“Chị ơi, trả lời em sớm nhé, em không còn nhiều thời gian. Ngày tận thế sắp đến”, Solomon Muendo, người từng là “chuyên gia móc túi” trên đường phố Kenya, nhắn tin cho chị mình. “Hãy ăn năn nếu không muốn bị bỏ lại. Amen”.
Ông Muendo, 35 tuổi, đã sống trong rừng Shakahola - nơi giới chức Kenya đã phát hiện hàng trăm thi thể người nhịn đói đến chết trong những tuần qua - từ năm 2021. Giống như hàng trăm tín đồ khác, ông bỏ nhà và đưa vợ cùng hai con nhỏ tới đây, New York Times cho biết.
Họ đi theo lời kêu gọi của Paul Nthenge Mackenzie - một cựu tài xế taxi bỏ nghề làm mục sư thuyết giáo. Mackenzie tuyên bố ngày tận thế sắp đến và kêu gọi các tín đồ đến rừng Shakahola - nơi người này nói là nơi ẩn náu chờ ngày tận thế.
Nhưng rừng Shakahola không thể là nơi ẩn náu an toàn, thậm chí hoàn toàn trái ngược. Với diện tích chỉ hơn 3 km2, khu rừng đã trở thành mảnh đất của tội ác, rải rác những ngôi mộ của những người nhịn đói đến chết để “gặp Chúa Jesus”.
Giáo phái điên rồ
Bà Syombua, chị của Muendo, cho biết em trai đã gọi mình hồi tháng 4 để thông báo ý định nhịn đói đến chết cùng cả gia đình. Muendo nói rằng mình không còn lựa chọn nào khác ngoài “đi đến cùng”.
“Cậu ấy hạnh phúc vì nghĩ rằng sẽ sớm chết để gặp Chúa Jesus”, bà Syombua nói.
Chính phủ và người dân Kenya không thể hiểu nổi tại sao ở đất nước của họ - một trong những quốc gia hiện đại và ổn định hàng đầu châu Phi, lực lượng chấp pháp không thể phát hiện sự việc sớm hơn, nhất là khi rừng Shakahola nằm gần một số địa điểm du lịch nổi tiếng.
Giới chức Kenya cho biết bên cạnh những người chết đói, có cả những thi thể mang dấu hiệu chết do ngạt thở, thắt cổ hay bị đánh chết. Một số thi thể cũng không còn nội tạng.
Việc một số nạn nhân đi ngược lại bản năng sinh tồn và nhịn đói đến chết khiến nhiều người bàng hoàng. Ông Victor Kaudo, một nhà vận động địa phương, kể ông từng bị một số người sắp chết đói nguyền rủa là “kẻ thù của Chúa Jesus” khi cố gắng giúp đỡ.
Mackenzie (phải) trong một phiên tòa ở Mombasa, Kenya ngày 10/5. Ảnh: Reuters. |
Một phụ nữ bị bỏ đói thậm chí đã tức giận đập tay xuống đất khi ông Kaudo đem đồ ăn tới.
“Tôi muốn những người đang dần chết đói đó sống sót nhưng họ lại muốn chết và gặp Chúa Jesus”, ông Kaudo hồi tưởng. “Phải chăng quyền tự do tín ngưỡng đã vượt quá quyền được sống?”.
Hành trình từ tài xế taxi trở thành lãnh đạo giáo phái của Mackenzie bắt đầu vào năm 2002, tại một khu đất của bà Ruth Kahindi, người từng gặp Mackenzie và mời ông cầu nguyện tại nhà mình.
Hai người cùng nhau xây dựng giáo hội của riêng họ với tên gọi Tin lành Thế giới (Good News International). Nhà bà Kahindi là trụ sở giáo hội.
“Ban đầu, đây là một giáo hội bình thường”, Naomi, con gái của bà Kahindi, kể lại. Cô cho biết Mackenzie là người có khả năng ăn nói tốt.
Bà Kahindi và Mackenzie ngừng hợp tác năm 2008 khi những lời giao giảng của Mackenzie càng ngày càng mang tính “sấm truyền”. Hai người cũng mâu thuẫn về tiền bạc khi Mackenzie bị nghi ngờ dùng danh nghĩa của nhà thờ khi chưa được phép.
Để đáp trả, “ông ấy bắt đầu cáo buộc mẹ tôi có hành vi tà thuật”, Naomi nói.
Mackenzie - khi đó đã có tiền trong tay - tự xây sảnh cầu nguyện lớn và coi đây là trụ sở mới của giáo hội Tin lành Thế giới, đồng thời lan truyền tin đồn về ngày tận thế.
Một trong những người đi theo ông là Mary, con gái bà Kahindi. Mary cưới Smart Mwakalama - một trong những tín đồ sùng đạo nhất của Mackenzie.
Mwakalama hiện đã bị cảnh sát bắt giữ. Trong khi đó, Mary và sáu người con vẫn bặt vô âm tín, có thể đã bị chôn vùi trong rừng Shakahola.
Nhà thờ Mackenzie tự xây, ảnh chụp đầu tháng 5. Ảnh: New York Times. |
Kế hoạch tự sát
Titus Katana, người gia nhập giáo phái của Mackenzie năm 2015 và trở thành phó mục sư, cho biết ban đầu ông rất ngưỡng mộ Mackenzie.
“Ông ấy thay đổi vì những lời sấm truyền sai lầm về ngày tận thế”, ông Katana nói. “Điều ông ấy quan tâm nhất trở thành kiếm tiền, thay vì thuyết giáo cho thế giới”.
Từ năm 2017, Mackenzie đã bắt đầu dặn các tín đồ không nên tới bệnh viện hay cho con cái đi học. Thay vào đó, ông mở trường học trái phép trong nhà thờ, cũng như tuyên bố bản thân có khả năng chữa bệnh.
Ông Katana cho biết Mackenzie cũng nói rằng bản thân nhận được “khải huyền từ Thiên Chúa”, cho rằng giáo dục và thuốc men là những điều tội lỗi. “Mọi điều tồi tệ bắt đầu từ đây”, ông Katana nhận định.
Nhờ vào kênh truyền hình Times TV do ông tự thiết lập, Mackenzie mở rộng tầm ảnh hưởng ra cả bên ngoài Kenya. Một trong những người mất tích tại rừng Shakahola là công dân Nigeria.
Bà Elizabeth Syombua, chị của một người đang chết đói trong rừng, cho biết bà từng chạy từ chỗ làm việc về nhà chỉ để cùng em trai xem các bài thuyết giáo của Mackenzie.
“Bạn sẽ bị nghiện những lời ông ấy nói”, bà Syombua nhớ lại. “Ông ấy có sức mạnh đặc biệt để dụ mọi người vào bẫy”.
Trước vụ việc lần này, Mackenzie cũng đã có một số lần gặp rắc rối với pháp luật. Năm 2017, ông bị bắt với bốn tội danh - bao gồm truyền bá tín ngưỡng cực đoan - nhưng không bị kết tội.
Năm 2019, Mackenzie lại bị bắt nhưng được thả sau khi nộp tiền bảo lãnh. Trước nguy cơ bị bắt, ông đóng cửa nhà thờ, bán tài sản và rút về rừng Shakahola. Ông kêu gọi tín đồ mua mảnh đất nhỏ trong rừng để lập vùng “đất thánh” mới - tuy trên thực tế ông không sở hữu mảnh đất này.
Giới chức Kenya bên một thi thể tín đồ giáo phái tuyệt thực. Ảnh: Reuters. |
Đại dịch Covid-19 đã khiến thuyết “ngày tận thế" của Mackenzie được nhiều người tin hơn. Bản thân Mackenzie cũng ngày càng ám ảnh với kịch bản này. Hồi tháng 1, ông ra một “hướng dẫn” tới các tín đồ trong rừng Shakahola về kế hoạch tự sát tập thể.
Những người chết đầu tiên là những đứa trẻ, ông Katana cho biết. Tới tháng 3 và tháng 4, lần lượt phụ nữ và đàn ông cũng dần ra đi.
Trong khi đó, Mackenzie nói rằng ông sẽ sống để giúp dẫn dắt tín đồ gặp Chúa Jesus. Sau khi mọi việc hoàn thành, ông cũng sẽ nhịn đói đến chết. Trong một đoạn video hồi tháng 3, Mackenzie tuyên bố công việc “đã gần kết thúc”.
Sau khi bị bắt giữ hồi tháng 4, Mackenzie khai mình không bao giờ yêu cầu các tín đồ nhịn đói mà chỉ rao giảng về ngày tận thế trong sách Khải Huyền.
Về phần mình, ông Katana đã cắt đứt quan hệ với Mackenzie và không có mặt trong rừng Shakahola khi vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, ông nghe được thông tin từ các tín đồ. Ông báo tin này với cảnh sát, nói rằng “những đứa trẻ đang chết” trong rừng.
“Họ không hành động đến khi quá muộn”, ông phàn nàn.
Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.