Một giờ chiều, một chiếc xe cứu thương xuất hiện trước cổng căn biệt thự gia đình ông Trương. Họ đến để thông báo rằng kết quả xét nghiệm Covid-19 lần thứ hai của Tony khẳng định anh đã nhiễm bệnh và rằng ông bà Trương và Hoàng Cúc có hai tiếng đồng hồ để thu xếp hành lý đi cách ly tập trung. Chị giúp việc, vì không tiếp xúc trực tiếp với Tony, sẽ bị cách ly tại nhà.
Tiểu thuyết Những ngày cách ly. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Khu cách ly
Hơn một tiếng sau, ông bà Trương và Hoàng Cúc, mỗi người mang theo một cái va li to, lặng lẽ theo nhóm người kia ra xe. Chiếc xe chuyển bánh chạy về phía phố Văn Cao rồi theo tuyến phố Liễu Giai, Trần Duy Hưng hướng về phía đại lộ Thăng Long.
Tại vùng ngoại ô phía tây Hà Nội cách ngôi biệt thự của gia đình ông Trương chừng 45 km, khu cách ly tập trung dành cho người nghi nhiễm Covid-19 nằm trong khuôn viên của trường Quân sự số 3 đã được lệnh tiếp nhận thêm những ca mới.
Đây vốn là ký túc xá của học viên trong trường đã được chuyển đổi chức năng để tiếp nhận người cách ly đến từ một vài tỉnh phía bắc. Việc giảng dạy phải tạm ngừng. Nhiều học viên trở thành tình nguyện viên phục vụ ngay tại khu cách ly.
Hơn hai giờ chiều. Trên sân có một hàng dài chừng ba mươi người đang chờ làm thủ tục cách ly. Mặt trời chênh chếch hắt bóng họ đổ dài về một phía trên nền xi măng thành một hàng dài nữa những hình thù kỳ quái. Đủ cả nam nữ, già trẻ và cứ nhìn vào bộ dạng bên ngoài thì có thể đoán rằng họ thuộc về những tầng lớp xã hội khác nhau; có cả một nhóm người Hàn Quốc và mấy người da trắng - có lẽ họ là khách du lịch.
Điểm chung duy nhất ở họ là vẻ âu lo ủ rũ hiện rõ trong hai con mắt lộ ra bên trên chiếc khẩu trang. Sau lưng và phía bên tay phải của họ, trên những dãy hành lang các tầng, rất nhiều người đứng ngó xuống, bình thản quan sát những người mới đến và mường tượng lại những gì mà bản thân họ đã trải qua mấy ngày trước.
Giữa sân là một đống va li, ba lô, túi xách cũng thập cẩm hổ lốn như dòng người đang xếp hàng kia. Một nhân viên trong bộ đồ bảo hộ y tế trong suốt và kín mít như cái áo mưa trùm kín từ đầu xuống chân, cõng trên lưng cái bình khí nén đựng thuốc sát trùng, một tay liên tục vung vẩy thanh kim loại dài mà từ một đầu của nó đang tóe ra những dải như sương mù trùm lên đống hành lý. Mùi cloramin B xông lên nồng nặc.
Dòng người nhích dần về phía chiếc bàn gỗ dài kê dưới một chiếc ô màu xanh lục to cỡ cái giường đôi. Bên chiếc bàn gỗ, ba nhân viên đang làm thủ tục cho những người cách ly mới đến. Người ngồi ngoài cùng bên phải có dáng người rắn rỏi và cao hơn hẳn, bộ quân phục màu xanh lục với những đường cắt khỏe khoắn cùng đôi ngù vai thẳng tắp vẫn hiện lên dưới lớp vải nhựa trong suốt. Đó chính là Tuấn. Tuấn vốn là học viên tại trường và là một trong số những người tình nguyện ở lại khu cách ly.
Khu cách ly. Ảnh: Báo Dân trí. |
Một thế giới khác
Bảy giờ tối, có loa báo phát cơm. Lúc này, Tuấn được phân công đi mang cơm tới các phòng. Anh cùng với Linh - một nữ nhân viên y tế - đẩy chiếc xe inox hai tầng chất đầy các hộp xốp màu trắng từ nhà bếp về phía cuối dãy nhà A. Tới phòng cuối, phòng A1, Linh đã phát bốn hộp cơm. Còn hai hộp cơm trên tay, cô trao một hộp cho cô gái từ nãy đến giờ vẫn lặng lẽ ngồi trên chiếc giường đầu tiên bên trái cửa ra vào.
Dù cô ta đeo khẩu trang nhưng Tuấn vẫn nhận ra đó là người cuối cùng làm thủ tục hồi chiều. Tuấn vẫn nhớ tên cô bởi anh là người nhập số liệu vào máy tính và cũng bởi đó là cái tên rất đẹp - Lê Nguyễn Hoàng Cúc. Hoàng Cúc nhận hộp cơm và đặt luôn xuống giường vẻ thờ ơ. Đồ đạc, va li của cô vẫn để cạnh giường - cô vẫn chưa chịu cất chúng vào chiếc tủ dành cho mình.
Trong phòng mình, bà Trương đã sắp xếp đồ đạc thật gọn ghẽ. Bà thấy căn phòng tuy đơn giản nhưng rất sạch sẽ. Phòng của bà, cũng như cả năm phòng trong dãy nhà này đều có nhà tắm bên trong nên rất tiện. Đương nhiên ngôi biệt thự của gia đình bà là một thế giới hoàn toàn khác, thế nhưng bà thấy việc phải sống ở đây mười bốn ngày cũng chưa phải cái gì có thể được gọi là một cuộc thử thách.
Bà Trương lần lượt mở hai cái hộp xốp: cơm, đậu cô-ve xào thịt bò, trứng rán, ngăn nhỏ xíu đựng nước mắm và có cả một quả ớt. Canh rau ngót nấu với thịt nạc băm thì được đựng trong cốc nhựa kèm theo tráng miệng là một quả chuối. Nhìn hai suất cơm tự dưng bà thấy ái ngại. Bà quay sang nhìn chồng mình đang ngồi tư lự trên chiếc ghế nhựa và nhìn ra ngoài cửa. Đoạn, bà bưng một hộp cơm ra và đưa cho ông. Ông Trương chỉ lắc đầu mà chẳng buồn nói năng gì.
“Ông cố ăn một chút!”, bà Trương nói với chồng. “Trưa nay đã không ăn gì rồi”.
Ông Trương vẫn không nói gì. Từ một doanh nhân quảng giao, hoạt bát, ông Trương bỗng trở nên lầm lì, chỉ ngồi đăm đăm nhìn ra cửa. Từ lúc vào đây đến giờ, ông không hề bước chân ra ngoài. Theo quy định trong khu cách ly thì tất cả những ai ra khỏi phòng đều phải đeo khẩu trang mà ông Trương thì nhất quyết không chịu đeo cái vuông vải con con ấy lên mặt.
Đối với những người quen ra lệnh như ông thì thật khó để quen với việc nghe theo lệnh của người khác. Hơn nữa, ông còn bất mãn vì họ đã không chịu để gia đình ông tự cách ly tại nhà - trong ngôi biệt thự đồ sộ ấy. Ông có thể trả lương cho cả đội ngũ nhân viên y tế và an ninh, có thể chịu bất kỳ thứ chi phí nào nảy sinh mà thậm chí trả cao hơn nhiều lần là đằng khác.
Ông không thể hiểu nổi tại sao gia đình ông lại bị đưa tới cái xó xỉnh này. Cứ nhắm mắt là ông lại thấy ngôi biệt thự với căn phòng tiệc hình tròn và cái vòm trần cao vút, một nơi cách ly còn hơn cả hoàn hảo.
Ông Trương thường nói đùa với con gái rằng đời là một cuộc dạo chơi trên con tàu lượn siêu tốc trong một công viên giải trí; nắm được quy luật cuộc chơi sẽ nắm được tất cả. Từ trước tới nay, ông vẫn luôn nắm được vận mệnh trong tay. Thế nhưng, biến cố bất ngờ này hoàn toàn nằm ngoài những toan tính của ông.
Đọc sách báo trong khu cách ly. Ảnh: Tạp chí Lao động và Công đoàn. |
Sáng hôm sau, Hoàng Cúc dậy sớm hơn thường lệ. Đêm trước đó mất ngủ và một ngày dài với những cơn xúc động khiến đêm qua cô thiếp đi lúc nào không hay. Hầu hết mọi người trong khu cách ly đều dậy sớm. Có lẽ ai cũng mong cho ngày cũ chóng qua; họ chờ đón ngày mới sẽ mang tới một điều gì đó mới mẻ, một cái gì khác với hôm qua.
Những người cách ly cũ xem chừng đã bắt kịp với nhịp sống mới. Họ bắt đầu ngày mới một cách thật thư thái. Dọc theo lối đi nhỏ giữa vườn hoa có mấy bác trung tuổi vừa đi bộ vừa vung vẩy đôi tay thật mạnh. Mấy bác nữa đang đánh cầu lông chỗ sân bóng chuyền. Vài anh thanh niên chạy xung quanh sân xi măng, không biết là vòng thứ bao nhiêu.
Dọc theo dãy hành lang, rất nhiều bạn trẻ ngồi đọc sách hoặc bận rộn với chiếc điện thoại trên tay. Quang cảnh chẳng khác nào trong một khu chung cư hay một góc công viên giữa lòng Hà Nội.