Lễ Quốc tang hiện được quy định tại Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, Lễ Quốc tang được thực hiện dưới sự chỉ đạo, tổ chức của Ban Lễ tang Nhà nước và Ban Tổ chức lễ tang.
Tại Điều 7 của Nghị định quy định, Ban Lễ tang Nhà nước do Bộ Chính trị thành lập, từ 25 - 30 thành viên đại diện Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương, cơ quan nơi người từ trần đã hoặc đang công tác, đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quê hương, hoặc nơi sinh của người từ trần.
Thời gian tổ chức Lễ Quốc tang được quy định là 2 ngày và trong thời gian này các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
Địa điểm tổ chức Lễ Quốc tang là tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội đối với những người từ trần tại Hà Nội. Đối với những người từ trần tại TP.HCM sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175, hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn.
Hoạt động của Lễ Quốc tang bao gồm Lễ truy điệu, Lễ đưa tang, Lễ hạ huyệt. Tại Lễ truy điệu, Trưởng ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ Truy điệu, còn Trưởng ban Lễ tang Nhà nước đọc lời điếu và tuyết bố phút mặc niệm. Tác phẩm “Hồn tử sĩ” sẽ được cử hành trong khi mặc niệm.
Ban Tổ chức Lễ tang cũng do Bộ Chính trị quyết định thành lập, từ 15 - 20 thành viên. Ban Tổ chức Lễ tang có nhiệm vụ giúp cho Ban Lễ tang Nhà nước trong việc điều hành các cơ quan là thành viên Ban Tổ chức Lễ tang, các cơ quan tham gia tổ chức Lễ Quốc tang.