Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những hình thức phản đối đáng sợ nhất thế giới (kỳ 1)

Người biểu tình tưới máu vào cổng tòa nhà chính phủ Thái Lan vào năm 2010, trong khi vài chục người tị nạn khâu môi để phản đối Bộ Di trú Australia vào năm 2002.

Khâu môi

Ngày 18/1/2002, giới chức Australia thông báo gần 60 người tị nạn trong trại dành cho người nhập cư bất hợp pháp Woomera đã khâu hai môi của họ để phản đối sự chậm trễ trong quá trình xét hồ sơ thị thực của họ, Guardian đưa tin.

“Họ thất vọng vì quá trình xem xét hồ sơ không diễn ra nhanh chóng như họ mong đợi. Giờ đây 58 người trong số họ khâu môi vào nhau. Hành động đó không thể khiến quá trình xét thị thực diễn ra nhanh hơn”, Bộ Di trú Australia thông báo.

Ảnh minh họa: blogspot.com

Sau đó, trong một cuộc biểu tình trên đảo Christmas của Australia vào năm 2010 để phản đối việc Bộ Di trú xét hồ sơ thị thực quá lâu, 10 người tị nạn đã khâu môi. Một sự kiện tương tự diễn ra trên đảo Christmas vào năm 2013, song giới truyền thông không liệt kê chính xác số người khâu môi.

Australia là một trong những nước áp dụng biện pháp cứng rắn để đối phó với người nhập cư bất hợp pháp. Nhà chức trách thường giam những người tới Australia trái phép hoặc cố tình ở lại sau khi thị thực hết hạn. Quá trình xét thị thực cho những người xin tị nạn có thể diễn ra trong vài năm. 

Đóng đinh vào bộ phận sinh dục

Vào Ngày Cảnh sát năm ngoái (10/11/2013), Pyotr Pavlensky – một họa sĩ Nga – tới quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow với một mục đích vô cùng cao cả: Thể hiện sự bất mãn đối với lối sống lãnh đạm của xã hội đương đại. Mục đích khá “cao cả”, song cách thể hiện sự bất mãn của chàng họa sĩ lại vô cùng kỳ quặc. Anh ta cởi hết quần, áo rồi ngồi xuống quảng trường và đóng đinh vào bộ phận sinh dục, Guardian đưa tin.

Cảnh sát bắt Pavlensky và họ choáng váng khi biết đây không phải là lần đầu tiên anh chàng họa sĩ lập dị áp dụng các biện pháp cực đoan để bày tỏ quan điểm. Anh ta từng phản đối xã hội bằng cách cuốn dây thép gai xung quanh cơ thể trong tình trạng khỏa thân. Trong một lần khác, anh ta khâu hai môi vào nhau.  

Ngâm cơ thể trong nước bẩn trong nhiều ngày

Vào năm 2012, chính quyền thông báo họ sẽ mở tất cả cửa của đập Omkareshwar ở quận Khandwa, bang Madhya Pradesh. Chính quyền bang khẳng định mở đập là việc cấp bách bởi mực nước sông Narmada đang dâng rất nhanh. Tuy nhiên, người dân trong làng Ghogal ở gần đập lo ngại việc mở đập sẽ khiến lũ nhấn chìm nhà và ruộng của họ. Tòa án yêu cầu chính quyền tìm nơi định cư mới cho người dân trong làng, nhưng chính quyền lại không thực hiện nghĩa vụ của họ.

Một nhóm gồm 51 người trong làng Ghogal đã ngâm cơ thể dưới sông vào hôm 25/8/2012 để phản đối việc chính quyền mở đập nhưng không tìm nơi định cư cho họ, NDTV đưa tin.

“Cua và cá rỉa chân chúng tôi. Da chân chúng tôi rộp và bong. Mỗi khi trời mưa chúng tôi rất khốn khổ”, một người biểu tình kể.

Những người nông dân trong làng Ghogal ngâm cơ thể trong nước sông suốt 17 ngày. Ảnh: The Hindu

Sau 17 ngày, cuối cùng giới chức bang đã nhượng bộ dân làng. Chính quyền cam kết rằng họ sẽ giảm mực nước trong đập để giảm thiệt hại do nước lũ gây nên, đồng thời tìm kiếm nơi định cư, bồi thường để người dân rời khỏi làng Ghogal.

Tưới máu vào cổng của tòa nhà chính phủ

Trong làn sóng biểu tình của phe Áo đỏ tại Thái Lan vào năm 2010, một số người chống chính phủ nghĩ ra một chiêu kỳ quặc để bày tỏ sự phản đối bằng máu. Họ tiến về phía tòa nhà chính phủ vào cuối buổi chiều 16/3 để tưới máu lên các cổng và cảnh sát cho phép họ thực hiện việc ấy. Đài truyền hình tường thuật trực tiếp cảnh tưới máu, Bangkok Post đưa tin.

Vài phút sau, các nhân viên vệ sinh của chính phủ - mặc áo khoác trắng, đeo mặt nạ và găng tay cao su - xuất hiện để thực hiện công việc dọn dẹp. Giới chức ngành y tế cảnh báo máu của người biểu tình mất vệ sinh nên có thể lây truyền dịch bệnh. Ngay cả cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người mà phe áo đỏ ủng hộ, cũng lo ngại về nguy cơ lây lan dịch bệnh từ việc tưới máu.

Người biểu tình tưới máu vào cổng tòa nhà chính phủ ở thành phố Bangkok hôm 16/3/2010. Ảnh: AP

Người biểu tình trưng bày những bình, chai chứa máu lên một sân khấu ở thủ đô Bangkok trước khi đem chúng tới tòa nhà chính phủ. Weng Tochirakarn, một thủ lĩnh của phe Ao đỏ, thông báo họ lấy được 500.000 cc máu từ khoảng 50.000 người vào giữa buổi chiều. Trong khi đó, theo đài truyền hình tại Bangkok, tính tới 16h30 hôm 16/3, người biểu tình lấy được 600.000 cc máu.

Thái Dương

Bạn có thể quan tâm