Đại dịch Covid-19 đã tác động đáng kể đến bộ mặt thế giới trên nhiều phương diện sau gần 18 tháng bùng phát và lây lan đến nhiều quốc gia.
Theo thống kê của Worldometers, tính đến ngày 16/6, toàn thế giới ghi nhận hơn 117 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có xấp xỉ 3,82 triệu ca tử vong.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã khởi động chương trình tiêm chủng, tiến sĩ Lisa Maragakis và tiến sĩ Gabor Kelen từ Bệnh viện Johns Hopkins đã lý giải nhiều hiểu lầm phổ biến xoay quanh việc tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Vaccine ảnh hưởng khả năng sinh sản
Một trong những lời đồn đoán phổ biến xoay quanh việc tiêm chủng bao gồm niềm tin rằng vaccine ngừa Covid-19 có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.
Trên thực tế, vaccine Covid-19 giúp cơ thể tạo ra các bản sao của protein đột biến được tìm thấy trên bề mặt của virus corona. Điều này “dạy” hệ thống miễn dịch của cơ thể cách chống lại loại virus có chứa dạng protein tương tự trong vaccine.
Do đó, trái với niềm tin nói trên, vaccine ngừa Covid-19 không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của phụ nữ, kể cả đối với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Tiến sĩ Lisa Maragakis. Ảnh: Bệnh viện Johns Hopkins. |
Trong quá trình thử nghiệm vaccine Covid-19 phát triển bởi Pfizer, 23 phụ nữ tình nguyện tham gia thí nghiệm đã có thai. Người duy nhất bị ảnh hưởng khả năng sinh sản là một tình nguyện viên sử dụng giả dược.
Mặt khác, việc mắc Covid-19 có thể tác động nghiêm trọng đến thai kỳ và sức khỏe của thai phụ, theo thông tin từ Bệnh viện Johns Hopkins.
Người từng nhiễm virus không cần tiêm vaccine
Trái với niềm tin đó, hai tiến sĩ Kelen và Maragakis cho rằng bệnh nhân từng mắc Covid-19 vẫn có thể hưởng lợi từ việc tiêm chủng.
Tin đồn trên xuất phát từ cơ chế miễn dịch tự nhiên, giúp bảo vệ cơ thể người khỏi chứng bệnh họ từng mắc phải trong quá khứ.
Hiện các nhà khoa học chưa có đủ thông tin để kết luận về thời gian tồn tại của miễn dịch tự nhiên trong cơ thể người đối với virus corona. Do đó, bệnh nhân từng mắc Covid-19 và đã bình phục vẫn được các chuyên gia y tế khuyến cáo tiêm vaccine.
Tiến sĩ Gabor Kelen. Ảnh: NBC News. |
Có đáng tin không?
Thực tế rằng vaccine Covid-19 được nghiên cứu trong thời gian gấp rút khiến nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả và độ an toàn của các chế phẩm này.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cả hai loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được phát triển đều có hiệu quả đến 95% và không có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng người tiêm.
Theo Bệnh viện Johns Hopkins, tồn tại nhiều nhân tố giúp thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine Covid-19.
Đơn cử, Pfizer/BioNTech và Moderna chế tạo vaccine Covid-19 thông qua một phương pháp được nghiên cứu trong nhiều năm tiền đại dịch. Do đó, các công ty này có thể bắt đầu phát triển vaccine ngay từ khi dịch Covid-19 mới bùng phát.
Trên thực tế, công nghệ mRNA dùng để phát triển vaccine Covid-19 đã được nghiên cứu trong gần hai thập kỷ, trái với niềm tin rằng kỹ thuật này mới ra đời gần đây.
Tốc độ nghiên cứu vaccine cũng được đẩy nhanh nhờ nguồn thông tin về Covid-19 được phía Trung Quốc chia sẻ kịp thời.
Các dự án điều chế vaccine được hỗ trợ bởi nhiều nguồn lực, bởi chính phủ nhiều nước đã đầu tư vào nghiên cứu, thậm chí đặt cọc cho số vaccine đang được phát triển.
Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông đã thu hút lượng lớn tình nguyện viên, giúp đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm vaccine.
Đã vaccine thì không cần khẩu trang
Nhiều người cho rằng những cá nhân đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 không cần tiếp tục đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của virus corona.
Trên thực tế, tại Mỹ, vào ngày 13/5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nước này đã chỉnh sửa bộ quy định an toàn mùa dịch đối với những người đã tiêm phòng.
Bản cập nhật này nêu rõ rằng những cá nhân đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 không bắt buộc phải đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc gần, trừ khi bộ luật địa phương hoặc tiểu bang yêu cầu họ phải tuân thủ những quy tắc trên.
Dù vậy, CDC cũng khuyến cáo những người đã tiêm phòng nên đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc gần khi đến phòng khám, bệnh viện và các cơ sở y tế.
Người đã tiêm vaccine có thể không cần tiếp tục đeo khẩu trang. Ảnh: AFP. |
Vaccine truyền mầm bệnh Covid-19?
Do cơ chế hoạt động của vaccine, nhiều nguồn tin cho rằng việc tiêm vaccine Covid-19 có thể khiến người tiêm nhiễm phải virus corona.
Trên thực tế, vaccine Covid-19 không thể truyền virus corona sang cơ thể người tiêm. Hai loại vaccine mRNA được cấp phép bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ có chức năng giúp các tế bào trong cơ thể người tái tạo một protein tương tự một mảnh của virus corona, giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Vì vaccine không chứa mầm bệnh SARS-CoV-2, việc tiêm chủng không khiến người tiêm mắc Covid-19.
Tác dụng phụ?
Vào tháng 4, sau khi CDC tạm ngưng triển khai vaccine do Johnson & Johnson, nhiều người lo ngại rằng tác dụng phụ của vaccine ngừa Covid-19 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêm.
Tuy nhiên, CDC sau đó đã tiếp tục chương trình tiêm chủng sử dụng chế phẩm của Johnson & Johnson.
Vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson từng bị ngưng sử dụng bởi CDC vào tháng 4. Ảnh: Reuters. |
Vaccine của Pfizer và Moderna có thể gây ra tác dụng phụ song phần lớn là ngắn hạn, không nghiêm trọng hoặc nguy hiểm. Các công ty vaccine báo cáo rằng một số người tiêm bị nhức mỏi cơ thể hoặc vùng được tiêm, đau đầu và sốt.
Các triệu chứng này thường kéo dài trong 1-2 ngày. Chúng là dấu hiệu cho thấy vaccine đang kích thích hệ thống miễn dịch trong cơ thể.
Các trường hợp có triệu chứng đau nhức nghiêm trọng hoặc sốt kéo dài được khuyến cáo đến cơ sở y tế kiểm tra, theo Bệnh viện Johns Hopkins.
Đồ họa: Quốc Tuệ, Hà My. |