Những kỷ lục trong thế giới loài rắn
Bạn có biết, con rắn lớn nhất trên thế giới có thể dài tới 11 mét hay trong số khoảng 2.000 loài rắn có mặt trên trái đất ngày nay, chỉ có gần 400 loài sở hữu nọc độc đủ để giết chết người?
To lớn nhất
Con rắn lớn nhất từng được ghi nhận trên thế giới là Gigantophis garstini. Sinh vật “khủng” này sống cách ngày nay từ khoảng 40 triệu – 40.000 năm ở Bắc Phi. Con rắn có họ hàng với trăn này đạt tới chiều dài 11 mét và có thể nuốt chửng động vật có kích thước bằng một con lợn lòi đực hoang dã.
Con rắn lớn nhất hiện nay trên thế giới là loài trăn xanh Nam Mỹ (Eunectes murinus) ở phía bắc Nam Phi. Những cá thể lớn nhất của loài này có thể đạt tới chiều dài 9 mét và nặng tới 220 kg. Một số nói, các con trăn Eunectes murinus có thể đạt tới chiều dài 11 mét nhưng tuyên bố này vẫn chưa được kiểm chứng. Trăn Nam Mỹ là một loài rắn nước khổng lồ, với khả năng nuốt chửng cả lợn và cá sấu.
Trăn hổ (Python molurus) ở Đông Nam Á có kích thước cơ thể gần tương đương trăn Nam Mỹ. Chúng được xác thực có thể đạt tới chiều dài 8,22 mét nhưng “mảnh mai” hơn đôi chút với trọng lượng tối đa đạt 182kg.
Trăn mắt lưới (P reticulatus) ở cùng khu vực có thể dài hơn đôi chút tới 9,15 mét nhưng vẫn nhẹ hơn trăn hổ với trọng lượng tối đa 145 kg.
Nhỏ bé nhất
Đối lập với các “chàng khổng lồ” trong thế giới loài rắn là những “chiến binh tí hon”. Trong đó, loài nhỏ bé nhất là rắn mù Vieille (Rhinoleptus koniagui) từ Tây Phi với chiều dài cơ thể chỉ là 10 cm.
Độc nhất
Tất cả các loài rắn kể trên không có nọc độc. Khả năng gây tử vong của chúng nằm ở sức mạnh cuốn chặt, bóp nghẹt và xơi tái con mồi.
Đối với các loài rắn có độc, loài dài nhất là rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) sinh trưởng tự nhiên ở phía Nam và Đông Nam Á. Chúng có thể phát triển tới chiều dài 5,5 mét.
Tuy nhiên, rắn hổ mang chúa được coi là “thon thả” vì thường không vượt quá 20 kg. Đó là lý do tại sao các loài rắn độc khác chẳng hạn như “bậc thầy bụi rậm” Lachesis muta ở Nam Mỹ có thể “vượt mặt” rắn hổ mang chúa về trọng lượng dù chỉ đạt độ dài 3,65 mét.
Nọc độc mạnh nhất từng được phát hiện thuộc về các con rắn biển Hydrophis genus. Dẫu vậy, điều thú vị là, chưa có nạn nhân nào được ghi nhận đã thiệt mạng vì bị rắn biển cắn do rất khó chọc giận chúng.
Loài rắn độc nhất trên cạn là rắn taipan (Parademansia microlepidotus) ở Australia. Các cá thể thuộc loài rắn họ hàng với rắn mang bành này có thể dài tới 2 mét. Một con rắn taipan sản sinh ra hơn 40 gram nọc độc, mạnh gấp 300 lần so với nọc độc của rắn chuông và 20 lần so với nọc độc của rắn mang bành Ấn Độ.
Trong số khoảng 2.000 loài rắn có mặt trên Trái đất ngày nay, chỉ có gần 400 loài sở hữu nọc độc đủ để giết chết người.
Thái Lan là nước sở hữu số lượng rắn độc lớn nhất trên thế giới: 60/169 loài có độc.
Theo Vietnamnet