Đoàn Ngọc Hào của tuyển futsal Việt Nam là trường hợp mới nhất bị phát hiện dương tính với doping. Trong đơn giải trình, anh cho biết đã tự ý dùng một số thuốc và đồ uống có cồn mà không hỏi ý kiến của bác sỹ. Cách giải thích có phần ngây ngô này rất khó thuyết phục được AFC và chắc chắn anh sẽ đối diện với việc bị cấm thi đấu dài hạn ở các giải quốc tế và trong nước.
Búp bê Đỗ Thị Ngân Thương dính doping vì mong muốn giảm béo. Sự việc từng khiến cô chán nản muốn giã từ sự nghiệp. |
Nhưng Ngọc Hào không phải VĐV Việt Nam đầu tiên thiếu hiểu biết dẫn đến việc dính doping. Tiêu biểu nhất là trường hợp của VĐV thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương. Cô bị phát hiện dương tính với chất cấm Furosemide tại Olympic Bắc Kinh 2008. Việc này khiến làng thể thao Việt Nam rúng động. Tìm hiểu nguyên nhân thì mọi người mới biết Ngân Thương dính doping do uống thuốc lợi tiểu để mong muốn giảm cân.
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thông cảm nên chỉ cấm cô thi đấu quốc tế 1 năm. Một trường hợp khác là VĐV thể hình Nguyễn Thị Mỹ Linh. Cô bị phát hiện dương tính với doping tại giải thể hình châu Á 2008. Theo quy định, Mỹ Linh phải nộp phạt 2.000 USD và bị cấm thi đấu 2 năm. Tuy nhiên, Liên đoàn thể hình Việt Nam đã kháng cáo thành công cho Mỹ Linh khi chứng minh cô vô tình dính doping do dùng thuốc trị chứng đau thắt lưng và bí đường tiểu.
Ngay cả 1 VĐV ở đẳng cấp rất cao như Hoàng Anh Tuấn cũng ngờ nghệch dẫn đến việc bị dứng doping, chấm dứt luôn sự nghiệp thi đấu quốc tế. |
Một trường hợp dính doping khác nhưng khó được thông cảm là của VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn. Anh bị phát hiện dương tính với chất cấm Oxilofrine tại giải vô địch thế giới năm 2010. Sau đó, VĐV đoạt HCB Olympic Bắc Kinh 2008 này giải thích do mua đồ uống có ga không rõ nguồn gốc nên đã dính doping. Sự nghiệp của Hoàng Anh Tuấn cũng chấm dứt luôn từ đó.
Rất hiếm trường hợp VĐV trắng án doping sau khi mẫu A đã có kết quả dương tính với chất cấm prednisnone như Nguyễn Trường Tài ở môn xe đạp. Anh bị phát hiện dùng doping Tour de Singkarak 2013 diễn ra ở Indonesia vào đầu tháng 6/2013 sau khi mẫu thử A cho kết quả dương tính.
Nguyễn Trường Tài là trường hợp rất hiếm hóa thoát án doping sau khi mẫu A đã cho kết quả dương tính. |
Tuy nhiên, 3 tháng sau đó Liên đoàn xe đạp quốc tế (UCI) đã tuyên bố Trường Tài trắng án khi mẫu B cho kết quả ngược lại. Lý giải cho việc kết quả mẫu B khác so với mẫu A, UCI cho rằng, mẫu thử A của Trường Tài bị nhiễm khuẩn nên cho kết quả dương tính với chất prednisone.
Khi mà công tác quản lý còn lỏng lẻo, ý thức VĐV chưa cao, việc kiểm tra doping còn nhiều hạn chế vì kinh phí thì doping tiếp tục là vấn đề nhức nhối của thể thao Việt Nam.
Bẽ mặt vì doping: Tại SEA Games 22 được tổ chức trên sân nhà năm 2003, đoàn TTVN đã đứng đầu bảng tổng sắp khi giành đến 158 HCV. Tuy nhiên, sau đó 5 VĐV bị phát hiện dùng doping trong đó có 4 VĐV Việt Nam gồm: Hồng Anh (canoeing, 2 HCV), Phạm Thị Dịu (lặn, 3 HCV), Toàn Thắng (lặn, 3 HCV) và Mai Quỳnh (HCB nhảy 3 bước). Tất cả họ đều bị tước huy chương và bị cấm thi đấu 2 năm.