm cầu.
“Họ không được lợi từ những giải pháp chống nóng vì các hạn chế mang tính hệ thống và thái độ phân biệt đối xử. Chuyện ấy rất đáng thất vọng. Sức khỏe của những người này trong khủng hoảng nắng nóng hiện tại cần phải được chú ý nhiều hơn”, ông Hall khẳng định.
Ahnaf, một lao động từ Bangladesh, kể anh thường phải chịu đựng 12 tiếng nắng nóng mỗi ngày khi làm cho đồn điền dầu cọ ở Malaysia, theo sau là những đêm nóng tới mất ngủ tại căn phòng ký túc chật chội, bí bức - nơi Ahnaf ở chung với 7 người khác.
Ông Jason Lee Kai Wei, chuyên gia thuộc Trường Dược Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho rằng việc thiếu các hệ thống làm mát tiện lợi như điều hòa là “vấn đề sống còn” đối với nhiều lao động nhập cư.
“Nếu điều kiện sống và làm việc không được cải thiện, họ có thể phải trả giá đắt bằng tính mạng”, ông Lee nói.
Ông Lee chỉ ra rằng vấn đề trên có sẵn các giải pháp mà chủ tuyển dụng có thể áp dụng, như đảm bảo giờ nghỉ ngơi cho người lao động nhập cư vào thời điểm nóng nhất trong ngày. “Vấn đề là rất nhiều nơi trong số ấy không có giải pháp cho người lao động”, ông nói.
Một người đàn ông vác cây quạt giữa đợt nắng nóng ở Kolkata, Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Sợ không dám nghỉ
Ông Jolovan Wham, nhà hoạt động vì quyền lợi của lao động nhập cư hàng đầu tại Singapore, chỉ ra rằng trong những đợt nhiệt gần đây, chính quyền đảo quốc không hề áp “lệnh tạm ngừng làm việc” dành cho lao động nhập cư.
“Vì vậy, phía công ty vẫn có thể yêu cầu người lao động tiếp tục làm việc kể cả khi nhiệt độ cao hơn bình thường”, ông Wham nói. “Người lao động không dám lên tiếng về điều kiện làm việc vì họ sợ”.
Chia sẻ với CNN, ông Li, chủ một công ty xây dựng ở Singapore, cho biết nhiều người lao động nhập cư trong công ty mình chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì nắng nóng.
Ông Li nói những người này được cho nghỉ ngơi hợp lý nhưng họ vẫn phải tuân thủ các quy định chính thức khác, bao gồm việc phải mặc đồ bảo hộ nặng như mũ bảo hiểm và giày cao su đế dày. Những món đồ này thường khiến nhiệt độ bị tích tụ.
“Mọi thứ cứ tích tụ dần lại”, ông Li nói. “Nhiệt độ không tản đi, gây ảnh hưởng tới hiệu suất tổng thể. Trong khi đó, chúng tôi vẫn cần hoàn thành dự án”.
Lao động nhập cư tại một công trường ở Singapore. Ảnh: AFP. |
Giới khoa học cho rằng chính phủ các nước trên toàn thế giới cần ưu tiên giúp nhóm người dễ tổn thương tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ làm mát.
“Việc giới hạn khả năng tiếp cận không gian mát mẻ của người dễ tổn thương như người lớn tuổi, người khuyết tật và lao động nhập cư - những người vốn đã dành phần lớn thời gian làm việc ngoài trời - là điều rất tồi tệ khi các làn sóng nhiệt càn quét”, Winston Chow, giáo sư thuộc Trường Nghiên cứu Liên ngành, Đại học Quản lý Singapore, nói.
Quay trở lại câu chuyện của Raj, sau khi có triệu chứng sốc nhiệt, anh đã được đưa tới bệnh viện gần công trường. Sau một tiếng ngồi chờ trong phòng có điều hòa, anh được chẩn đoán không có vấn đề sức khỏe.
“Không khí lạnh trong phòng khiến tôi thấy khỏe hơn hẳn”, Raj kể. “Lần cuối cùng tôi được tận hưởng cái lạnh điều hòa là khi ở trên máy bay tới Singapore”.