Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những khoảnh khắc khiến đế chế nội y Victoria Secret sụp đổ

Trong cuốn “Selling Sexy: Victoria’s Secret and the Unraveling of an American icon”, hai nhà báo thời trang kỳ cựu đã tiết lộ về sự sa sút của Victoria's Secret (VS).

Bạn có biết rằng áo ngực hiện đại là một trong những kỳ tích về kỹ thuật kết nối mềm? Trong một chiếc áo ngực có sự ghép nối của khoảng 30-40 mảnh ghép, "bao gồm cả gọng và thanh trượt điều chỉnh dây đeo".

Đây là một trong nhiều sự thật thú vị được nhắc tới trong Selling Sexy: Victoria’s Secret and the Unraveling of an American icon. Trong tác phẩm này, Lauren Sherman và Chantal Fernandez mang đến một cuốn biên niên sử sôi nổi và có nhịp điệu nhanh về Victoria Secret, đế chế bán lẻ phát triển toàn cầu nhờ những mảnh ren và vải rayon (tơ nhân tạo).

Victoria’s Secret anh 1

Những thiên thần Victoria’s Secret từng là biểu tượng của thời trang nội y. Ảnh: NYT.

Nhưng hiện nay, ngay cả những người không hiểu biết nhiều về thời trang và nội y cũng có thể biết rằng thương hiệu VS đã sa sút, rơi thẳng từ thời kỳ hoàng kim những năm 1990-2000.

Và nhiều người đã đi tìm câu trả lời cho sự suy sụp nhanh chóng này. Năm 2022, bộ phim tài liệu dài ba phần Victoria’s Secret: Angles and Demons (Thiên thần và Ác quỷ) phát trực tuyến của đài Hulu đã trở thành một tác phẩm ăn khách khi nói về mối quan hệ mờ ám giữa Les Wexner và nhà tài phiệt Jeffrey Epstein. Trong khi Les là chủ sở hữu kiêm CEO của Victoria’s Secret thì tỷ phú Jeffrey Epstein đã bị kết án dụ dỗ trẻ em làm gái mại dâm và gạ gẫm mại dâm.

Tội ác khủng khiếp của Epstein cũng được đề cập trong cuốn Selling Sexy nhưng chỉ là một nội dung phụ giữa nhiều nhân vật đóng vai phản diện với những sai lầm về mặt chiến lược.

Tuy nhiên, có một sự thật là so với các doanh nghiệp khác, Victoria’s Secret vẫn là một thương hiệu tồn tại được tương đối lâu trong ngành bán lẻ vốn khó dự đoán.

Như Sherman và Fernandez, cả hai đều là những người ghi chép lâu năm của ngành, đã nói thẳng trong phần mở đầu cuốn sách: “Hầu hết thương hiệu thời trang đều có khoảng thời gian sáng tạo từ 10 đến 15 năm trước khi sức lan tỏa yếu đi, tên tuổi của họ lắng xuống và người mua chuyển sang các thương hiệu mới khác”.

Không hề có Victoria

Có thể nhiều tín đồ thời trang đã thắc mắc về cái tên của thương hiệu này, nhưng trên thực tế, chưa bao giờ có một Victoria nào tiết lộ bí mật thời trang của cô ta. Nhân vật này và phong cách cá nhân theo hướng bohemia Anh sang chảnh đã được hư cấu ra vào cuối những năm 1970.

Và tác giả của nhân vật này là một cặp ở San Francisco, Gaye và Roy Raymond, những người mơ ước bán những thứ khó nói ra cho những người trưởng thành có gu thẩm mỹ tinh tế. Thời điểm đó, đồ nội y thường được sản xuất công nghiệp với màu be, được bày gọn trong cửa hàng bách hóa và được gói kín đáo trong những chiếc túi giấy nâu.

Victoria’s Secret anh 2

Cuốn sách đã lên kệ ngày 8/10. Ảnh: BookTrib.

Cửa hàng đầu tiên của cặp đôi này, tọa lạc tại Palo Alto, đưa khách hàng vào không gian phòng the thanh lịch, nhẹ nhàng, tràn ngập những chiếc áo choàng tắm bằng lụa mỏng và đai garter có mức giá xa xỉ. Một mặt hàng đặc biệt ở đây là một cặp kimono dành cho nam và nữ do vợ của đạo diễn phim Francis Ford Coppola, Eleanor, thiết kế với mức giá 1.200 USD.

Các thiết kế thời trang này nhanh chóng được những người phóng túng giàu có ưa chuộng và thậm chí trở thành một trào lưu đình đám trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, sự nhạy bén trong kinh doanh của Roy Raymond vượt trội so với sự sáng tạo của ông và Les Wexner sau đó đã bước vào, mua lại công ty đang gặp khó khăn với giá 1 triệu USD vào năm 1982.

Triết lý bán hàng của Victoria’s Secret

Là một ông vua bán lẻ đến từ Dayton, Ohio, Wexner trước đó đã thành công với tiền thân của thương hiệu thời trang bình dân The Limited. Do đó, ông không mất nhiều thời gian để mở rộng quy mô bán lẻ của Victoria's Secret. Từ đây, thương hiệu này đã chuyển mình từ một đơn vị cung cấp đồ nội y nhỏ thành một gã khổng lồ toàn cầu, nổi bật với những chiếc túi màu hồng và đen, có nhiều phòng trưng bày bóng bẩy và những siêu mẫu có cánh đã trở thành kim chỉ nam về thời trang cho nhiều thế hệ trẻ em gái và phụ nữ trẻ.

Quá trình này là trọng tâm của Selling Sexy, giải thích một cách có hệ thống, dù với cách truyền tải nhẹ nhàng về sự trỗi dậy và sau đó sụp đổ nhanh chóng, hỗn loạn của Victoria’s Secret. Trong khi họ có nhiều nhà lãnh đạo sáng tạo và chiến lược là phụ nữ, tuy nhiên, các giám đốc điều hành hàng đầu vẫn là nam giới. Trong đó, Wexner và phó tướng trung thành lâu năm của ông, Ed Razek là những người có sức ảnh hưởng đáng kể.

Trong khi các chi tiết về Wexner và Razek không được tiết lộ nhiều, các nữ lãnh đạo, những nhân viên và nhiều chuyên gia khác trong ngành đã xuất hiện trong cuốn sách, chia sẻ góc nhìn của họ. Với góc nhìn tường thuật, Sherman và Fernandez làm rõ vai trò của chủ nghĩa phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc và phân biệt cả kích thước cơ thể trong sự sụp đổ của công ty. Một ví dụ là sự kiên định của Wexner với triết lý “hy vọng, không phải giúp đỡ”. Họ nhắm tới những mặt hàng dành cho thân thể hoàn hảo, mang đến kỳ vọng cho khách hàng, thay vì các sản phẩm phù hợp với phụ nữ ở mọi hình thể, mọi tình trạng cơ thể.

Nhưng ngay cả khi Wexner đã ra đi, sau khi mối quan hệ với Jeffrey Epstein bị tiết lộ, khuôn mẫu tại Victoria’s Secret vẫn được giữ nguyên. Một buổi trình diễn thời trang đã được lên lịch vào ngày 15/10 với dàn siêu mẫu. Tuy nhiên, có vẻ như phụ nữ không còn mua giấc mơ nữa.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Sự 'trái ngang' của phong cách Pháp và người dân Mỹ 

Trải qua giai đoạn chịu ảnh hưởng của thời trang Pháp, một nhóm người có tầm nhìn táo bạo ở New York đã phát triển hướng đi thời trang mới: "sự thanh lịch không cầu kỳ".

Loạt nhà mốt xa xỉ tìm tới văn chương để nâng tầm giá trị

Chiến dịch “Summer Reads” của Miu Miu là minh chứng mới nhất cho sự kết hợp giữa thời trang và văn học. Văn học trở thành phương tiện để nuôi dưỡng bản sắc trí tuệ cho thương hiệu.

Minh Hoa

Bạn có thể quan tâm