Những môn thi đấu 'độc' và 'lạ' tại SEA Games 26
Đánh bài Bridge, trượt patin, leo tường, bay dù lượn hay chơi cờ tưởng, cờ Đông Nam Á là những môn thể thao "độc nhất vô nhị" ở SEA Games năm nay. Vì thế, các đoàn thể thao cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán với công tác tổ chức của Indonesia.
>> Những ‘gia đình vàng’ của thể thao Việt Nam
>> ĐT xe đạp Việt Nam tá hỏa vì bị Indonesia chơi xấu
>> Các VĐV bắn súng 'mệt lử' vì chủ nhà Indonesia
>> Học đánh bài để... dự SEA Games
>> Bị cắt môn thế mạnh, Việt Nam vẫn ‘nhắm’ top 3 SEA Games 26
>> Pencak silat VN lo ngại vấn đề trọng tài ở SEA Games 26
Trong quá trình phê chuẩn các môn thi đấu tại SEA Games, BTC luôn phải cân đối giữa những môn cơ bản của Olympic, những môn thường thi đấu tại ASIAD, những môn đặc trưng của khu vực và những môn “mới” để phát triển. Theo tiêu chí đó, SEA Games 26 giống như ngày hội thể thao Indonesia mở rộng.
Đánh bài (Bridge)
Lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games đánh bài được đưa vào danh sách các môn thi đấu chính thức. Thậm chí, tại SEA Games 26 năm nay, môn thể thao mới lạ này có đến 9 bộ huy chương. Đến giờ, chưa ai có thể hình dung môn này thi đấu như thế nào dù ở Việt Nam nó đã có lịch sử phát triển hàng nghìn năm với đủ các thể loại, hình thức.
Các VĐV Việt Nam không tham dự môn đánh bài Bridge vì sẽ gây phản cảm? |
Cũng chẳng hiểu tính cạnh tranh, thể thao nhanh hơn, cao hơn, xa hơn sẽ được thể hiện như thế nào ở đánh bài. Để đưa một bộ môn nào đó vào chương trình thi đấu, nước chủ nhà phải vận động thành công và còn phải thuyết phục được bộ môn đó có ít nhất 3 đoàn đăng kí tham gia. Chính vì thế, chuyên gia Indonesia đã có một khóa huấn luyện đánh bài cho VĐV Việt Nam tại Khánh Hòa. Các hình thức, thể lệ và luật lệ thi đấu đã được huấn luyện cho VĐV Việt Nam. Nội dung này được giao cho Liên đoàn cờ Việt Nam đảm trách, với suy nghĩ những người đánh cờ giỏi, tư duy tốt ắt đánh bài cũng khá.
Ban đầu, Việt Nam đồng ý tham dự môn này và tập luyện rất nghiêm túc, nhưng các quan chức đoàn thể thao VN đã quyết định rút lui vào phút chót.
Dù lượn
Dù lượn là một môn thể thao hàng không giải trí nhưng cũng không kém phần cạnh tranh mang tính chuyên nghiệp. Dù lượn là hình thức bay tự do, cất cánh bằng chân. Phi công ngồi vào một ghế ngồi được may bằng những dây đai bền chắc (đai ngồi) bên dưới một cánh dù làm bằng vải, được bơm căng đầy không khí để giữ hình dáng khí động học nhờ áp lực không khí khi dù di chuyển tràn vào các “xoang dù”.
Dù lượn có 12 bộ huy chương ở SEA Games 26 |
Tại SEA Games 26 này, dù lượn sẽ có 12 bộ huy chương theo thể thức đồng đội, cá nhân, nam và nữ ở 3 nội dung là đáp chính xác, bay xa và bay nhanh. Để chuẩn bị tham dự SEA Games 26, Tổng cục TDTT Việt Nam đã ra quyết định chọn tuyển TP.HCM đại diện cho Việt Nam dự giải. Đội tuyển dù lượn TP.HCM gồm 10 thành viên, 7 nam, 3 nữ, sẽ thi đấu ở 12 nội dung tại SEA Game (6 nội dung đồng đội và 6 nội dung cá nhân). Đội sẽ tham gia thi đấu SEA Game bằng kinh phí xã hội hóa. Trong thời gian qua họ đã rất tích cực tập luyện tại nhiều địa điểm từ sân bay Tân Sơn Nhất cho đến Biên Hòa và ra tận Phan Thiết.
Đối thủ chính của dù lượn Việt Nam chính là chủ nhà Indonesia cùng với Thái Lan và Phillippines. Trong đó, chủ nhà Indonesia được dự đoán là sẽ lấy nhiều HCV nhất.
Trượt Patin
Đã du nhập vào Việt Nam từ lâu nhưng đến giờ môn thể thao này (còn có tên gọi là Roller Sport) mới được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games. Năm nay, đội Patin của TP.HCM sẽ đại diện cho Việt Nam dưới hình thức xã hội hóa. Đội sẽ gồm 5 VĐV tuổi đời còn rất trẻ dưới sự dẫn dắt của HLV Lê Quân. Chuẩn bị cho SEA Games 26, đội Patin TP.HCM đã sang Thái Lan tham dự giải Slalom Series 2011 và giành được 1 HCV, 1 HCB.
Một môn giải trí như patin cũng được đưa vào thi đấu |
Tại SEA Games, các VĐV môn Patin sẽ tranh tài đầy đủ 6 nội dung gồm: 300m tính giờ, 500m nước rút, 1.500m nước rút, 3.000m đồng đội, 5.000m cá nhân, 10.000m cá nhân. Các VĐV TP.HCM đã lên đường vào ngày 7/11 và sẽ có 5 ngày chuẩn bị, làm quen với điều kiện thi đấu trước khi chính thức tranh tài từ ngày 12/11.
Cờ tưởng và cờ Đông Nam Á
Tại SEA Games 26, kỳ thủ hàng đầu Việt Nam Lê Quang Liêm sẽ thi đấu ở nội dung cờ tưởng. Chơi cờ tưởng là ngồi xoay lưng lại với bàn cờ và mỗi nước đi được các kỳ thủ ghi ra giấy và chuyển cho đối phương. Vì các kỳ thủ không được nhìn nên khác với cờ truyền thống, bàn cờ với các quân di chuyển lại dành cho khán giả và trọng tài. Chưa từng thi đấu cờ tưởng, đây sẽ là một thách thức mới cho đại kiện tướng quốc tế Lê Quang Liêm tại kỳ SEA Games này.
Người chơi cờ tưởng phải bịt mắt hoặc quay lưng lại bàn cờ |
BTC SEA Games 2011 cũng đưa vào một “món lạ” là cờ Đông Nam Á (ĐNA) khiến cả Siêu đại kiện tướng quốc tế Lê Quang Liêm cũng tỏ ra ngỡ ngàng… Tại SEA Games 2011, Liêm không thi đấu cờ ĐNA nên cũng không có thời gian tìm hiểu môn này. Nhưng theo Liêm, cách xếp quân của cờ ĐNA khác cờ vua ở chỗ hàng tốt (gồm 8 quân tốt) được xếp cao lên phía trên một hàng. Nước đi, ăn quân của quân xe thì vẫn như cờ vua. Nhưng quân tượng, hậu và tốt đều đi và ăn quân theo cách rất lạ nên cách tư duy cũng rất khác cờ vua.
Nói về môn cờ này, ông Đặng Tất Thắng - Trưởng bộ môn Cờ Tổng cục TDTT tâm sự: “Tôi cũng chưa biết chơi môn cờ này ra sao. Cũng chưa có sách nào nói. Việc đưa môn cờ ĐNA vào thi đấu ở SEA Games lần này mang ý nghĩa như một động thái giúp các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar... có cơ hội giành huy chương. Có thể tại SEA Games 2013, chủ nhà Myanmar sẽ đưa vào 5-7 bộ huy chương cờ ĐNA”. Và có lẽ khi SEA Games nào đó có tới gần chục bộ huy chương cờ ĐNA, thì chuyện Việt Nam phải bỏ tiền thuê chuyên gia cờ ĐNA từ Thái Lan, Campuchia sang huấn luyện không làm ai ngạc nhiên.
Leo tường
Các VĐV Việt Nam sẽ dự tranh các nội dung: speed track (leo tốc độ theo một đường leo được quy định), speed record (leo tốc độ lấy thời gian ngắn nhất), speed track relay (leo đồng đội), bouldering (leo tường thấp không có người giữ dây). Theo như VĐV Bùi Văn Ngợi thì đội sẽ có cơ hội ở nội dung speed track relay cũng như speed record.
Đội leo tường VN tập luyện tại trung tâm TDTT Phan Đình Phùng |
Hiện tại, đội tập luyện đều đặn ngày 2 buổi, mỗi buổi hơn 2 tiếng tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, có những khó khăn nhất định ảnh hưởng không nhỏ đến việc tập luyện như: vách tường đội đang tập có mặt bằng lồi lõm và cục bám nhỏ hơn. Còn vách tường dự thi SEA Games là vách thẳng đứng, không lồi lõm và cục bám rất lớn. Chiều cao cũng thấp hơn (15m so với 16m như trong tập luyện). Với điều kiện như thế, các VĐV phải tự thiết kế đường đi cho mình.
Shorinji Kempo (Quyền pháp Thiếu lâm tự)
Đây là một trong chín môn võ thuật lớn của Nhật Bản (theo nhận định của tổ chức Nippon Budokan - Nhật Bản Võ đạo quán) và là một chi phái của võ Thiếu Lâm, do võ sư So Doshin (tên thật là Nakano Michio) sáng lập vào năm 1947 trên cơ sở môn Kungfu của Trung Quốc. Người Nhật Bản gọi môn này là “kempo”.
Trước SEA Games 26, NHM Việt Nam có lẽ chỉ biết Shorinji Kempo qua... truyện tranh |
Tại SEA Games 24 tại Korat Thái Lan, Shorinji Kempo đã được đưa vào làm một môn biểu diễn. Tại SEA Games 26, môn Shorinji Kempo được vào thi đấu chính thức tranh huy chương. Tại SEA Games nay, đội tuyển TP.HCM sẽ đại diện cho Việt Nam tranh tài ở môn này với đa phần là những VĐV từ những môn võ khác qua như taekwondo, karatedo, pencak silat…HLV của đội cũng là một người ngoại đạo đó là vợ chồng nhà vô địch ASIAD Hồ Nhất Thống và Nguyễn Thị Huyền Diệu. Tại SEA Games 26 này, môn thể thao này có đến 16 bộ huy chương chủ yếu ở các nội dung đối kháng và quyền
Quần vợt bóng mềm
Ngoài nội dung quần vợt thông thường, SEA Games 26 còn có môn quần vợt bóng mềm. Môn này tương tự như quần vợt nhưng sân đấu nhỏ hơn với dụng cụ cũng nhỏ hơn. Đây là môn thể thao mà đoàn Thể thao Việt Nam không tham dự sau những lùm xùm về việc chọn lựa VĐV ở bộ môn quần vợt khiến nội bộ rối tung cả lên.
Quần vợt bóng mềm tương tự như quần vợt nhưng sân đấu nhỏ hơn với dụng cụ cũng nhỏ hơn. |
Một số môn thể thao khác cũng đáng chú ý, ít hoặc chưa từng xuất hiện tại các kì SEA Games là golf, bóng chày (Đoàn Việt Nam có tham dự dưới hình thức xã hội hóa), cricket hay đua thuyền truyền thống. Cricket là môn thể thao biểu diễn chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, cũng như ít có điều kiện để phát triển
Đáng tiếc là chúng ta không tham dự môn đua thuyền truyền thống (có đến 12 bộ huy chương) bởi ở Việt Nam, đua thuyền truyền thống được tổ chức ở rất nhiều địa phương. Việt Nam tuy cũng đã tổ chức giải đua thuyền buồm thế giới tại Phan Thiết nhưng cũng không tham dự ở môn có 9 bộ huy chương này…
HOÀNG TÂM
Bưu điện Việt Nam