Lúc còn mười mấy hai mươi tôi cứ nghĩ mình phải đi khắp nơi. Phải tận mắt nhìn thấy những khung cảnh hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất. Tôi đi với nhiều hội nhóm, nhiều bạn bè. Tôi chỉ mong danh sách những điểm đến của mình ngày một đầy lên. Mỗi khi ngồi ở thành phố, lại chỉ mơ tưởng đến những miền lang thang xa xôi.
Tự bản thân nghĩ rằng mọi thứ đều ở phía trước. Cho đến ngày tôi gặp những người bạn ấy. Những người thường rủ tôi lên núi mùa đông.
Núi mùa đông đẹp như một bức tranh. Những vùng đất đã đi qua như Tam Đảo, Mộc Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Sa Pa... Những miền ủ trong làn sương giá ấy thật dễ khiến tâm hồn chúng tôi choáng ngợp, ngây ngất.
Ngày ấy chúng tôi dường như không sợ gì cả, cứ leo lên xe máy, chạy qua bao đồi núi, rồi khi đã mệt có thể dừng lại, chọn một nơi, cắm trại, và thưởng thức cái không khí vốn chẳng bao giờ có thể gặp được nơi thị thành.
Núi mùa đông đẹp như một bức tranh. |
Đêm trên núi, mùa đông rét cắt da cắt thịt. Mấy đứa xúm nhau ngồi quanh đống lửa bập bùng, dựa dẫm người bên cạnh. Tiếng cười rộn lên trong không khí ấy. Bao nhiêu chuyện riêng tư thường ngày giấu kín, cũng nương vào không khí ấy mà giãi bày. Lúc ấy, dưới bầu trời đêm, tự do, mênh mang, chúng tôi đã thật thà biết bao nhiêu. Từng giọng nói cất lên, đều bao trùm ấm áp, chất chứa rộn ràng. Thật kỳ lạ.
Hồi ấy, mùa đông đi xa, tôi vẫn thường nghe Joni Mitchel và Leonard Cohen. Tôi vốn chỉ thích âm nhạc một mình. Tức là mở máy nghe nhạc, hoặc laptop và cắm headphone, cứ thế để mình trôi trong những miền lưu lạc, chỉ có âm nhạc, và miền tưởng tượng của tôi.
Nhưng giữa những đêm mùa đông năm hai mươi ấy, tôi đã chia âm nhạc của tôi cho những người bạn cùng tôi trên núi. Đêm ngồi trong rừng, tôi nhớ từng có lần chúng tôi đã nghe đi nghe lại bản Hallelujah của Cohen, cho đến tận khi điện thoại của tôi hết pin. Chúng tôi khi ấy lặng yên, chỉ còn âm thanh của thứ âm nhạc vẫn còn vang vọng như từ trong thẩm sâu trong rừng.
Thỉnh thoảng giữa những lặng yên, giữa những bập bùng, giữa biết bao nhiêu câu chuyện vụn vặt, cả đám lại cười rũ ra vì vài câu chuyện phiếm, hay khi mấy đứa Đ, N, T lại lấy V làm đối tượng “mua vui”. Không phiền muộn, không giận hờn, không âu lo. Chúng tôi vào khoảnh khắc ấy, chân thành và trong sáng.
Ở trên núi, đêm lạnh căm căm, thật khó ngủ. Vậy nên giữa chập chờn ấy, chúng tôi thỉnh thoảng thêm củi vào đống lửa, thỉnh thoảng bật dậy, kêu “lạnh quá, lạnh quá”, rồi lại vội vã chui vào túi ngủ. Cứ thay phiên nhau, để lửa có thể cháy suốt đêm.
Sáng mở mắt ra, chỉ nhìn thấy xung quanh là núi rừng xanh ngắt, lại thêm bên cạnh gương mặt bạn bè, bình thường chẳng khi nào uống café hòa tan, nhưng giữa rừng, nấu nước bằng bếp củi, lắc cafe bằng chai, bỗng thấy café hòa tan thơm lừng, đậm đà và ấm áp.
Có thể cùng bạn bè lúc đó, ngắm mặt trời mùa đông bừng tỉnh từ sau núi, lại hít hà hơi sương giá, thật là khiến tâm hồn rộn ràng. Ký ức về tuổi trẻ, dường như gom góp nhiều trong những ngày ấy.
Thuở mùa đông ấy ngắm bình minh bồng bềnh lộng lẫy để quên hết nỗi đau, và bếp lửa là điều rực rỡ ấm áp nhất. Tôi không còn tìm kiếm sự phiêu lưu trên nhiều chuyến đi mới, tôi đi đi đi lại một nơi cũ nhiều lần, miễn là cùng những người bạn thân mến của tôi.
Lúc ấy tôi mới biết, cái rộng mở khiến bản thân thỏa chí hạnh phúc lại chính là bếp lửa quây quần bên vài gương mặt bạn bè. Những người đã khiến mùa đông đi miền núi đã trở thành niềm hạnh phúc vô cùng, như tranh vẽ, lặng lẽ cứ ấm áp dần lên.
Những ngày đã qua, tuổi trẻ đã qua, khoảnh khắc đã qua, chỉ còn ký ức mà thôi. |
Những người thuở ấy, trong ấy có tôi, bây giờ đã vất mình vào những tòa nhà cao ốc, những bữa tiệc sang trọng, những buổi hội vũ bên phương trời khác.
Mỗi khi thành phố vào đông, tôi không thể nào ngừng nghĩ về những chuyến đi núi mùa đông đã qua. Cohen cũng đã ra đi vào mùa đông rồi. Tôi tự hỏi, bạn tôi, còn ai buổi chiều ngẩn ngơ ngồi hát, Halelujah, Halelujah nữa không?
Tuổi trẻ đã qua nhanh như một giấc mộng. Hôm nay khi gió lạnh về, tôi bước vào quán café quen nằm trong một góc nhỏ của thành phố, tôi chợt nghe thấy những lời hát của Those were the days vang lên, từ chiếc máy hát cũ của chủ quán.
Thật đúng lúc nhỉ! Những ngày đã qua, tuổi trẻ đã qua, khoảnh khắc đã qua, chỉ còn ký ức mà thôi.
Ấy là cái dư âm khiến ký ức rực rỡ của ngày ấy sống dậy, vẫn nồng đượm say mê như thuở ban đầu. Nó nhắc tôi về những năm tháng này, tôi tưởng rằng, tôi đang trưởng thành, tôi có một công việc ổn định, tôi có một gia đình, tôi đi chơi một vài nơi, đến những quán hàng sang trọng, nhưng thực chất, lời Mary Hopkin hát trong bài hát, cũng như đang nói với tôi, với chúng tôi: “Ôi, bạn của tôi ơi, chúng ta già đi nhưng chẳng khôn ngoan hơn”. Chúng ta chỉ tưởng như vậy thôi.
Một mùa đông lại về trong phố, lạnh giá, hanh hanh, thành phố luẩn quẩn vẫn từng ấy ngóc ngách, đi hoài không hết, nhưng đi hoài lại thường dễ khiến chúng ta nhớ lại những chuyện đã qua. Tôi cũng có giấc mơ của riêng tôi, giấc mơ ấm áp về một bếp lửa, ngồi bên nhau, tựa vai nhau, thủ thỉ những mộng mơ. Nhưng, chúng tôi đã đi qua giấc mơ ấy rất xa rồi.
Dẫu vậy, những ấm áp nhỏ nhắn ấy cứ như một chiếc kỷ vật, tôi đang nâng niu cất giữ, như chữ của Orhan Pamuk dùng là gom góp thành “bảo tàng” của một đời người.