Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những 'Mả đói', 'Gò ma' của nạn đói 1945 qua lời kể nhân chứng

Các nhân chứng sống sót qua nạn đói năm 1945 đều không thể nào quên những cái chết thảm khốc đã ám ảnh họ.

Trong cuốn Nạn đói năm 1945 tại Việt Nam - Những chứng tích lịch sử (GS Văn Tạo và GS Furuta Motoo chủ biên), để làm rõ được tính khủng khiếp của nạn chết đói, nhất là con số nạn nhân chết đói, bên cạnh các tư liệu thành văn, di tích lịch sử, các tác giả sách đặc biệt chú trọng sử dụng tư liệu điều tra thực địa bằng phương pháp xã hội học lịch sử.

Trong đó, việc điều tra này có sự tham gia của các nhân chứng lịch sử, có những người được chứng kiến nạn đói xảy ra, những người còn sống sót qua nạn đói. Họ không những cung cấp số người chết mà còn mô tả thảm cảnh đó diễn ra như thế nào.

Nan doi nam 1945 anh 1

Sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam do NXB Chính trị quốc gia Sự thật và Omega Plus phát hành. Ảnh: O.P.

Đói quá ăn cả cám mùn cưa

Trong 3 đợt điều tra vào năm 1992, 1993-1994 và 1994-1995, tại 23 điểm thuộc 21 địa phương Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản đã thu thập được hàng trăm câu chuyện kể của những người trong cuộc, phản ánh sự thật khủng khiếp và tính tàn khốc của nạn đói mà nó vẫn còn ám ảnh trong tâm trí các nhân chứng.

Qua những câu chuyện này, nhiều sự thật khủng khiếp về nạn đói năm 1945 được kể lại chi tiết. Từ chuyện nhiều người đói quá ăn cả cám mùn cưa, ăn trấu trát vách, ăn cả những thứ người ta đã nôn ọe ra, ăn cả những hạt ngô đãi được từ cứt ngựa của Nhật; đến chuyện nhà giàu cũng chết đói; người sống đói quá tranh nhau từng miếng ăn; những cái chết thương tâm diễn ra hàng ngày hàng giờ, cảnh tang tóc ở các làng quê, những mồ chôn tập thể…

Sách ghi lại lời ông Chu Bá Quán (làng Khả Lý, tổng Mật Ninh, huyện Việt Yên, Bắc Giang, một nhân chứng nạn đói năm 1945). Ngày đó ông Quán còn ít tuổi, ra đường phải quấn bao tải, ông và gia đình phải thường xuyên ăn cháo cám. “Xóm có 60 hộ, 10 hộ có ruộng, còn lại đòn gánh trên vai, nên đói rách, ngoài bãi chết nhiều”, ông kể.

Ông Trịnh Khắc Khâm (thôn Bỉnh Trung, xã Bồ Đề, Bình Lục, Hà Nam) kể: “50 gia đình ở Bỉnh Trung chỉ có 4, 5 gia đình tương đối một tý ngày được 1 bữa, thóc rang lên giã thành thính chia nhau ăn. Còn đại bộ phận ăn khoai ngứa thái nấu cháo”.

Ông Giang Đức Tuệ (nguyên Chủ tịch tỉnh Thái Bình) cho biết tỉnh có 28 vạn người chết đói. Quê ông ở thôn Phú Viên, xã Mỹ Lộc, chết gần nửa dân số. Gia đình ông lúc bấy giờ phải chạy đi Hà Nội, hàng ngày phải ăn cháo cám, mà cám không phải nguyên chất mà pha thêm mùn cưa.

Rồi cơn đói buộc nhiều người phải ăn trấu, rồi khi trấu cũng không còn thì họ cậy cả vách đất có trộn trấu để ăn.

Ông Nguyễn Bá Lộc (xã Quảng Đại, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) kể: “Nhà tôi vách trát đất, ông Thoa đói quá đến lấy đất đem về, tôi không biết lấy làm gì. Ông đem về đập ra lấy trấu rang lên ăn”.

Ông Nguyễn Thanh Vân (Nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử tỉnh Thái Bình) kể trong sách: “Những người còn sống thì kéo nhau ra chợ, đường cái, chợ Bo, thị trấn và các vùng khác, miễn có thể tìm được miếng ăn, nhưng rồi đại bộ phận họ cũng chết tha phương. Họ chết không kịp chôn, ruồi bọ, kiến, chim muông đến rỉa xác thối rữa”.

Nạn chết đói không chỉ xảy ra ở bộ phận bần cố nông, tiểu nông, trung nông… mà nó còn diễn ra đối với cả những người giàu có. Ông Trần Đức Minh (nguyên Chủ tịch xã Văn Khê) kể: “Trong nạn đói năm Ất Dậu người La Khê chết đói rất nhiều, có xóm chết hết như xóm Ngòi". "Nhà ông Bá Liêu giàu có cũng bị đói đến nỗi phải thắt cổ tự tử. Ngay sau nhà ông tôi có người chết thối rữa không ai biết. Riêng tôi đã đi chôn đến 30 người chết đói”, lời ông Minh được ghi trong sách.

Nan doi nam 1945 anh 2

Đồng chủ biên cuốn sách GS Văn Tạo (bên trái) và GS Furata Motoo (bên phải). Nguồn: O.P.

Những cái chết no

Hầu hết trường hợp chết no trong nạn đói năm 1945 là do bị bỏ đói quá lâu ngày, đến khi được ăn một bữa, thì ăn no quá, đến bội thực mà chết. Ông Nguyễn Kim Lương (nhân chứng của nạn đói năm 1945 ở Hương Nộn, huyện Tam Thanh, tỉnh Hưng Hóa cũ kể trong nạn đói năm 1945 có nhiều người làng Hương Nộn bị chết, nhưng có nhiều cách chết khác nhau.

“Có người trong mấy tháng đói, ăn uống kham khổ, chỉ có rau, củ chuối… đến khi có lúa gặt về, ăn vào rồi chết (chết no). Ở làng có trường hợp ông Nguyễn Văn Tự, ông Lại Văn Thúc, ông Lại Văn Thích, gia đình ông Công Dược, ông Quản Tổng (bố ông Khóa)… đều là những người chết sau khi đã có lúa gặt về rồi”, trích lời nhân chứng Nguyễn Kim Lương.

“Nguyên nhân là nạn đói. Vì lúc chưa có lúa, ăn uống thất thường, không có chất dinh dưỡng, cơ thể yếu mệt, đến lúc có lúa ăn no đột ngột, không đau ốm gì mà chết”, ông Lương kể.

Còn ông Nguyễn Văn Bình (nhân chứng nạn đói 1945 ở Hưng Hóa) thì kể: “Nhà ông Quất Chi cả hai anh em bị chết đói. Ông Quán Tổng thì chết sau khi lúa gặt về, ăn no vào mà chết. Bà Diện (vợ ông Căn) chết để đến nỗi giòi đục, về sau phải quấn giát giường đem đi chôn ở ngoài bờ. Có người ở nơi khác đến xin ăn như bố ông Vóc, chết ở chợ không ai chôn. Khi đó, tôi là tuần phiên bị lý dịch (ông Nghĩa) sai đi chôn, phải lấy chiếu rách quấn vào rồi đem lên khu nhà Mão (trường cấp III bây giờ) để chôn”.

Theo các tác giả cuốn sách, vụ chiêm năm ấy ở Hương Nộn, lúa và đậu tương đều tốt. Một số người đến khi gặt lúa về vì lâu ngày bị đói, nay ăn no quá, không tiêu hóa được cũng bị chết. Theo trí nhớ của các cụ ở làng có đến 5-6 trường hợp bị “chết no” như vậy.

Nan doi nam 1945 anh 3

Ảnh hai em bé đổ cháo vào miệng bố, chụp tại Phủ Lý, Hà Nam. Ảnh: Võ An Ninh.

Những mồ chôn tập thể

Theo các tác giả, nạn đói ở làng Hương Nộn nhiều người chết không có ván khâm liệm, nên thường được cuốn bằng giát giường hoặc bó chiếu. Có người nghèo đến nỗi không có chiếu mà bó. Ngày nay, nhiều người vẫn ghê rợn khi nghĩ đến bãi tha ma “Văn Chỉ” ở rìa làng. Ông Đỗ Văn Vượng (nhân chứng người làng Hương Nộn) kể lại:

“Mỗi ngày thường có 4-5 đám đem ra chôn ở đó. Vì sức yếu, những người đi chôn cũng chỉ đào được cái hố rất nông, khi lấp đất lại không cao, nên có những cái mộ vẫn còn hở cả tóc, hở cả chân, trông rất ghê sợ”.

Ông Trần Văn Tảo (ở thôn Nhũ Tỉnh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) thì cho biết ngay đầu làng, ngày nào cũng có từ 4 đến 10 người chết đói, có người rúc vào đống rạ, nằm vạ vật ngoài quán chợ, quần áo tả tơi, có người chết đói còn không có lấy một tấm vải che thân.

“Có bà mẹ chết rồi, con vẫn nằm trên bụng, rúc vào bú, rồi cũng lăn ra chết. Chôn không xuể, có hố chôn tới 3, 4 xác chết. Có người bó chiếu, đầu, chân không có chiếu, hai người khênh, đầu chân cứ lắc la, lắc lư, trông rất thảm thương. Có người chết đã 2, 3 ngày vẫn chưa thấy mùi hôi thối, vì thân thể gầy guộc, chỉ còn da bọc xương”, ông Tảo kể.

Theo các tác giả cuốn sách, những mồ chôn tập thể chôn dưới đất chứa đựng hàng chục, hàng trăm bộ xương, nhưng trên mặt đất thì gần như không còn gì, thậm chí chỉ còn là bãi cỏ chăn bò như ở Quần Mục, Hải Phòng, hay chỉ là một mảnh vườn hợp tác xã phân cho một hộ gia đình, khi xây cất nhà họ đào lên vội vàng vùi ra chỗ khác vì quá rùng rợn, như ở Tây Lương, Thái Bình.

Ông Phạm Gia Mỹ (trung tá quân đội) cho biết khi xây dựng chợ ven biển ở thôn Quần Mục, các ông đã xác định được 207 bộ hài cốt là người chết đói. “Đó là những hài cốt nằm chung một hố, được vùi lấp qua loa, hoặc những hài cốt ở các tư thế nằm sấp, nghiêng, ngồi co quắp, không được chôn cất theo nghi thức bình thường”.

Cũng theo các tác giả, có nơi nhân dân đã khoanh khoảng chôn những “mồ tập thể” đó lại, làm lễ tưởng niệm, dựng bia căm thù, nhưng đó chỉ là trường hợp hãn hữu. Còn đại đa số là nhân dân địa phương chỉ ghi lại nỗi thương đó trong tâm của mình. Còn những bãi tha ma đó thường được mang những cái tên dã sử như “Mả đói”, “Gò ma”.

Đi tìm sự thật lịch sử về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam

Biên soạn cuốn "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam" nhóm tác giả đã đặt cho mình trách nhiệm: Đi tìm sự thật lịch sử chứ không phải chỉ nhằm làm rõ con số hơn hai triệu người chết đói.

‘Trẻ con không được ăn thịt chó’

“Trẻ con không được ăn thịt chó” là một trong những truyện ngắn nổi bật của nước ta ra đời trước năm 1945.

Lam sao de co duoc nang luc lam Dan hinh anh

Làm sao để có được năng lực làm Dân

0

Không ai sinh ra đã là con người đúng nghĩa. Tương tự vậy, để trở thành một công dân biết làm “đúng việc” của mình, mỗi người cũng cần phải trải qua một hành trình khai minh để hiểu “làm dân” nghĩa là gì và trang bị cho mình những năng lực cần thiết để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm