Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ngôi nhà cao tầng chênh vênh mọc trái phép mép sông Cầu

Tình trạng xây nhà trên đê, mái đê sông Cầu (Bắc Ninh) đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng rất lớn tới hành lang thoát lũ.

Thời gian gần đây, tình trạng sụt lún ở bờ sông Cầu, đoạn thuộc phường Vạn An, TP Bắc Ninh, diễn ra khiến nhiều công trình nhà ở bị trôi xuống sông, gây thiệt hại lớn.

Song Cau Bac Ninh anh 1

Ngôi nhà 5 tầng đang xây dựng ở xã Tam Đa chỉ cách mép nước khoảng 10 m.

Chính quyền địa phương đã phải di dời khẩn cấp người dân ra khỏi các ngôi nhà có nguy cơ sụt lún cao, đồng thời đang tháo dỡ 10 ngôi nhà bị ảnh hưởng sạt lở.

Cách đó khoảng 5 km, tại xã Tam Đa (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) tình trạng xây dựng trái phép, lấn hành lang thoát lũ sông Cầu vẫn đang diễn ra, gây nguy hiểm cho chính người dân sử dụng công trình đó.

Ghi nhận của VietNamNet cho thấy, dọc tuyến đê hữu sông Cầu từ đoạn thuộc địa phận xã Tam Đa (huyện Yên Phong) đến khu vực xảy ra sụt lún của phường Vạn An (TP Bắc Ninh) hiện có hàng loạt công trình xây dựng lấn chiếm hành lang thoát lũ, ảnh hưởng an ninh đê điều.

Cụ thể, một ngôi nhà 5 tầng ở xã Tam Đa đang xây dựng, chỉ cách mép nước khoảng 10m. Khi nước lên, khoảng cách này còn rút ngắn hơn, nguy cơ mất an toàn rất cao.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết, ngôi nhà 5 tầng trên không có sổ đỏ, vì thế cũng không có căn cứ để xin cấp giấy phép xây dựng. Ngôi nhà được xây dựng trên nền móng của nhà cũ và có cơi nới thêm. Chủ nhà đã ở khu vực này từ rất lâu nên chính quyền địa phương khó xử phạt.

Theo ông Hải, xã Tam Đa có rất đông người dân sinh sống dọc hai bên bờ đê. Qua nhiều thế hệ, dân số gia tăng nên nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân ngày càng lớn.

“Thời điểm các hộ dân xây dựng nhà ở dọc bên đê nhiều nhất là từ năm 2016 - 2019. Gần đây có tiếp tục phát sinh nhưng không rầm rộ. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền và nhắc nhở người dân không xây dựng cơi nới. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn có nhiều hộ dân không chấp hành, vi phạm trật tự xây dựng”, ông Hải giải thích.

Song Cau Bac Ninh anh 2

Trên mái đê hữu Cầu đoạn qua xã Tam Đa, người dân xây nhà san sát.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Đàm Phương Bắc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh cho biết, theo thống kê từ năm 2021 đến nay có 58 công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ ở xã Tam Đa.

“Xã Tam Đa là làng cổ, hình thành từ hàng trăm năm trước. Thời gian gần đây, chúng tôi phát hiện nhiều ngôi nhà xây mới nên ngay lập tức phản ánh cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý không triệt để dẫn tới việc người dân xây lên những ngôi nhà 4-5 tầng, gây hệ luỵ xấu”, ông Bắc cho biết.

Ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh cho biết thêm, tình trạng xây dựng trên mái đê sông Cầu đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để. Xây nhà trên nền đất yếu tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang xảy ra trên địa bàn huyện Yên Phong và TP Bắc Ninh, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo ông Trình, ngoài việc các hộ dân xây dựng trên mái đê sông Cầu, tại khu vực này còn có tình trạng các hộ dân làm thuyền, neo đậu trên sông để sinh sống.

“Người dân xây nhà trên mái đê và neo đậu thuyền dưới sông Cầu ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy của sông, chúng tôi đã nhiều lần ý kiến với tỉnh Bắc Giang vàBộ NN&PTNT, thế nhưng đến nay vẫn vậy, không có tiến triển gì”, ông Trình nói.

Song Cau Bac Ninh anh 3

Nhiều thuyền nổi neo đậu cũng làm ảnh hưởng đến dòng chảy.

Song Cau Bac Ninh anh 4

Phía bên kia sông là làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà, tỉnh Bắc Giang, có mật độ dân số 20.000 người/km2. Diện tích đất nhỏ hẹp, người dân phải xây dựng nhà ra sát mép sông.

Song Cau Bac Ninh anh 5

Hiện tại, dự án xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đê hữu Cầu, phường Vạn An, đang được triển khai, đạt 80% khối lượng.

Song Cau Bac Ninh anh 6

Vị trí 6 nhà dân ở phường Vạn An bị sụt lún xuống sông Cầu.

Ngoài ra, tại Bắc Giang, ông Nguyễn Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) cho biết, thôn Nguyệt Đức có 186 hộ với trên 700 nhân khẩu, đều sống trên thuyền dưới lòng sông Cầu.

Từ nhiều năm trước, người dân thôn Nguyệt Đức sống bám vào sông nước. Nhiều nhà đã làm thuyền và sống neo đậu dưới sông. Hiện tại, tỉnh Bắc Giang và thị xã Việt Yên đang phối hợp với Bộ NN&PTNT để tháo gỡ những khó khăn này.

Bắc Ninh đề xuất tháo dỡ tất cả nhà đã sụt lún ở bờ sông Cầu

Chi cục Thủy lợi đề xuất TP Bắc Ninh cho tháo dỡ tất cả nhà đã sụt lún, để hạn chế sạt lở diễn ra tại bờ sông Cầu, phường Vạn An.

Sau công bố khẩn cấp, thêm 5 nhà dân bị sạt lở xuống sông Cầu

5 nhà dân ở phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) vừa bị sạt lở xuống sông Cầu. Thành phố Bắc Ninh đã di tản nhiều hộ dân ở khu vực này để đảm bảo an toàn.

Người dân bàng hoàng kể lại phút ngôi nhà bị sông Cầu 'nuốt chửng'

Vào khoảng 2h ngày 7/4, người dân nghe thấy tiếng động lớn. Họ hoảng sợ khi phát hiện ra ngôi nhà của mình đang bị sạt lở xuống sông.

Sách hay về môi trường

How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến ​​thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.

We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.

https://vietnamnet.vn/nhung-ngoi-nha-cao-tang-chenh-venh-moc-trai-phep-ben-mep-song-cau-2269939.html

Bảo Khánh/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm