Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Những lời hứa ông Trump hoàn thành trong 4 năm qua

Khi còn là ứng viên tổng thống, ông Trump đưa ra hơn 280 lời hứa trong chiến dịch tranh cử. Sau bốn năm, một số lời hứa trở thành sự thật, bên cạnh những điều thực hiện dang dở

Đã bốn năm từ khi ông Donald Trump đưa ra một loạt lời hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2016 để có thể trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Bốn năm sau, cử tri của ông Trump thường viện dẫn những lời hứa mà ông hoàn thành như lý do để tiếp tục ủng hộ ông.

Nhiều lời hứa của ông Trump gây xôn xao dư luận, từ việc cấm tất cả người Hồi giáo vào Mỹ, đến việc xây dựng bức tường biên giới và bắt Mexico chi trả. Một số lời hứa ít được cử tri chú ý, như cam kết xóa nợ quốc gia. Vậy đương kim tổng thống Mỹ đã thực hiện được những lời hứa nào?

Trước khi được bầu làm tổng thống năm 2016, ông Trump hứa sẽ giảm thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cho công nhân.

Chính sách thuế do đảng Cộng hòa đề xuất và được thông qua tháng 12/2017 giúp tổng thống hoàn thành phần lớn mục tiêu này.

Tuy nhiên, thay vì giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 15% như đã hứa, ông Trump phải thỏa hiệp và chấp nhận mức thuế 21%.

Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ hết hiệu lực, mặc dù đảng Cộng hòa nói các chính phủ trong tương lai sẽ gia hạn điều luật này. Tuy nhiên, người giàu Mỹ được cho là sẽ được hưởng lợi từ đạo luật này nhiều hơn người nghèo.

Và không phải ai cũng được giảm thuế. Ở các bang thành thị chủ yếu do đảng Dân chủ lãnh đạo, thuế của người thu nhập cao bị tăng vì các giới hạn của bang và địa phương trong khoản khấu trừ thuế.

Khi còn là ứng viên tổng thống, ông Trump coi biến đổi khí hậu là trò lừa bịp do Trung Quốc dựng nên. Ông cũng nói các quy định trong Thỏa thuận Paris kìm hãm sự phát triển của Mỹ.

Sau ba tháng cân nhắc, Tổng thống Trump dứt khoát từ bỏ thỏa thuận Paris, sau khi nó được gần 200 quốc gia ký kết. Đây rõ ràng là một lời hứa ông đã hoàn thành.

Việc rút lui khỏi thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 4/11, một ngày sau cuộc bầu cử năm 2020.

Trong chiến dịch năm 2016, ông Trump hứa sẽ bổ nhiệm thẩm phán vào Tòa án Tối cao để bảo vệ Tu chính án thứ hai và hủy bỏ án lệ về quyền phá thai.

Đến nay, tổng thống đã hoàn thành được lời hứa bằng việc bổ nhiệm 3 thẩm phán bảo thủ Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett, người vừa tuyên thệ ngày 27/10.

Việc bổ nhiệm ông Kavanaugh gây tranh cãi dữ dội. Ông Kavanaugh đối mặt với nhiều cáo buộc tấn công tình dục. Song, cuối cùng Thượng viện đã thông qua đề cử thẩm phán với 50 phiếu thuận và 48 phiếu chống, khoảng cách sít sao nhất kể từ năm 1881.

Hành động bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett khi cuộc bầu cử chỉ còn chưa tới một tuần cũng vấp phải sự phản đối. Bà Barrett được phê chuẩn với tỷ lệ 52 phiếu thuận - 48 phiếu chống.

Với 6 trên 9 thẩm phán, phe bảo thủ đã chiếm ưu thế tại Tòa án Tối cao.

Ngoài ra, ông Trump còn bổ nhiệm gần 200 thẩm phán bảo thủ cho các tòa án liên bang cấp thấp hơn.

Một trong những cam kết của ông Trump là hủy bỏ và thay thế Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA) - hay còn gọi là Obamacare. Đây là nỗ lực của cựu Tổng thống Barack Obama nhằm mở rộng dịch vụ y tế cho khoảng 15% dân số không được bảo hiểm của Mỹ.

Đảng Cộng hòa cho rằng ACA áp đặt quá nhiều chi phí lên doanh nghiệp, “giết chết việc làm” và can thiệp không chính đáng vào hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa không thể hủy bỏ hoặc cải cách ACA.

Mặc dù vậy, ông Trump đã cố gắng loại bỏ từng phần của đạo luật này. Thời gian đăng ký bị rút ngắn, một số trợ cấp bị cắt bỏ và tiền phạt những người không mua bảo hiểm y tế cũng bị loại bỏ.

Tháng 12/2018, thẩm phán liên bang ở Texas phán quyết việc bãi bỏ tiền phạt nghĩa là loại bỏ toàn bộ ACA và do đó hành động này vi hiến.

Tuyên bố xây tường dọc biên giới Mỹ - Mexico của ông Trump là một trong những lời hứa gây tranh cãi nhất trong chiến dịch tranh cử 2016. Ông Trump cũng khẳng định Mexico sẽ trả tiền cho việc này.

Tuy nhiên, Mexico bác bỏ việc họ sẽ trả tiền cho bức tường và ông Trump dường như đã từ bỏ ý tưởng đó.

Các đảng viên Dân chủ phản đối kịch liệt việc xây tường, trong khi một số đảng viên Cộng hòa cũng không chấp nhận kế hoạch có thể lên tới 21,5 tỷ USD này.

Tháng 12/2018, chính phủ Mỹ phải đóng cửa sau khi đảng Dân chủ chống lại yêu cầu chi 5 tỷ USD cho bức tường. Kể từ đó, ông Trump dùng quỹ cho quốc phòng và một số quỹ khác để thay thế. Quyết định này vấp phải những thách thức pháp lý.

Tính đến cuối tháng 5, khoảng 312 km tường đã được xây dựng, chủ yếu là sửa chữa những bức tường có sẵn. Chỉ 4,8 km tường được xây mới hoàn toàn.

Trong bài phát biểu ở Iowa vào tháng 11/2015, ông Trump cảnh báo sẽ dùng bom để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tổng thống Mỹ đã thả quả bom phi hạt nhân lớn nhất trong kho vũ khí nước này xuống một thành trì của IS ở Afghanistan. Ông Trump cũng nhận công lao trong việc đánh đuổi IS khỏi các khu vực của Iraq và Syria, mặc dù quá trình này bắt đầu dưới thời ông Obama.

Năm ngoái, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã tự sát trong một cuộc đột kích của Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, thành phố trọng tâm tranh chấp của Israel và Palestine.

Năm 2017, Mỹ chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ đến đây. Đại sứ quán mở cửa vào tháng 5/2018, trùng với kỷ niệm 70 năm thành lập Israel. Việc xây dựng tòa nhà đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem đã được phê duyệt vào năm 2019.

“Tôi sẽ xây dựng quân đội mạnh hơn nhiều so với hiện tại. Quân đội Mỹ sẽ rất mạnh mẽ, không ai có thể gây rối với chúng ta", ông Trump nói trong chiến dịch tranh cử vào tháng 10/2015.


Ông hứa sẽ đảo ngược việc cắt giảm ngân sách quốc phòng Tổng thống Barack Obama đưa ra vào năm 2013.

Sau khi ông Trump đắc cử, chi tiêu quốc phòng Mỹ thực sự đã tăng đều đặn, mặc dù mức tổng thể vẫn thấp hơn những năm đầu tiên của chính quyền ông Obama.

Chỉ một tháng trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2016, ông Trump nói sẽ cắt giảm tới 70% quy định liên bang nếu đắc cử.

“Những quy định này chỉ ngăn các doanh nghiệp phát triển”, ông Trump nói với một khán giả ở New Hampshire.

Lời hứa giúp ông nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp lớn và nhỏ, những người giúp ông chiến thắng năm 2016.

Giữ lời hứa, Tổng thống Trump đã cắt giảm các quy định về mọi thứ, từ lao động đến môi trường.

Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, ông đã ký sắc lệnh hành pháp về Giảm Quy định và Kiểm soát Chi phí Quy định. Theo sắc lệnh, khi các cơ quan chính phủ đưa ra quy định liên bang mới, họ phải loại bỏ hai quy định khác.

Ông Trump từ lâu đã kêu gọi rút quân Mỹ khỏi Trung Đông. Trong chiến dịch tranh cử 2016, ông nói khu vực này là một "mớ hỗn độn" và thay vào đó, ước gì chính phủ chi hàng nghìn tỷ USD vào Mỹ.

Tháng 9/2017, chính quyền ông Trump tuyên bố triển khai thêm 3.000 quân đến Afghanistan. Ông Trump cho biết sẽ rút quân dựa trên các điều kiện trên thực tế. Tại Syria, Mỹ có 2.000 lục quân và dẫn đầu một liên minh chống IS cùng với các chiến binh người Kurd.

Tháng 12/2018, ông Trump ra lệnh rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Syria, mặc dù khoảng 500 binh sĩ vẫn còn đóng tại đây.

Ông Trump gần đây nói có kế hoạch cắt giảm thêm binh sĩ ở Afghanistan - sau khi đã giảm số quân từ 13.000 xuống 8.600 trong mùa xuân và mùa hè - trước cuộc bầu cử 3/11. Vào tháng 2, Mỹ và NATO đã đồng ý rút toàn bộ quân khỏi nước này trong vòng 14 tháng nếu Taliban đồng ý một thỏa thuận hòa bình mới.

Những nỗ lực rút quân của tổng thống đôi khi vấp phải sự chỉ trích từ chính các quan chức. Sau khi ông Trump tuyên bố rút quân ở Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã từ chức.

Ông Trump gọi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là "một thảm họa" và cảnh báo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) "sẽ tồi tệ hơn, vì vậy chúng tôi sẽ ngăn chặn nó". Ông cũng cam kết sẽ điều chỉnh tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Vài ngày đầu tiên sau khi đắc cử, Tổng thống Trump rút khỏi TPP.

Ngày 30/11/2018, sau các cuộc đàm phán kéo dài, Mỹ, Canada và Mexico đã ký Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada thay thế NAFTA.

Mỹ và Hàn Quốc cũng đã ký một hiệp ước thương mại sửa đổi vào tháng 9/2018.

Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang. Cả hai bên đều áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ USD.

Ông Trump đã hứa sẽ cấm tất cả người Hồi giáo vào Mỹ. Việc đóng cửa "toàn bộ và hoàn toàn" sẽ được duy trì cho đến khi nhà chức trách Mỹ "biết điều gì đang xảy ra".

Tuy nhiên, ông đã chuyển sang "xem xét kĩ lý lịch" sau khi trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

Khi làm tổng thống, ông đưa ra hai lệnh cấm đi lại nhưng bị tòa án bác bỏ. Lệnh cấm thứ ba đối với 6 quốc gia có dân số chủ yếu là người Hồi giáo vẫn được áp dụng trong khi chờ các thách thức pháp lý.

Lệnh cấm hiện tại hạn chế du khách đến từ Iran, Libya, Somalia, Syria, Yemen, Venezuela và Triều Tiên.

Và vào tháng 1, Mỹ thông báo mở rộng các biện pháp hạn chế nhập cư sang sáu quốc gia. Công dân từ Nigeria, Eritrea, Sudan, Tanzania, Kyrgyzstan và Myanmar sẽ không thể xin một số loại thị thực.

Tháng 9/2016, ông Trump nói sẽ đảo ngược thỏa thuận cựu Tổng thống Barack Obama đã ký kết trong việc mở lại quan hệ ngoại giao và cải thiện thương mại với Cuba.

Sau khi trở thành tổng thống, ông Trump nói với một khán giả ở Miami rằng ông đang "hủy bỏ thỏa thuận một chiều của chính quyền Obama".

Năm 2017, Tổng thống Trump đã áp đặt lại một số hạn chế thương mại và đi lại bị người tiền nhiệm dỡ bỏ. Ông vẫn mở cửa đại sứ quán ở Havana, nhưng không bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại đây.

Năm ngoái, chính quyền Mỹ công bố lệnh cấm đến Cuba đối với các nhóm du khách Mỹ và các tàu du lịch. Và trong tháng này, Mỹ công bố các hạn chế mới. Đồng thời, Mỹ tuyên bố sẽ đình chỉ tất cả chuyến bay thuê riêng giữa Mỹ và Cuba nhằm gia tăng áp lực kinh tế với Havana. Lệnh đình chỉ có hiệu lực vào ngày 13/10.

Ông Trump đã nhiều lần cam kết sẽ gắn mác Bắc Kinh là "quốc gia thao túng tiền tệ" trong ngày đầu tiên nắm quyền. Trung Quốc bị cáo buộc phá giá đồng nhân dân tệ để xuất khẩu nhiều hơn sang Mỹ.

Tháng 8/2019, chính quyền Mỹ đã chính thức xếp Trung Quốc vào danh sách "quốc gia thao túng tiền tệ". Tuy nhiên, vào tháng 1 năm nay, Mỹ thu hồi quyết định này khi Trung Quốc đồng ý không phá giá đồng tiền, trước khi hai nước ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”.

“Tôi biết những người ở Phố Wall rõ hơn bất kỳ ai”, ông Trump nói với Washington Post vào năm 2016. Ông cũng hứa sẽ xóa khoản nợ quốc gia trị giá 19 tỷ USD của Mỹ trong thời gian 8 năm.

Sau bốn năm, nợ quốc gia của Mỹ đã tăng hơn một phần ba, chạm mức 27 tỷ USD vào tháng 10/2020. Ông Trump đã tăng giới hạn nợ quốc gia vào năm 2017 và đạt được thỏa thuận kéo dài mức trần nợ này cho đến sau cuộc bầu cử năm 2020.

Theo dự đoán, nợ quốc gia của Mỹ sẽ còn tăng cao hơn nữa khi toàn bộ tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 trở nên rõ ràng.

Ông Trump nhiều lần nói với những người ủng hộ rằng mọi người nhập cư không có giấy tờ, ước tính lên đến hơn 11,3 triệu, "phải đi khỏi Mỹ".

Khi ngày bỏ phiếu năm 2016 đến gần, lập trường của ông bắt đầu mềm mỏng lại. Sau khi thắng cử, ông nói sẽ chỉ trục xuất khoảng 2-3 triệu người "có tiền án, tiền sự, thành viên băng đảng hoặc buôn ma túy".

Trong năm tài chính 2019, 267.000 người bị trục xuất, tăng nhẹ so với năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt đến mức cao nhất năm 2012 là 410.000 người dưới thời chính quyền ông Obama.

Kế hoạch cải cách nhập cư của ông Trump thất bại vào mùa hè này khi Tòa án Tối cao ra phán quyết bảo lưu chương trình Hoãn trục xuất người vào Mỹ khi còn là trẻ em (DACA). DACA bảo vệ khoảng 650.000 thanh niên nhập cảnh vào Mỹ mà không có giấy tờ khi còn nhỏ.

Cơ sở hạ tầng của Mỹ "sẽ trở nên không ai sánh kịp. Chúng ta sẽ giúp hàng triệu người có việc làm khi xây dựng lại cơ sở hạ tầng", ông Trump nói trong bài phát biểu chiến thắng tháng 11/2016.

Mặc dù ông Trump đã nhắc lại lời hứa chi nhiều tiền cho đường bộ, đường sắt và sân bay, chưa có dấu hiệu cho thấy điều này được thực hiện. Tháng 3/2018, quốc hội phân bổ 21 tỷ USD cho sở hạ tầng, thấp hơn nhiều so với con số 1.500 tỷ USD ông Trump đã kêu gọi.

Tháng 4/2019, ông Trump và các lãnh đạo đảng Dân chủ đồng ý chi 2.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, một thỏa thuận đã đổ vỡ sau đó. Đến tháng 6 năm nay, xuất hiện thông tin rằng chính quyền ông Trump có kế hoạch chi 1.000 tỷ USD cho các hoạt động. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông báo nào.

Ông Trump liên tục đặt câu hỏi về mục đích hoạt động của NATO và gọi tổ chức này là "lỗi thời". Ông cũng khó chịu việc liệu các thành viên NATO có hoàn thành nghĩa vụ và "đóng đúng phần" của họ hay không. Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times vào tháng 7/2016, ông còn ám chỉ Mỹ sẽ không viện trợ cho thành viên NATO trước mối đe dọa từ Nga.

Sau khi tiếp đón tổng thư ký NATO tại Nhà Trắng vào tháng 4/2018, tổng thống Mỹ nói mối đe dọa từ khủng bố nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh này. “Tôi từng nói NATO đã lỗi thời. Tổ chức này không còn lỗi thời nữa", ông Trump phát biểu.

Tháng 7/2018, ông Trump lần nữa thể hiện sự ủng hộ NATO. Song, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết Mỹ vẫn có thể rời đi nếu các đồng minh không đồng ý với yêu cầu ngân sách của ông Trump.

Ông Trump tiếp tục lập luận Canada và các thành viên châu Âu của NATO không đóng đủ tiền hỗ trợ liên minh. Gần đây, Tổng thống Trump nói Mỹ sẽ rút gần 12.000 binh sĩ đang đóng ở Đức về nước.

Trước khi làm tổng thống, ông Trump nói sẽ chấp thuận hình thức tra tấn bằng cách trấn nước "ngay khi đắc cử" và "khiến việc tra tấn trở nên tồi tệ hơn nhiều", cùng các biện pháp tra tấn khác.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump nói ông đã thay đổi suy nghĩ và tin vào điều ngược lại. Quan điểm này được cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và giám đốc CIA khi đó - Mike Pompeo - người hiện là ngoại trưởng Mỹ, tán thành.

Trong các phiên điều trần của CIA, ông Pompeo khẳng định ông sẽ "tuyệt đối không" áp dụng lại các phương pháp tra tấn như vậy.

"Hãy nhốt bà ấy lại" là một trong những khẩu hiệu của những người ủng hộ ông Trump năm 2016.

Họ muốn bà Hillary Clinton phải ngồi tù vì sử dụng email cá nhân trong công việc khi còn là ngoại trưởng.

Ông Trump ủng hộ lời kêu gọi này với lời hứa tổ chức một cuộc điều tra mới. "Nếu tôi thắng, tôi sẽ chỉ thị cho bộ trưởng Tư pháp để công tố viên đặc biệt xem xét vụ việc của bà", ông Trump nói với đối thủ trong các cuộc tranh luận.

Giọng điệu của Tổng thống Trump thay đổi gần như ngay sau khi ông giành chiến thắng. Ông nói nước Mỹ mắc nợ bà Clinton "một món nợ ân tình" trong khi trước đó từng gọi đối thủ là “người phụ nữ độc ác”.

Sau đó, ông Trump cho biết "không quá chú tâm vào việc khởi tố" và có những ưu tiên khác.

Tháng 11/2016, người phát ngôn của Tổng thống Trump cho biết ông sẽ không theo đuổi một cuộc điều tra nào nữa để giúp bà Clinton “hồi phục”.

Ba 'cơn bão' cùng ập đến Tổng thống Trump trong năm 2020 Từ chỗ lạc quan, chiến dịch của ông Trump trải qua nhiều phen sóng gió khi dịch Covid-19 bùng phát, cùng với đó là kinh tế đình trệ và sự phẫn nộ trước nạn bất bình đẳng chủng tộc.

Cuộc bầu cử năm 2020 tốn kém nhất lịch sử Mỹ

Với tổng số tiền dự chi gần 14 tỷ USD, kỳ tổng tuyển cử năm 2020 vượt qua những kỷ lục trước đó để trở thành chiến dịch tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ.

Đối lập chính sách giữa ông Trump và Biden

Lập trường trái ngược của ông Trump và ông Biden không chỉ phản chiếu sự khác biệt ý thức hệ lâu đời của hai đảng, mà còn cho thấy một nước Mỹ ngày càng khó tìm được sự đồng thuận.

Như Trần

Đồ họa: Minh Trí

Bạn có thể quan tâm