Center for Responsive Politics (CRP), tổ chức chuyên theo dõi chi tiêu tranh cử và vận động chính sách ở Mỹ, cho biết các cuộc đua vào Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện năm nay sẽ tốn kém gần 14 tỷ USD.
Con số này cao gấp đôi so với kỷ lục của lần tổng tuyển cử mùa trước, New York Times cho biết.
Chiếm tỷ trọng lớn trong số tiền gây quỹ khổng lồ này là cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, đặc biệt là chiến dịch của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden để đánh bại đương kim Tổng thống Donald Trump.
Chiến dịch vận động cho các cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2020 được dự đoán sẽ chi 14 tỷ USD tính đến ngày 3/11. Ảnh: AP. |
Chỉ riêng kinh phí cho chiến dịch tranh cử tổng thống của hai ứng viên được dự đoán sẽ tốn 6,6 tỷ USD. Con số này nhiều hơn cả số tiền đã chi cho cuộc đua vào Nhà Trắng và quốc hội hồi năm 2016 cộng lại.
Phần lớn số tiền gây quỹ được đổ vào quảng cáo truyền hình. Công ty theo dõi quảng cáo Advertising Analytics cho biết 1,8 tỷ USD được chi cho mục đích này trong năm 2020.
Tổng chi phí của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, kể cả giai đoạn bầu cử sơ bộ, là 2,4 tỷ USD.
Ủy ban chiến dịch tranh cử của ông Biden huy động được 938 triệu USD tính đến ngày 14/10, và đang trên đà trở thành chiến dịch đầu tiên gây quỹ hơn 1 tỷ USD.
Cuộc đua vào Thượng viện cũng lập kỷ lục
Tám trong số 10 cuộc đua vào Thượng viện tốn kém nhất đều diễn ra vào năm 2020.
Ở North Carolina, tổng chi tiêu của hai ứng viên - Thượng nghị sĩ đương nhiệm của đảng Cộng hòa Thom Tillis và đối thủ Cal Cunningham - vượt qua 272 triệu USD.
Đây là một trong bốn nơi mà cuộc đua vào Thượng viện có chi tiêu vượt mốc 200 triệu USD trong năm nay. Ba chiến trường còn lại diễn ra ở Iowa, South Carolina và Arizona.
Ở South Carolina, vòng đối đầu diễn ra quyết liệt giữa Jaime Harrison từ đảng Dân chủ và Thượng nghị sĩ Cộng hòa đương nhiệm Lindsey Graham. Ông Harrison đã phá vỡ kỷ lục gây quỹ trong quý III khi huy động được hơn 57 triệu USD. Ông cũng là ứng viên thượng nghị sĩ đầu tiên huy động được 100 triệu USD.
Nhìn chung, đảng Dân chủ chiếm ưu thế về tài chính trong năm nay.
Các nhà tài trợ nhỏ, đặc biệt là phụ nữ, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng ngân sách của chiến dịch trong năm nay. Ảnh: New York Times. |
Theo CRP, các ứng cử viên của đảng Dân chủ và nhóm đồng minh đã chi 5,5 tỷ USD trong kỳ bầu cử này. Trong khi đó, đảng Cộng hòa chỉ chi 3,8 tỷ USD.
Cán cân vẫn nghiêng về phía đảng Dân chủ, ngay cả khi không tính đến số tiền hơn 1,3 tỷ USD mà hai tỷ phú Michael R. Bloomberg và Tom Steyer đã chi cho chiến dịch của chính họ trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Các nhà tài trợ nhỏ (đóng góp ít hơn 200 USD cho một ứng viên) có vai trò ngày càng quan trọng. Chính họ đã giúp ông Biden và các ứng viên trong cuộc đua vào Thượng viện có lợi thế. Số tiền từ các nhà tài trợ nhỏ chiếm đến 22% tổng số tiền huy động được trong cuộc bầu cử 2020. Trong cuộc bầu cử năm 2016, con số này là 15%.
Nền tảng quyên góp phi lợi nhuận trực tuyến của đảng Dân chủ ActBlue nhận được hơn 3,3 tỷ USD trong năm nay. Nền tảng tương tự của đảng Cộng hòa, WinRed, kêu gọi được hơn 1,2 tỷ USD từ khi hoạt động vào năm 2019.
Không chỉ cách thức quyên góp mà đối tượng ủng hộ cũng đang thay đổi. Theo phân tích của CRP, ngày càng nhiều phụ nữ chi tiền cho các cuộc bầu cử. Họ chiếm đến 44% số người quyên góp, tăng so với mức 37% vào năm 2016.
CRP ước tính số tiền mà phụ nữ quyên góp cho đảng Dân chủ nhiều gấp đôi (gần 1,3 tỷ USD) so với con số dành cho đảng Cộng hòa (570 triệu USD).
Vai trò của các nhà tài trợ "khủng"
Mặt khác, số tiền từ các ủy ban hành động chính trị (PAC) đóng góp cho các chiến dịch cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ chiếm 5% số tiền gây quỹ được, theo CRP.
PAC thường là kênh mà các tập đoàn sẽ gửi tiền để ủng hộ cho các ứng viên lẫn hai chính đảng.
Các nhà tài trợ “khủng” vẫn có ảnh hưởng lớn. Sheldon Adelson, ông trùm sòng bạc, và vợ ông, Miriam Adelson, tiếp tục là những nhà tài trợ lớn nhất cho các siêu PAC của đảng Cộng hòa. Họ đã quyên góp 183 triệu USD cho các ứng cử viên và tổ chức của đảng này.
Ông Bloomberg, nhà tài trợ lớn nhất của đảng Dân chủ, đã trao 107 triệu USD cho các ủy ban của đảng.
Những người ủng hộ Tổng thống Trump xếp hàng dọc theo đoàn xe của ông Biden ở Dallas, Pennsylvania vào ngày 24/10. Ảnh: New York Times. |
Nhiều nhà tài trợ lớn khác xuất hiện ở Thung lũng Silicon. Lợi nhuận từ công nghệ cao đã sinh ra lớp nhà tài trợ siêu giàu tại đây.
Karla Jurvetson, bác sĩ và là vợ cũ của một nhà đầu tư công nghệ, đã quyên góp hơn 24 triệu USD kể từ năm 2019. Phần lớn số tiền này gửi cho một siêu PAC ủng hộ chiến dịch năm 2020 của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.
Dustin Moskovitz, người đồng sáng lập Facebook, cũng đã chi hơn 24 triệu USD, chủ yếu cho siêu PAC Future Forward để phát sóng các quảng cáo chống ông Trump.
Theo nghiên cứu của CRP, nguồn tiền từ Phố Wall chiếm hơn 255 triệu USD và có tỷ lệ cao nhất trong số tiền quyên góp cho chiến dịch. Trong số này, 161,7 triệu USD là số tiền đảng Dân chủ nhận được, gần gấp đôi 94,5 triệu USD của đảng Cộng hòa.
Đặc biệt, tiền không minh bạch (dark money) tiếp tục chảy vào các chiến dịch chính trị của Mỹ thông qua tổ chức phi lợi nhuận. Các tổ chức này không cần tiết lộ nhà tài trợ của mình.