Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những kẻ độc tài và các vụ thảm sát ở Trung Mỹ

Nền kinh tế sụp đổ năm 1929 khiến cho điều kiện làm việc của công nhân lại như thể chó cắn áo rách.

Trận Đại suy thoái và giá cà phê thấp đã đưa đến cách mạng, những chế độ độc tài và bất ổn định xã hội đến cho các nước Trung Mỹ.

Nền kinh tế sụp đổ năm 1929 khiến cho điều kiện làm việc của công nhân như thể chó cắn áo rách, và ngoại trừ ở Costa Rica, thì thể chế chính trị trong đó vị trí độc tài đang bị đe dọa của cà phê đã hối thúc những kẻ lãnh đạo có quyền lực mạnh mẽ khôi phục “trật tự và tiến bộ”. Tất cả những kẻ độc tài đều tiếp tục dựa vào tiền và sự hỗ trợ của Mỹ, trong khi đàn áp bất cứ đối tượng nào ho he chống đối.

Trong tiếng nổ đầu tiên của sự kiện sụp đổ năm 1929, giới tinh hoa cà phê ngấu nghiến xâu xé những vườn cà phê nhỏ hơn thông qua tịch thu tài sản thế chấp vay nợ và bán đứt, càng nới rộng ra khoảng cách giữa những kẻ ăn không hết với những người lần chẳng ra.

hanh trinh ca phe anh 1

Trận Đại suy thoái và giá cà phê thấp đã đưa đến cách mạng, những chế độ độc tài, và bất ổn định xã hội đến cho các nước Trung Mỹ. Ảnh: Perfect Daily Grind.

Ở El Salvador, quân đội hất cẳng Tổng thống được bầu và đón lên kẻ độc tài Maximiliano Hernandez Martinez vào cuối năm 1931. 20 năm tiếp theo, ông ta đã cai trị El Salvador bằng nắm đấm sắt và những chính sách ngày càng kỳ quái.

Được biết đến là El Brujo (phù thủy) vì tin vào thuyết thần trị và những điều huyền bí, Hernandez Martinez đã chia sẻ với dân chúng quan điểm và tầm nhìn của mình trên đài phát thanh. “Trẻ em đi chân đất là tốt”, ông ta nói với người nghe đài. "Có thế thì chúng mới nhận được địa khí, sóng địa chấn”.

Ông ta tuyên bố rằng mình được “những binh đoàn vô hình” bảo vệ trong mối giao cảm trực tiếp với Tổng thống Mỹ.

Vị độc tài này tin là con người có đầu thai, còn côn trùng thì không. “Giết một con kiến còn nặng tội hơn là giết một người, vì con người chết đi có thể đầu thai sang kiếp khác còn con kiến chết là hết đời”.

Đến những năm 1930, cà phê đã đóng góp hơn 90% giá trị kim ngạch xuất khẩu cho El Salvador. Người Anh điêng làm việc 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày chỉ để có được tiền công 12 xu.

Một nhà quan sát người Canada đã viết vào thời điểm đó, họ phải chịu cơ cực với “tiền lương rẻ mạt, sự bẩn thỉu đến kinh khủng, hoàn toàn thiếu sự tôn trọng của chủ thuê, sống trong những điều kiện mà trên thực tế chẳng khác gì nô lệ”.

Không thể nào trả những khoản nợ thế chấp và trên danh nghĩa thiếu nợ, những người chủ đồn điền xà xẻo tiền lương của người lao động, trì hoãn việc bảo dưỡng thường xuyên các trang thiết bị làm việc, và sa thải nhiều người đã dành cả đời trên mảnh đất cà phê không có ai thu hoạch.

“Đã có lần”, một người sau này kể lại với một nhà báo, “chúng tôi chẳng có công việc hay đất đai gì... Tôi phải bỏ rơi vợ con. Tôi không có đủ việc để có thể kiếm cái ăn cho họ chứ nói gì đến quần áo, hay học hành. Tôi không biết bây giờ vợ con tôi đang ở đâu. Cảnh nghèo đói đã chia rẽ chúng tôi mãi mãi... Vì thế nên tôi đã trở thành một người cách mạng”.

Ngày 22 tháng 1 năm 1932, được vị lãnh tụ cách mạng có sức lôi cuốn đặc biệt là Agustin Farabundo Marti thúc giục, kêu gọi, những người Anh điêng ở cao nguyên Miền Tây (hầu hết cà phê được trồng ở đây) đã giết hại gần 100 người, hầu hết là đốc công và lính tráng.

Hưởng ứng cùng với cơn thịnh nộ bị kìm nén lâu ngày của những người công nhân bị áp bức, ngọn núi lửa Izalco gần đấy đã phun trào cùng trong đêm ấy. Trong tay chỉ có dùi cui, súng cao su, dao rựa, và vài ngọn súng trường, những kẻ nổi dậy chẳng thể nào chống cự nổi với đạo quân của chính phủ đang ùn ùn kéo tới.

Hernandez Martinez chỉ đạo trả đũa dã man, cùng lúc ra lệnh thành lập Đội Cảnh sát, chủ yếu là những công dân ở tầng lớp cao.

Cuộc trả thù trong bể máu đến sau đó chỉ được người đời đơn giản biết đến là La Matanza, Trận Thảm sát. Quân đội, được tầng lớp cai trị đang cảm thấy bị sỉ nhục và khiếp đảm trợ giúp, đã giết chóc vô tội vạ, một nhóm gồm 50 người đàn ông bị trói ngón tay cái với nhau rồi bị bắn ở ngay trước bức tường nhà thờ. Nhiều người khác phải đào những ngôi mộ tập thể trước khi súng máy đốn họ xuống chính những cái hố đó.

Xác chết la liệt bên đường. Bất cứ ai mặc áo dân tộc Anh điêng cũng bị giết, gần giống như tội ác diệt chủng ở một số khu vực. Những xác chết đang thối rữa bị mặc cho lợn, chó và chim kền kền mặc sức xâu xé. Farabundo Marti chết trước một đội súng. Chỉ trong vòng vài tuần có khoảng 30.000 người chết.

Ký ức về trận thảm sát này đã tác động lên lịch sử của người Salvador trong hết phần còn lại của thế kỷ. Một trong những nhà thơ của họ đã viết: “Chúng ta ra đời nửa sống nửa chết năm 1932”.

Trong một số báo tháng 7/1932, Hiệp hội Cà phê El Salvador đã bình luận về cuộc nổi dậy và hậu quả là trận thảm sát: “Xã hội nào cũng có hai tầng lớp chính yếu: kẻ bóc lột và kẻ bị bóc lột... Ngày nay, người ta gọi đó là kẻ giàu, người nghèo”.

Họ quả quyết, sự chia rẽ tầng lớp này là tất yếu và những nỗ lực để xóa nhòa nó sẽ “phá vỡ tính cân bằng và làm tan rã cấu trúc xã hội loài người”. Đó là cách giới tinh hoa quyền lực trong ngành cà phê Salvador biện minh cho trạng đói nghèo triền miên của những người nông dân.

[...] Hernandez Martinez ban hành các luật gây khó dễ cho công cuộc công nghiệp hóa. El Salvador biến cà phê, thậm chí một cách chắc chắn hơn, thành nguồn thu chính.

Ở Guatemala, Nicaragua và Honduras, các nhà độc tài cũng đạt được quyền lực trong suốt cơn khủng hoảng đó, thẳng tay dập tắt bất cứ ngọn lửa nổi dậy nào của nông dân. Khi Jorge Ubico Castaneda tiếp quản quyền lực ở Guatemala vào năm 1931, ông ta nhanh chóng giẫm nát bất cứ kẻ bất đồng chính kiến nào bằng cách bỏ tù, ám sát, tử hình hay trục xuất.

Nhận ra là cần phải xoa dịu những người lao động Anh điêng dưới tầng áp bức, ông ta xóa bỏ chế độ nô lệ ở đợ nhưng lại ban hành một thứ luật kỳ quặc rốt cuộc cũng không khác gì. Chẳng có gì thay đổi tình trạng nghèo xơ xác của nông dân Guatemala hay việc đất nước này phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài và xuất khẩu cà phê.

Sau năm 1933, khi Ubico ra lệnh bắn một trăm kẻ cầm đầu các tổ chức công đoàn, sinh viên, và các lãnh tụ chính trị - và ban hành một sắc lệnh cho những người chủ đồn điền cà phê và chuối được phép giết công nhân mà không bị phạt - người lao động chẳng còn dám ho he gì nữa.

Tướng Anastasio Somoza Garcia lên nắm quyền ở Nicaragua năm 1934, sau vụ ám sát lãnh tụ du kích Augusto Cesar Sandino do chính Somoza đạo diễn. Chính thức đắc cử năm 1936, Somoza đã xây dựng một triều đại gia đình trị chủ yếu dựa trên những tài sản đất đai trồng cà phê rộng lớn, bao gồm 46 vườn cà phê.

Bằng cách hăm dọa và đút lót, Somoza đã trở thành người nắm giữ nhiều tài sản nhất nước. Ông ta cũng ra lệnh thảm sát những kẻ tình nghi nổi loạn.

Ở Honduras, tên độc tài trong thời Đại suy thoái, Tiburcio Carias Andino, có vẻ là đỡ tàn nhẫn hơn những kẻ đồng cấp của hắn. Ông ta đã khuyến khích sản xuất nhiều cà phê hơn, để Honduras tham gia cùng những nước Trung Mỹ khác như một thế lực cà phê, mặc dù chuối vẫn giữ vai trò là mặt hàng xuất khẩu chính.

Trong khi đó ở Costa Rica và Colombia, cuộc Đại suy thoái và giá cà phê sụt giảm cũng tạo ra nhiều vấn đề, mặc dầu cơ quan lập pháp hứa hẹn thông qua các chính phủ được bầu cử dân chủ sẽ giúp đỡ giải quyết mâu thuẫn. Ở Costa Rica, nơi các tiểu chủ chiếm ưu thế hơn lao động trên những finca của chính mình, thì chẳng có vấn đề gì; nhưng những nông dân này buộc phải nhanh chóng bán quả tươi chín cho những trung tâm chế biến tập trung hóa, trong suốt thời kỳ suy thoái, những trung tâm này ra giá rất thấp.

Năm 1933, nhà nước cuối cùng cũng phải can thiệp bằng những quy định buộc các cơ sở chế biến phải mua quả tươi với một mức giá phải chăng.

Nông dân Colombia, nhìn chung tự chế biến cà phê của mình, vật lộn với các tổ chức tài chính áp lãi suất cao và các nhà xuất khẩu nước ngoài ép giá - Tập đoàn Cà phê A & B, Hard & Rand, W.R Grace - những công ty này đã thống trị ngành cà phê Colombia.

Các cuộc biểu tình của người lao động ở những haciendas ngày càng quyết liệt. Các colono và tá điền từ chối trả những khoản nợ tồn đọng, tranh cãi rằng mảnh đất đang canh tác là của mình. Những kẻ cướp đất, bị gọi một cách miệt thị là pardsitos, tuyên bố quyền sở hữu đối với những mảnh đất chưa được sử dụng trên các haciendas.

Cơ quan lập pháp của Colombia đã thông qua các luật quy định các vùng đất hoang là tài sản sung công, dẫn đến việc suy giảm số lượng các đồn điền rộng lớn. Giới tinh hoa giàu có trong ngành cà phê đã đa dạng hóa, thâm nhập vào nhiều ngành như nhà máy xi măng, xưởng đóng giày, bất động sản, và giao thông vận tải.

Tuy nhiên, cà phê Colombia tiếp tục được bán với số lượng nhiều chưa từng có. Federación Nacional de Cafeteros (FNC), Liên đoàn Cà phê Colombia, đã được thành lập năm 1927 và nhanh chóng đạt được nhiều sức mạnh chính trị, trở thành “một Nhà nước tư nhân giữa lòng một Nhà nước Chẳng-phải-của-nhân-dân-lắm”, như một nhà bình luận đã nhận xét. Ở Mỹ, Liên đoàn này quảng cáo cà phê nhân Colombia là “Cà phê dịu Cao cấp”.

Mark Pendergrast / NXB Lao Động

SÁCH HAY