Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những lần đấu khẩu và đối đầu Mỹ - Trung trên Biển Đông

Các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ, bao gồm việc đưa tàu áp sát các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, có thể đẩy quan hệ hai bên tới điểm không thể quay đầu.

Chiến hạm Trung Quốc đuổi theo tàu chiến Mỹ đang tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: CNN
Đôi bên đấu khẩu

Mỹ và Trung Quốc đang bất đồng khi Washington chuẩn bị áp dụng Các hoạt động Tự do hàng hải (FONOPS) quanh những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Biển Đông. FONOPS được Mỹ đưa vào hoạt động năm 1979, cho phép tàu thuyền và máy bay làm nhiệm vụ ở các vùng biển và vùng trời mà một quốc gia nào đó tuyên bố chủ quyền nhằm thách thức yêu sách lãnh thổ phi pháp. Nó thể hiện sự phản đối rõ rệt của Mỹ, Diplomat đưa tin.

Trong hai năm qua, Trung Quốc nạo vét lượng cát gần 3.000 mẫu Anh, tương đương 1.200 hecta để bồi lấp cho 7 khu vực, bao gồm các rạn san hô và đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sau khi bồi lấp, Bắc Kinh xây dựng các cơ sở quân sự và đường băng nhằm tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Tốc độ bồi lấp mạnh mẽ của Trung Quốc khiến các quốc gia trong khu vực và thế giới lo ngại. Ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động bồi lấp của Bắc Kinh diễn ra với tốc độ “lớn chưa từng có” bất chấp luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Trung Quốc luôn tuyên bố không quân sự hóa Biển Đông.

Mỹ đang xúc tiến đưa tàu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc xây phi pháp. Bắc Kinh mô tả FONOPS là hành vi “nguy hiểm và vô trách nhiệm”. Trung Quốc còn ngang nhiên gọi FONOPS là “sự xâm phạm chủ quyền và khiêu khích không thể dung thứ”.

Truyền thông Trung Quốc đăng những bài viết mang đậm tính đe dọa. Các bài báo dẫn lời những tướng lĩnh đã nghỉ hưu của quân đội kêu gọi mạnh tay với các hoạt động của Mỹ. Phía Trung Quốc cũng cố gắng cho thấy Washington và Bắc Kinh tiến gần một cuộc khủng khoảng nhưng hoàn toàn có thể tránh được.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố FONOPS hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Washington đã, đang và sẽ duy trì FONOPS như họ vẫn làm trong hàng chục năm qua ở các vùng biển trên khắp thế giới và Biển Đông không phải ngoại lệ, ông Carter khẳng định.

Hải quân Mỹ cũng mời phóng viên CNN lên máy bay P-8 trong nhiệm vụ tuần tra do thám trên Biển Đông. Dù phi cơ chưa tiến vào vùng trời nằm phía trên khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc nhưng một người tự xưng là “Hải quân Trung Quốc” cảnh báo qua radio rằng máy bay tiến vào “vùng cảnh báo quân sự” và yêu cầu nó “rời đi ngay lập tức”.

Ngày 25/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo FONOPS “rất có khả năng dẫn đến tính toán sai lầm và sự cố không mong đợi trong vùng biển và vùng trời” Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Cùng ngày, tờ Global Times tuyên bố “cuộc chiến tranh Mỹ - Trung là không thể tránh khỏi nếu Washington ngăn cản các hoạt động bồi lấp của Bắc Kinh”.

Những động thái nguy hiểm

Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc không dừng lại ở Biển Đông mà còn lan ra các khu vực khác. Ngày 4/9, Trung Quốc lần đầu tiên phái tàu hải quân đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo Aleutian, Alaska, Mỹ. Vụ việc xảy ra khi Tổng thống Barack Obama thực hiện chuyến công du lịch sử tới bang biệt lập của nước này. Động thái này được xem là biện pháp đánh động của Trung Quốc với kế hoạch đưa tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây trái phép trên Biển Đông.

Chưa đầy hai tuần sau sự kiện ở Alaska, chiến đấu cơ JH-7 của Trung Quốc áp sát máy bay RC-135 của Mỹ ở khoảng cách “không an toàn” phía trên biển Hoàng Hải. Phía Mỹ cho biết chiếc JH-7 tạt đầu chiếc RC-135 ở khoảng cách hơn 100 m, gây nguy hiểm cho phi hành đoàn máy bay Mỹ.

Trước đó, Hải quân Mỹ đưa tàu tới sát 7 khu vực Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị chiến hạm Trung Quốc áp sát và xua đuổi. Tàu Mỹ chưa một lần tiến vào khu vực 12 hải lý tính từ các đảo Trung Quốc đang cải tạo bất hợp pháp.

Trong năm 2013, Trung Quốc cũng đưa tàu hải quân tuần tra trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Mỹ xung quanh Hawaii và Guam trong khi Bắc Kinh yêu cầu tàu Mỹ phải xin phép để tiến vào vùng EEZ của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bắc Kinh dùng nó để ngăn Hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động tương tự.

Trung Quốc xây thêm 2 hải đăng trái phép trên Biển Đông

Trung Quốc hôm nay thông báo đã hoàn thành hai ngọn hải đăng trên đảo Duy Mộng và đá Hải Sâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm