Ở khu cách ly, cũng là thời gian giúp chúng ta nhìn lại chính mình, có những trải nghiệm khó quên trong đời và sống chậm lại, chiêm nghiệm nhiều hơn.
Thích nghi vốn là khả năng tuyệt vời của con người
Ở khu cách ly không có máy giặt. Các học viên trong trường trước đây đều giặt giũ ở bể nước công cộng. Từ nhỏ, Hoàng Cúc chẳng bao giờ phải giặt quần áo bằng tay. Hoàng Cúc đứng nhìn, lần đầu cô thấy mẹ giặt quần áo bằng tay. Cô ngồi xuống cạnh mẹ:
“Mẹ! Để con làm với!”.
“Thôi cô ạ!”, mẹ cô đùa. “Ngày mẹ bằng con bây giờ cũng đã làm gì có máy giặt. Hồi đó mẹ cũng tự giặt quần áo cho mình”.
“Lại “thời-bao-cấp” hả mẹ?”, Hoàng Cúc cũng nói đùa.
“So với thời đó thì như thế này vẫn còn sướng chán con ạ! Này! Con phải cố ăn uống đấy nhé!”.
“Con biết rồi!”.
“Cố lên con ạ! Đằng nào thì cũng chỉ hai tuần ở đây thôi! Coi như một trải nghiệm mới mẻ”.
Buổi tối trong khu cách ly, không khí nhộn nhịp không ngờ. Các cô các bác có tuổi đi quanh vườn hoa tập thể dục. Thanh niên thì mang ghế ra hành lang hoặc xuống sân ngồi la liệt thành từng nhóm chuyện trò, hát hò.
Ngày hôm sau trôi qua cũng không có gì khác thường. Dường như những người mới đến đã bớt lo lắng hơn. Vài câu trò chuyện với những người đã ở đây từ trước cũng phần nào khiến họ cảm thấy yên tâm. Họ cũng nhận thấy rằng tốt hơn nên làm quen với hoàn cảnh mới hơn là lảng tránh nó.
Vả chăng, thích nghi vốn là một khả năng tuyệt vời của con người. Thỉnh thoảng, từ một phòng nào đó trên tầng hai lại vọng xuống tiếng hát và tiếng đàn ghi ta.
Buổi chiều, phía sân bóng chuyền có mấy người đứng. Họ đang cổ vũ cho một trận đấu đặc biệt, mỗi đội chỉ có hai người và vẫn đeo khẩu trang. Một đội gồm hai nhân viên khu cách ly và đội kia gồm hai người cách ly đang chơi rất hăng say.
Cô cũng đến đó và đứng cùng chỗ với mấy người đang nhiệt tình cổ vũ cho cả hai đội. Trên ban công các tầng cũng có những người cổ vũ từ xa; những tiếng xuýt xoa và bình luận thỉnh thoảng vọng lại. Ai cũng vui. Rồi thì cái không khí sôi nổi ấy lan cả sang Hoàng Cúc lúc nào không hay. Cô cũng nhiệt tình cổ vũ.
Tối hôm ấy, Hoàng Cúc chạy sang phòng bố mẹ rất sớm. Bố mẹ cô đang ngồi mỗi người một giường. Ông Trương ngạc nhiên trước vẻ tươi tỉnh hiện rõ trên nét mặt con gái. Cô đến bên và ôm lấy vai bố.
“Bố!”, Hoàng Cúc ôm cổ bố. “Mấy hôm bố ăn được không?”.
“Mấy hôm bố con có ăn uống gì đâu!”, bà Trương trả lời thay cho chồng; từ hôm vào đây ông Trương mất hẳn thói hay nói. “Mẹ chỉ sợ bệnh tim của bố tái phát”.
“Hôm đi mẹ có mang thuốc cho bố không?”, Hoàng Cúc hỏi mẹ.
“Có! Dạo này bố không phải dùng thuốc nhưng mẹ vẫn mang dự phòng”.
“Bố phải chịu khó ăn vào mới giữ được sức khỏe chứ”.
“Đấy! Ông nghe con nói chưa?”, bà Trương quay sang nói với chồng. “Còn có mấy ngày nữa thôi. Ông phải khỏe để còn về nhà chứ!”.
Bà Trương nói rồi quay lại nhìn con gái. Bà không hiểu vì sao hôm nay trông cô tươi tỉnh như vậy nhưng bà vẫn thấy nhẹ lòng. Ông Trương cũng nhìn Hoàng Cúc. Ông đang tự hỏi tại sao cái cô tiểu thư hay nhõng nhẽo này lại có cái vẻ vững vàng đến thế khi ở một nơi mà ông cứ chắc là nửa ngày cũng là quá sức chịu đựng của nó?
Từ nhỏ, con bé được nâng còn hơn nâng trứng. Ông không thể tưởng tượng được con bé sẽ ra sao nếu thiếu đi những tiện nghi nó gắn bó bấy lâu. Ấy thế mà giờ đây, giữa một nơi như thế này, nó lại đang động viên ông. Có nhiều thứ ông không thể tin kể từ khi vào khu cách ly này.
“Con cầm cái gì thế?”, ông Trương hỏi và nhìn nắm lá trong tay Hoàng Cúc, dài và xanh như lá hoa cúc.
“Lá ngải cứu bố ạ!”, Hoàng Cúc trả lời bố rồi quay sang nói với mẹ. “Mẹ! Tối con xin nước nóng rồi bỏ lá vào cho bố ngâm chân cho dễ ngủ nhé!”.
“Bố nhà cô, giờ cũng biết lo cho người khác đấy!”, bà Trương mắng yêu con gái.
“Con lấy lá này ở đâu vậy? Mà sao con biết công dụng của nó?”, ông Trương vẫn không hết ngạc nhiên.
“Ông!”, bà Trương nói với chồng. “Đây là bài thuốc dân gian. Nhà ta quen dùng thuốc tây rồi nên ông quên mất thôi”.
Tiểu thuyết Những ngày cách ly. Ảnh: Trần Đình Ba. |
"Mọi việc không tồi tệ như chúng ta nghĩ"
Với những người đang được cách ly tại đây thì mỗi lần có người mới tới đều là một sự kiện. Mỗi lần như thế chẳng ai bảo ai, mọi người đổ ra hành lang trước cửa phòng mình và trông xuống cái sân xi măng. Nhìn họ như những đám đông trên khán đài của một sân vận động đang theo dõi một sự kiện nào đó.
Điều thú vị là ở đây, họ đang chứng kiến việc mà chỉ vài ngày trước thôi, họ đã từng là những nhân vật chính trong đó, chẳng khác gì như họ được xem lại một phần cuộc đời của chính mình tái diễn trên sân khấu thực cảnh. Hoàng Cúc cũng đứng dựa vào cái cột bê tông ngoài hành lang trước cửa phòng mình và lơ đãng quan sát những gì đang diễn ra trước mắt.
Những người cách ly lần này đa phần là những du học sinh, những người đi du lịch hay công cán nước ngoài vừa đáp xuống sân bay Nội Bài. Theo quy định mới tất cả đều bị đưa về các khu cách ly tập trung. Có hai mươi tám người tất cả.
Mọi việc lại diễn ra y như ngày đầu Hoàng Cúc tới: Vẫn hàng người với vẻ mặt lo âu lặng lẽ di chuyển; cũng một đống hành lý chất giữa sân và những dải sương nồng nặc mùi thuốc sát trùng tóe ra từ đầu cái cán inox dài vung vẩy trong tay nhân viên y tế.
Những người cách ly đa phần là những du học sinh, người đi du lịch hay công cán ở nước ngoài. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Dường như trục thời gian vừa bị đảo ngược và không phải Hoàng Cúc đang đứng nhìn những người mới tới mà cô đang sống lại hôm đầu tiên gia đình cô tới đây. Từng phút, từng phút, những sự việc cứ lặp lại theo đúng diễn tiến cũ. Điều khác biệt duy nhất là cô có thể quan sát mọi chuyện từ một góc nhìn toàn cảnh, quan sát cả chính mình và bố mẹ.
Hoàng Cúc thấy mọi thứ không còn cái vẻ kinh khủng nữa. Và nếu có ai đó trong số những gương mặt lo âu xung quanh hỏi Hoàng Cúc “Tôi biết phải làm gì bây giờ?” thì cô sẽ trả lời rằng “Hãy bình tĩnh! Mọi việc không tồi tệ như chúng ta nghĩ!”.
Phải chăng, chỉ cần có độ lùi của thời gian và thứ có tên “trải nghiệm”, ta có thể sẽ nhìn sự việc bằng một con mắt hoàn toàn khác? Khi ấy, những gì được gọi là “bi-kịch”, là “không-thể-tưởng-tượng-nổi” bỗng chốc trở nên một chuyện tầm phào?
Bỗng có tiếng ồn ào cắt ngang dòng hồi tưởng của Hoàng Cúc. Thì ra có một cậu thanh niên không chịu nhận phòng. Cậu ta đang gọi điện cho bố, nói rằng không thể chấp nhận điều kiện sống ở đây và chuyện vệ sinh tắm rửa chung.
Cô thấy cậu thanh niên đang xăm xắn đi lại ngoài hành lang, nói oang oang với chiếc điện thoại. Cậu ta nói chuyện với bố nhưng dường như là để cho mọi người xung quanh nghe, để biết rằng cậu ta là ai, hay nói cho đúng hơn là để biết bố cậu ta là ai, một ông cán bộ cấp huyện nào đó.
Cuối cùng, đích thân đại úy Hào phải xuống tận nơi để giải quyết. Rồi tất cả những người cách ly mới đều đã được sắp xếp chỗ ở. Mọi việc trong khu trung tâm lại trở lại bình thường.