Với nhiều người, các emoji sử dụng trên iMessage hay Messenger không chỉ là những biểu tượng cảm xúc thông thường. Những emoji nhận được từ người thân, bạn bè cũng có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm trạng của họ. Các biểu tượng này vốn được các hãng thiết kế sao cho người dùng có thể nhanh chóng phản hồi tin nhắn bằng emoji chỉ với vài thao tác đơn giản.
Với Messenger, người dùng có thể chọn thả tim, giơ ngón cái, cười haha hay phẫn nộ với các tin nhắn. Trên ứng dụng iMessage của iPhone, họ còn có thêm lựa chọn giơ ngón tay xuống, dấu chấm than hoặc dấu chấm hỏi để bày tỏ cảm xúc.
Tiện lợi là vậy nhưng các biểu tượng cảm xúc này đôi khi lại gây ra không ít phiền phức cho người dùng trong quá trình giao tiếp. Mỗi người lại có cách hiểu khác nhau về các emoji nên người dùng sẽ vô tình bị đối phương hiểu lầm hay thậm chí là khó chịu vì thả biểu tượng cảm xúc trong tin nhắn.
Một emoji nhưng nhiều cách hiểu
Đơn cử như mặt cười là emoji thường xuyên gây hiểu lầm nhất vì có người cho rằng nó biểu thị thái độ thiện chí, vui vẻ, trong khi, nhiều người khác lại nghĩ nó thể hiện sự cáu kỉnh, thái độ kẻ cả.
Còn biểu tượng trái tim vốn được sử dụng để bày tỏ sự yêu thích với một điều nào đó nhưng gần đây, nó còn được dùng chỉ đơn giản là bởi mọi người nghĩ rằng biểu tượng giơ ngón cái quá lạnh lùng.
Biểu tượng ngón tay, mỉm cười thường được xem là lạnh lùng, thiếu thân thiện. Ảnh: Wall Street Journal. |
Nói với Zing, Mai Khanh (21 tuổi) cho biết cô không thích emoji giơ ngón tay vì không thể bộc lộ nhiều cảm xúc và trông có phần thờ ơ với người đối diện. Vì thế, cô thường sử dụng biểu tượng cười haha khi nhắn tin trên Messenger để thể hiện sự vui vẻ và hào hứng với câu chuyện của bạn bè, người thân.
Sự bất đồng này thể hiện rõ nhất khi những nhóm người khác thế hệ sử dụng emoji khi giao tiếp với nhau. Lizzie Buckley (25 tuổi) đã gửi tin nhắn với mẹ mình, nói rằng cô đang phải làm việc ngay cả trong cuối tuần và khoe với bà về kỷ lục chạy bộ cô về hoàn thành.
Nhưng phản hồi cô nhận được chỉ là các biểu tượng cảm xúc lạnh lùng: giơ ngón tay và dấu chấm than. Điều này đã khiến Lizzie Buckley cảm thấy bị hụt hẫng. “Tôi đã mong đợi nhiều hơn thế, ít nhất là biểu tượng ăn mừng hay vỗ tay”, cô chia sẻ.
Các ứng dụng tin nhắn ngày nay đều cho phép người dùng bày tỏ cảm xúc ngay trong tin nhắn. Ảnh: Rachel Eliza. |
Trong khi đó, mẹ của Lizzie, bà Tess Buckley (60 tuổi) lại nói rằng bà gửi các biểu tượng cảm xúc này chỉ đơn giản là vì không biết phải trả lời gì nhưng muốn con gái biết rằng mình đã đọc. “Đây là cách nhanh nhất để phản hồi mà không khiến người khác nghĩ rằng bạn đang phớt lờ họ”, bà chia sẻ.
Cần cẩn trọng khi sử dụng biểu tượng cảm xúc
Somaya Gupta (24 tuổi) nghĩ biểu tượng giơ ngón tay chính là cách nói giảm nói tránh khi một người muốn kết thúc một cuộc trò chuyện. Anh cũng ít khi sử dụng nó vì biết rằng giới trẻ sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi nhận được. “Biểu tượng này có nghĩa là bạn không hứng thú gì với cuộc trò chuyện này và muốn nhanh chóng kết thúc nó”, Gupta nói.
Brian Moore (36 tuổi) chính là một ví dụ điển hình khi từng gặp rắc rối với biểu tượng ngón tay này. Trong một group chat bạn bè, anh đã thả biểu tượng này trong một trò đùa của người bạn và bị gọi là đang tỏ vẻ với người này. “Tôi gửi tin nhắn và hy vọng mọi người sẽ thả haha nhưng cuối cùng lại nhận icon ngón tay. Đây chính là lời tuyên chiến”, người bạn của Moore nói.
Ngày nay, có hàng nghìn emoji biểu thị con người theo nhiều cách, và những emoji thể hiện cách tương tác của chúng ta với thế giới. Ảnh: Wall Street Journal. |
Nhưng với một số người trẻ, biểu tượng cảm xúc còn là cách nhanh nhất giúp họ bày tỏ cảm xúc, thể hiện rằng mình quan tâm đến đối phương. Nói với Zing, Phương Nghi (21 tuổi) cho biết cô thích sử dụng emoji cảm xúc trong mọi cuộc trò chuyện với người thân, bạn bè, đồng nghiệp…
“Thả biểu tượng cảm xúc giúp tôi tăng sự đồng cảm trong lúc nói chuyện, thể hiện được nhiều cảm xúc hơn”, Nghi chia sẻ. Cô gái tâm sự rằng đôi khi cũng chạnh lòng khi nhắn tin động viên, hỏi thăm hay cả nhắc nhở, dặn dò những vấn đề quan trọng mà mọi người đều xem nhưng không gửi biểu tượng cảm xúc để bày tỏ lại.
Theo Jennifer Daniel, chuyên gia tại Unicode Consortium, điều quan trọng là mọi người cần hiểu rõ công dụng của từng emoji. “Trước đây, chúng ta rất dễ đoán các biểu tượng cảm xúc. Nhưng hiện nay chúng đã xuất hiện khắp nơi và rất khó kiểm soát”, chuyên gia cho biết.
Với Brian Moore, anh cho biết sẽ ngày càng cẩn trọng trong việc sử dụng các biểu tượng cảm xúc hơn. Nhưng ông vẫn vui vẻ khi mọi người gửi nhiều emoji khác nhau với mình. Moore nói rằng anh thích được nhận emoji cười haha mỗi khi mở ứng dụng nhắn tin. “Nó như hoocmon hạnh phúc của tôi”, anh chia sẻ.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.