Truyện tranh Việt Nam phải cạnh tranh rất gắt gao với các tác phẩm manga Nhật Bản (có số lượng bán khổng lồ trên thị trường). Quan sát các bảng xếp hạng sách bán chạy hàng năm của những đơn vị phân phối, chúng ta hiếm khi thấy tác phẩm truyện tranh Việt Nam xuất hiện.
Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ dữ liệu đăng ký xuất bản được công khai trên website của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục Xuất bản), Bộ Thông tin và Truyền thông, bạn đọc sẽ thấy điều bất ngờ.
Dữ liệu đăng ký xuất bản được thống kê từ website của Cục Xuất bản, từ ngày 1/1/2016 đến 9/8/2020, đã loại trừ các cuốn sách giáo khoa, nghiên cứu và sách in theo đơn đặt hàng.
Truyện Tý Quậy. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Những nghệ sĩ lão làng
Xét về số lượng sách được đăng ký xuất bản lẫn tổng số bản in, dữ liệu trên website của Cục Xuất bản cho thấy Kim Khánh - họa sĩ truyện tranh lão làng của Việt Nam - đang có số lượng sách được đăng ký xuất bản nhiều nhất. Tổng số sách của ông được đăng ký lên tới 31 triệu bản, vượt lượng sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (khoảng 16 triệu bản in).
Kim Khánh bắt đầu sáng tác từ năm 1989. Số lượng in rất lớn của họa sĩ này đến từ những bộ truyện tranh kéo dài hàng trăm tập của ông là Cô tiên xanh, Trạng Quỷnh và Cậu bé rồng. Riêng bộ Trạng Quỷnh đã được đưa vào sách kỷ lục Việt Nam với danh hiệu “Bộ truyện tranh nhiều tập nhất”.
Đứng thứ ba trong danh sách các tác giả Việt có nhiều sách xuất bản giai đoạn 2016-2020, ngay sau nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, là họa sĩ truyện tranh lão làng khác.
Tác giả Hùng Lân quá quen thuộc với độc giả Việt Nam qua tác phẩm Dũng sĩ Hesman. Số lượng xuất bản phẩm lớn này đến từ đợt tái bản cuốn truyện tranh Dũng sĩ Hesman từ 2 năm trước.
160 tập Dũng sĩ Hesman, cùng hàng chục tập truyện Cô tiên xanh (phiên bản do họa sĩ Hùng Lân vẽ) đã giúp ông cán mốc hơn 3 triệu bản in.
Trong số 10 tác giả có số lượng sách đăng ký xuất bản nhiều nhất, cố họa sĩ Đào Hải được yêu mến trong cộng đồng độc giả nhí với tác phẩm Tý Quậy.
Số lượng đăng ký xuất bản của Tý Quậy lên tới hơn 100 nghìn bản/tập (giai đoạn 2016-2020), thể hiện sức hút mãnh liệt của tác phẩm này.
Có thể thấy truyện tranh Việt dành cho độc giả nhí vẫn có sức ảnh hưởng trên thị trường. Những tác giả truyện tranh Việt Nam có số lượng bán hàng đầu đều đã hoạt động trong nghề từ nhiều năm nay, vẫn bền bỉ sáng tác.
Hai tập truyện Long thần tướng của họa sĩ Thành Phong. |
Tác giả trẻ bước đầu tạo dấu ấn
Khoảng 5-6 năm trở lại đây, truyện tranh Việt Nam bùng nổ trở lại, với các tác phẩm của các họa sĩ trẻ. Tuy sức ảnh hưởng với thị trường còn chưa lớn, một số tác giả trẻ tạo được dấu ấn nhất định.
Một trong những họa sĩ truyện tranh trẻ có số lượng đăng ký xuất bản hàng đầu hiện nay là họa sĩ Thành Phong. Với các tác phẩm Phê như con tê tê, Thương nhớ thời bao cấp và Long thần tướng, họa sĩ này có số lượng bản in vượt quá con số 200.000.
Một ví dụ nữa là họa sĩ trẻ Mèo Mốc (tên thật là Đặng Quang Dũng). Từ fanpage truyện tranh ngắn trên mạng xã hội, Đặng Quang Dũng tuyển chọn các tác phẩm ngắn để in thành sách. Đến nay, người này đã ra mắt 10 cuốn sách với tổng số hơn 200 nghìn bản in.
Khi nói đến các tác giả truyện tranh trẻ Việt Nam, bạn đọc không thể không nhắc nhóm vẽ B.R.O Comic. Ra mắt với bộ truyện tranh phóng tác lại các danh tác văn học trong nước, sau đó, B.R.O ghi dấu ấn với bộ truyện tranh dài Học sinh chân kinh và đạt được nhiều thành công với tác phẩm hiện tại Lớp học mật ngữ.
Do được xuất bản chung với ấn phẩm Thiên thần nhỏ của Sinh viên Việt Nam - Hoa học trò, số lượng đăng ký xuất bản của Lớp học mật ngữ không có trên dữ liệu của Cục xuất bản. Tuy nhiên, với việc liên tục nằm trong top bán chạy của nhà phát hành Fahasa, Lớp học mật ngữ có số lượng bản in không hề nhỏ.
Sau hơn 30 năm, truyện tranh của Việt Nam vẫn từng ngày phát triển và thế hệ các họa sĩ trẻ đang xuất hiện ngày một nhiều.
Tuy nhiên, vị thế vững chắc của những họa sĩ thế hệ trước, thể hiện qua số lượng bản in và số tập truyện phát hành, sẽ là thách thức lớn cho những họa sĩ trẻ hiện nay, nếu muốn soán ngôi và chiếm lĩnh thị trường truyện tranh Việt Nam.