Ở đầu thông cáo chung sau hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo của G7 nhấn mạnh mục tiêu chung là "đánh bại đại dịch Covid-19" và tái thiết lại thế giới.
Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, các nước công nghiệp phát triển nhất cam kết tài trợ thêm một tỷ liều vaccine Covid-19 cho thế giới trong một năm tới, đồng thời tạo ra các cơ chế phòng ngừa chung trước đại dịch.
Các cam kết trên đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, khi chúng không tương xứng thật sự với mục tiêu tham vọng của G7.
G7 cam kết điều gì?
Trong tuyên bố hôm 10/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng các cam kết mà chính quyền ông đưa ra - gồm việc phân phối 500 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp trong 12 tháng tới - sẽ "hỗ trợ rất nhiều cho cuộc chiến chống đại dich toàn cầu".
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng có động thái tương tự, khi cam kết rằng nước Anh sẽ tài trợ thêm 100 triệu liều vaccine Covid-19, cho rằng đây là một phần nỗ lực của G7 bác bỏ "cách tiếp cận ích kỷ và mang thiên hướng quốc gia" trong chống dịch.
Trong nhiều tháng trước đó, Mỹ và Anh là những quốc gia đã tích trữ lượng lớn vaccine, qua đó giúp 50% dân số của họ được tiêm chủng ít nhất một mũi. Trong khi đó, nhiều quốc gia nghèo hơn vẫn chưa thể tiêm vaccine cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu.
Các lãnh đạo G7 chụp ảnh chung. Ảnh: Reuters. |
Theo bài viết của tác giả Ishaan Tharoor trên Washington Post, thông cáo chung của G7 cam kết hỗ trợ sản xuất (vaccine) ở các nước thu nhập thấp, song lại không hề đưa ra lộ trình hay kế hoạch cụ thể cho việc này.
Các lãnh đạo G7 nói tài trợ thêm 1 tỷ liều vaccine, nhưng theo phân tích của Bloomberg, chỉ có 613 triệu liều trong số đó được cam kết tại hội nghị G7, và số còn lại là từ các cam kết trước đó - bao gồm việc hỗ trợ tài chính cho sáng kiến COVAX.
Việc các nước giàu có tích trữ lượng lớn vaccine cũng khiến kế hoạch phân phối vaccine của COVAX bị chậm trễ. Trong bài đăng ngày 12/6, AP cho biết COVAX mới chỉ phân phối được 81 triệu liều vaccine Covid-19 trên toàn cầu, và nhiều khu vực trên thế giới, điển hình là châu Phi, vẫn chưa thể tiếp cận với vaccine.
Điều này có thể được thấy rõ nhất thông qua thông cáo chung ngày 27/5 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CEPI (Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh - dẫn đầu nỗ lực quốc tế về điều chế vaccine), GAVI (Liên minh Toàn cầu về vaccine - chuyên giúp tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng), và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF - nay chủ trì việc mua và phân phối vaccine qua COVAX).
Bốn tổ chức trên cho biết họ thiếu đến 190 triệu liều vaccine trong quý II năm nay, đặc biệt là do sự bùng phát khủng khiếp của đại dịch ở Ấn Độ.
Cam kết 'như muối bỏ bể'
Trên Twitter cá nhân, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảm ơn các nước G7 vì hơn 1 tỷ liều vaccine sẽ đóng góp. Song, ông còn đưa ra một con số đáng quan ngại khác: để tiêm chủng cho 70% dân số thế giới, cần tới 11 tỷ liều.
"Chúng tôi cảm ơn sự đóng góp rộng lượng về vaccine, nhưng chúng ta cần nhiều hơn, ngay bây giờ", ông Tedros nhấn mạnh.
WHO ngày 15/6 cũng khuyến cáo virus đang lây lan nhanh hơn tốc độ phân phối vaccine toàn cầu và "cộng đồng cần vaccine ngay lúc này chứ không phải trong năm tới".
"Một tỷ liều vaccine chỉ như muối bỏ bể khi so với nhu cầu vaccine toàn cầu. Nó tương đương với việc 500 triệu người được tiêm chủng - một con số rất nhỏ và khó tạo ra biến chuyển nào trong đại dịch", Giáo sư Lawrence Gostin của Đai học Georgetown trả lời phỏng vấn của Washington Post.
Các nhà hoạt động của Oxfam biếm họa cảnh các lãnh đạo G7 tranh giành vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters. |
"Số vaccine mà 6 đồng minh của Mỹ cam kết chỉ tương đương với số vaccine từ riêng nước Mỹ. Trong khi đó, châu Âu và nước Anh đã có đủ vaccine để tiêm ngừa cho toàn bộ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch", ông Gostin nói thêm, đồng thời kêu gọi các nước phát triển đóng góp thêm vaccine và hỗ trợ thiết lập cơ sở sản xuất và phân phối vaccine.
Một vài chuyên gia còn xem cuộc gặp thượng đỉnh của G7 là một thất bại. John Denton, Tổng thư ký của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), nói với Sydney Morning Herald rằng các lãnh đạo G7 "biết rằng thế giới cần gì, và những gì họ đưa ra rõ ràng là không đủ".
"Họ biết khoản hỗ trợ tài chính là không đủ, và họ biết sự thất bại trong việc tiếp cận bình đẳng với vaccine toàn cầu sẽ hủy hoại quá trình phục hồi kinh tế của chính họ", ông Delton nói.
Dẫn một nghiên cứu của ICC, ông Denton cũng cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ mất hàng nghìn tỷ USD nếu khoảng trống về vaccine giữa các nước giàu và nước nghèo không được thu hẹp.
"Họ xem việc hỗ trợ các nước nghèo là hành động nhân đạo, trong khi thật sự họ hành động vì lợi ích của mình. Đó là một điều khó chấp nhận", ông nhấn mạnh.