Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera hồi tháng 6/2014. Ảnh: TTXVN |
Ngày 21/9/1973: Việt Nam và Nhật Bản thiết lập mối quan hệ ngoại giao.
Ngày 19/10/2006: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe ký tuyên bố chung thống nhất các biện pháp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản. Hai bên bày tỏ quyết tâm tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương với tư cách là đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á.
Tháng 11/2007: Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Nhật Bản, hai bên ghi nhận sự tiến triển tích cực của các cuộc đối thoại Ngoại giao - Quốc phòng, đối thoại tham mưu, hợp tác đào tạo. Hai nước bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng hơn nữa thông qua trao đổi các đoàn quân sự, bao gồm chuyến thăm của các quan chức quốc phòng cấp cao và chuyến thăm của tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Tháng 10/2011: Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản bước sang giai đoạn phát triển mới sau khi hai nước ký biên bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng.
Theo Bộ trưởng Yasuo Ichikawa, Đại cương Kế hoạch Phòng vệ của Nhật Bản ghi rõ định hướng tăng cường hợp tác an ninh với các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, vì vậy bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ nắm bắt mọi cơ hội để liên hệ chặt chẽ với Việt Nam.
15-17/9/2013: Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera thăm chính thức Việt Nam. Bộ trưởng hai nước nhận định, việc hợp tác quốc phòng đã được triển khai đồng bộ, tích cực, đi vào chiều sâu, hợp tác về đào tạo cán bộ, hợp tác giữa các quân chủng, cảnh sát biển.
Hai bên thiết lập cơ chế giao lưu sĩ quan trẻ theo hình thức luân phiên hàng năm, nhằm tăng cường học hỏi, giao lưu, tạo cơ sở cho phát triển bền vững, lâu dài.
Về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, ông Onodera khẳng định Nhật ủng hộ các bên giải quyết thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tháng 8/2014: Nhật Bản tuyên bố kế hoạch sử dụng gói hỗ trợ phát triển cho nước ngoài để cấp 6 tàu tuần tra cho các cơ quan chấp pháp biển Việt Nam. Những tàu này được trang bị áo phao, radar và chương trình huấn luyện. Tàu đầu tiên được chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam vào tháng 2 năm nay và tàu thứ hai được chuyển giao cho Cục Kiểm ngư Việt Nam vào tháng 8.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) ở Singapore hồi tháng 5. Ảnh: Reuters |
Tháng 9/2015: Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nhật đem lại nhiều nét mới trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và an toàn trên biển như tìm kiếm cứu nạn và đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển. Cơ quan Cảnh sát biển của hai bên cũng ký bản ghi nhớ hợp tác.
Ngày 5/11/2015: Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani sẽ tới thăm Việt Nam từ ngày 5 đến 7/11 theo lời mời của người đồng cấp Phùng Quang Thanh. Chuyến thăm này cho thấy quan hệ quốc phòng ngày càng được thắt chặt giữa hai nước.
Trong chuyến thăm, ông Nakatani sẽ tới khu quân cảng Cam Ranh của Việt Nam ngày 5/11, tờ DPA của Đức cho hay. Quân cảng Cam Ranh nằm không xa khu vực Trung Quốc đang bồi lấp phi pháp trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani và Bộ trưởng Phùng Quang Thanh có thể ký kết một số thỏa thuận trong cuộc họp, đài truyền hình NHK nhận định. Ông Nakatani cũng có thể thảo luận về sự hỗ trợ từ Nhật Bản đối với Việt Nam trong quá trình nâng cao năng lực quân sự.
Nhật tiếp tục viện trợ tàu cho Việt Nam
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada hôm 13/10 cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục cấp tàu cho Việt Nam. Hồi tháng 8/2013, Nhật cam kết viện trợ 10 tàu tuần tiễu mới cho Việt Nam, loại dài 40 m.
Năm 2014, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe nhất trí viện trợ 6 tàu tuần tra đã qua sử dụng cho Việt Nam nhằm tăng cường hoạt động tuần tra vùng biển chủ quyền thuộc Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng ngang ngược.
Trong số 6 tàu, 2 chiếc là tàu kiểm ngư của Cơ quan Ngư nghiệp Nhật Bản và 4 chiếc còn lại là tàu cá thương mại. Tất cả đều có tải trọng 600–800 tấn và có thể sử dụng làm tàu tuần tra biển.
Tháng 8 năm nay, Nhật Bản bàn giao tàu kiểm ngư Hayato hiện đại đầu tiên cho Việt Nam tại cảng Hải Phòng. Tàu Hayato dài hơn 56 m, chiều ngang 9 m, có trọng lượng 1.079 tấn, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như hệ thống la bàn điện, hệ thống chân vịt mũi có thể quay 360 độ, hệ thống radar, thông tin liên lạc toàn cầu (liên lạc xa nhất 96 hải lý), bắt mục tiêu tốt nhất trong khoảng 12 hải lý.
Ngày 3/11, Nhật Bản bàn giao thêm hai tàu tuần tra tải trọng 600 tấn cho Việt Nam tại cảng Đà Nẵng.
Ngoài ra, Nhật còn cung cấp thêm xuồng cứu sinh và một số thiết bị hàng hải khác cho Việt Nam. Trị giá gói viện trợ khoảng 500 triệu yen (4,1 triệu USD). Mục đích của dự án viện trợ là đẩy mạnh cơ chế giám sát việc tuân thủ luật pháp trên vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam.
Nhật Bản cũng rất quan tâm tăng cường năng lực an ninh hàng hải cho Việt Nam. Trong thời gian tới, Tokyo sẽ tiếp tục cung cấp thêm nhiều tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thông qua viện trợ vốn vay của Nhật Bản. Tất cả những dự án này đều đang được triển khai và thực hiện.