Nhiều DN sản xuất gạo khốn khổ vì Nghị định 109/2010/NĐ-CP. |
Phát biểu tại Hội thảo Chính sách phát triển doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ: Tầm nhìn và hành động sáng 3/6, TS Lê Hồng Sơn – Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cho hay, lâu nay vẫn tồn tại thực trạng bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh với DN vừa và nhỏ trong văn bản quy phạm pháp luật.
Dẫn chứng một số loại “đinh” gây khó cho DN nhỏ và vừa, ông Sơn cho biết trong các thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật, “đinh” chủ yếu ở các thông tư – văn bản quy phạm pháp luật cấp Bộ, cá biệt có trong một số quy định của Chính phủ hoặc trong các văn bản của địa phương.
Đơn cử, cuối năm 2015, Quảng Ninh ban hành 2 quyết định (4088/2015/QĐ- UBND và 3625/QĐ-UBND) đặt ra một loạt các điều kiện, tiêu chí đối với các tàu thuyền kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long, như: Rút ngắn thời hạn (niên hạn) sử dụng các phương tiện thủy 5 năm – 10 năm; quy định về điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với tàu lưu trú; phải có thiết bị tự động báo cháy ở tất cả các buồng của tàu....
“Như vậy phải có thêm bể chứa nước trên tàu, hệ thống dẫn nước và điều này không thể thực hiện được với các tàu đang hoạt động”, ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, 2 quyết định trên bức tử các DN đang kinh doanh hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn, đe dọa hơn 1.000 lao động có nguy cơ mất việc làm, vi phạm một loạt các luật: Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Du lịch, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ luật dân sự về thẩm quyền điều kiện kinh doanh, phòng cháy, chữa cháy, niên hạn sử dụng phương tiện tủy, thậm chí vi phạm điều 14, điều 33 Hiến pháp 2013.
Ông lấy thêm một dẫn chứng khác cho thấy lãnh đạo một số tỉnh tạo sân chơi bất bình đẳng, gây khó cho DN ngoại tỉnh. Quảng Ninh từng ra công văn số 5290 (ngày 28/7/2014) yêu cầu dân dùng bia tỉnh ta để “chung tay góp sức tiêu thụ bia trên địa bàn tỉnh”. Không chỉ thế, “xi măng cũng tỉnh ta” khi họ ra công văn số 1747 (ngày 14/5/2014) yêu cầu người dân, DN hỗ trợ tiêu thụ xi măng sản xuất trên địa bàn tỉnh là vi phạm Luật Cạnh tranh.
Ông Sơn cho biết có nơi còn ép DN, không cho điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong dự toán công trình, hay ban hành quyết định hành chính “bẻ” quy định đã có hiệu lực.
Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo: DN kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chuyên dụng 5.000 tấn thóc, có ít nhất 1 cơ sở xay xát gạo có công suất 10 tấn/giờ là không hợp lý, hạn chế quyền kinh doanh, tạo tiêu cực (mượn giấy phép) tăng chi phí của DN.
Đại diện doanh nghiệp Cỏ may Đồng Tháp “tố” từng khốn đốn vì Nghị định trên.
“Năm 2014, Gạo Cỏ May tìm được thị trường Singapore. Nhưng khi ký hợp đồng, đối tác Singapore từ chối vì nghĩ rằng Cỏ May chỉ là một anh cò, do chúng tôi phải xuất ủy thác qua một DN khác vì Nghị định trên”, đại diện Cỏ May cho biết.
Lãnh đạo DN này cho hay để có thể xuất khẩu gạo, họ phải sang Singapore lập một công ty lấy tên Cỏ May Singapore và nhập gạo của chính mình qua một đối tác trong nước không có thị trường, nhưng có quyền xuất khẩu trực tiếp. Mỗi lần như thế chi phí tăng thêm 2 USD/tấn.
Hơn thế, Cỏ May Singapore còn phải đóng thuế thu nhập DN 17% cho chính phủ nước sở tại, trong khi Việt Nam không thu được đồng thuế nào của DN này, vì “hai Cỏ May” bán huề vốn khi xuất khẩu.